Thử nghiệm nổi tiếng: Chỉ mất 3 tuần khiến 1 nhóm học sinh thay đổi hẳn suy nghĩ
Chỉ trong 3 tuần ngắn ngủi, nam diễn viên hài Javone Prince đã khiến các em học sinh thay đổi hẳn suy nghĩ về việc đọc.
Đài BBC (Anh) từng quay một bộ phim tài liệu về chủ đề tình trạng đọc sách của thanh thiếu niên lấy tên là "Regaining Reading" (Tạm dịch: Đọc sách trở lại). Miêu tả một cách đơn giản thì bộ phim khắc họa quá trình thay đổi của những học sinh nước Anh, từ chỗ "không biết đọc sách" đến "yêu thích đọc sách". Bộ phim cũng phân tích, chỉ ra những nguyên nhân khiến trẻ không thích đọc sách và làm cách nào để chúng thay đổi.
ĐÁM TRẺ NÀY KHÔNG HỀ THÍCH SÁCH!
Ripley St. Thomas là trường công lập lớn nhất ở Lancashire (một hạt vùng Tây Bắc nước Anh). Đây cũng là trường toàn diện hàng đầu ở Vương quốc Anh. Mặc dù thành tích học tập ở đây khá tốt nhưng nhiều em học sinh cũng gặp vấn đề không thích đọc giống như học sinh các ngôi trường khác.
Khi đài BBC phỏng vấn một số học sinh, hầu hết trả lời:
- Cháu ghét đọc sách, cháu không biết phải đọc để làm gì.
- Đọc sách thật sự rất nhàm chán.
- Chẳng ai tự nguyện đọc sách cả, chúng cháu đọc vì bố mẹ, thầy cô bắt...
Để cải thiện việc đọc, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động như: Cho các em tham gia các hội thảo quốc tế, mở thư viện mới, thêm giờ đọc vào thời khóa biểu, mở câu lạc bộ sách, mời danh nhân đến trường... Mọi thứ có thể đều đã được thực hiện nhưng không mấy hiệu quả.
Sau đó, trường Ripley St. Thomas đã áp dụng một chiến lược bất ngờ. Đó là mời diễn viên hài Javone Prince đến làm việc, hy vọng anh có thể khiến những đứa trẻ ghét sách nhất cũng phải thay đổi, trở nên ham đọc trong vòng 3 tuần.
Khi mới nhận nhiệm vụ, Javone đã thề: "Tôi có thể làm được. Tôi tin mình có thể khiến những đứa trẻ này thấy tầm quan trọng của việc đọc, cảm nhận được đó là điều tuyệt vời nhất trên đời".
Tuy nhiên bước vào thực tiễn, Javone mới phát hiện mọi chuyện không dễ như tưởng tượng. Nam diễn viên đã gặp phải rất nhiều tình huống khó khăn.
CÁC SẢN PHẨM ĐIỆN TỬ ĐÃ "CƯỚP" ĐÁM TRẺ KHỎI NHỮNG CUỐN SÁCH
Thực tế, Javone không phải là một người ham đọc từ nhỏ, điểm số thì luôn nằm top dưới. Thay vì đọc sách, nam diễn viên dành thời gian cho sở thích trở thành diễn viên. Năm 16 tuổi, anh đến trường kịch nghệ.
Đọc sách lúc này lại trở thành niềm vui, giúp anh bổ sung kiến thức diễn xuất và dần trưởng thành hơn. Có lẽ vì nguyên nhân này mà trường Ripley St. Thomas đã mời Javone đến để truyền cảm hứng cho những đứa trẻ đang ở độ tuổi 14, 15. Đây là giai đoạn mà tỷ lệ đọc của trẻ em giảm nhanh nhất. Việc đọc sách cũng không còn phổ biến với chúng. Thay vào đó, trẻ thích xem các thông điệp dưới dạng hình ảnh động, video clip.
Javone quyết định lựa chọn cuốn sách yêu thích của mình cho đám trẻ - ONE, tác phẩm từng đoạt giải văn chương, có nội dung xoay quanh cuộc sống của một cặp chị em song sinh dính liền. Sau 24h từ khi nhận sách, không đứa trẻ nào tại trường Ripley St. Thomas đọc nó. Một số em đọc được vài trang, hoặc chỉ ngó qua phần giới thiệu trên bìa sách.
Khi được hỏi tại sao, đám trẻ đưa ra loạt lý do như không thể tập trung, không có thời gian. Thực chất là bởi chúng đã dành thời gian chìm đắm vào Facebook hay Netflix... tất cả mọi thứ, trừ sách!
So với sách, phần lớn giới trẻ ngày nay thích các sản phẩm điện tử hơn. Đối với một số thiếu niên đã có ý thức tự chủ, khi không cảm nhận được mối liên hệ nào giữa tri thức sách vở và cuộc sống cá nhân, thì dù thế nào đi nữa chúng cũng sẽ không có hứng thú đọc.
THỬ NGHIỆM ĐẶC BIỆT KHIẾN ĐÁM TRẺ "QUAY XE" VỚI SÁCH
Cho rằng câu chuyện chị em song sinh dính liền khiến những đứa trẻ khó tưởng tượng, liên tưởng đến cuộc sống nên Javone đã nghĩ ra một cách khác. Anh mời nhà văn thiếu nhi Helen Skelton đến, cho đám trẻ thử trải nghiệm hoạt động "trở thành cặp song sinh dính liền". Javone hy vọng hoạt động này sẽ khơi dậy trí tò mò của học sinh, khiến các em bị cuốn hút bởi tác phẩm gốc.
Các học sinh được chia thành từng cặp, cùng mặc chung 1 chiếc áo, chiếc quần để hiểu cảm giác "dính liền" là như nào.
Thời gian đầu, khi bước vào khuôn viên trường với tình trạng như vậy, đám trẻ cảm thấy khá ngại ngùng, xấu hổ vì thường xuyên nhận phải ánh mắt tò mò, hành động chỉ trỏ của đám đông. Hoạt động thường ngày cũng gặp nhiều bất tiện.
Đọc sách là một trong những cách tuyệt vời để tăng sự đồng cảm của chúng ta, và đọc tiểu thuyết văn học có thể giúp nhận ra cảm xúc của người khác, hiểu được cảm giác của họ. Trải nghiệm "dính liền" ở một mức độ nào đó đã khiến các em học sinh cảm nhận được cuộc sống, sự vất vả của những cặp song sinh dính liền ngoài đời thực.
Quả thật, trải nghiệm đã khiến học sinh trường Ripley St. Thomas hiểu được tầm quan trọng của tinh thần đồng đội, thậm chí khiến 2 người bạn cùng lớp vốn có mâu thuẫn trở nên hòa thuận, làm lành với nhau.
SỞ THÍCH LÀ YẾU TỐ THEN CHỐT QUYẾT ĐỊNH VIỆC ĐỌC CỦA TRẺ
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều học sinh ngoan cố không chịu mở sách ra đọc. Lý do rất đơn giản, các em không biết đọc sách có ích lợi gì?
Ví dụ, em Alex lớn lên trong một trang trại và yêu thích mọi thứ ở đây. Alex có ý tưởng rõ ràng về những gì mình muốn làm sau khi tốt nghiệp, đó là trở thành một người vắt sữa xuất sắc. Vì vậy, Alex không nghĩ rằng cuốn sách Javone giới thiệu có thể khiến em trở thành một người nông dân giỏi. Nam sinh này quan tâm đến trang trại và đàn bò của gia đình hơn là đọc sách.
Việc để tất cả trẻ em đọc cùng một cuốn sách thực sự là phản khoa học. Bởi vì mỗi người đều có sở thích riêng nên chắc chắn cũng thích đọc các chủ đề khác nhau. Có lẽ xác định sở thích của trẻ là một bước rất quan trọng để trẻ cầm sách lên đọc trở lại.
Để giúp Alex đọc sách, nhà văn thiếu nhi Helen đã không giới thiệu bất kỳ cuốn sách tham khảo nào liên quan đến trang trại cho cậu. Qua trò chuyện với nam sinh này, Helen quyết định chọn cho em cuốn tiểu thuyết tình yêu "Eleanor and Park".
Trong tuần cuối cùng của thử nghiệm đọc sách, người xem thấy được Alex đang say sưa thảo luận với bạn bè về cốt truyện "Eleanor and Park". Alex ngạc nhiên khi phát hiện ra, cách suy nghĩ của con trai và con gái thực sự khác nhau. Dần dần, Alex yêu thích việc đọc sách.
Dù vậy vẫn có những trường hợp cá biệt. Ngay cả khi bạn biết sở thích của trẻ, chưa chắc bạn đã khiến chúng đọc sách được. Ví dụ như trường hợp của Charlie - cậu bé mơ ước làm diễn viên.
"Cháu có thể tìm thấy hàng ngàn thứ thú vị hơn là ngồi yên lặng và đọc một cuốn sách. Cháu không hiểu sao người ta làm được như thế?", Charlie nói.
Để Charlie bắt đầu đọc, Javone với tư cách là một diễn viên đã cố gắng hết sức. Anh quyết định dùng những câu thoại cơ bản nhất, vận dụng diễn xuất của diễn viên để diễn giải nội dung cuốn truyện ONE một cách chân thực, mang đến cho Charlie cảm xúc thật sự.
Bằng cách này, Charlie cảm nhận được việc đọc rất hữu ích để hiểu các nhân vật hơn. Ở một mức độ nào đó, việc đọc khiến Charlie đắm chìm hơn vào nhân vật, cảm thấy mình chính là nhân vật.
"Cháu không nói rằng khi về nhà, cháu sẽ đọc mọi cuốn sách có thể tìm được. Nhưng nếu cháu thấy một cuốn sách khiến mình hứng thú, cháu sẽ cố gắng đọc nó thay vì nghĩ "mình sẽ đi làm việc khác", Charlie chia sẻ
Cuối cùng, để lôi kéo những đứa trẻ tham gia đọc sách, Javone đã dùng đến chiêu cuối cùng - hướng dẫn học sinh sáng tác truyện. Trong tuần thử nghiệm cuối cùng, chúng sẽ trình diễn những câu chuyện này trước tập thể.
Điều bất ngờ là các em học sinh không chỉ tham gia nhiệt tình mà còn tự sáng tạo ra một kịch bản hoàn toàn mới, tập diễn hăng say với nhau... 15 em học sinh bướng bỉnh còn lại cuối cũng đã chịu đọc sách.
Sau khi thí nghiệm kéo dài 3 tuần kết thúc, đám trẻ đã có ý thức đọc sách hơn. Việc đọc còn trở thành nhu cầu thiết yếu của các em trước khi đi ngủ. Nói về điều này, nhà văn Helen cho rằng, thực chất việc khiến trẻ say mê đọc sách không quá khó:
"Tôi nghĩ một khi bạn bắt đầu đọc, một khi bạn tìm thấy một cuốn sách khơi dậy trí tưởng tượng thì nó sẽ khơi dậy mong muốn đọc những cuốn sách khác của bạn. Nhũng thế giới mới cứ thế mở ra..." .