Thủ khoa kỳ thi tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội học giỏi cả môn Văn
Đỗ Đức Tú, học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Bắc Giang, trở thành thủ khoa kỳ thi đánh giá tư duy ở cả ba tổ hợp xét tuyển. Ngoài các môn Khoa học tự nhiên, Tú cũng giỏi đều tất cả các môn học.
Sáng 24/7, trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm thi đánh giá tư duy, Đỗ Đức Tú thức dậy sau cuộc gọi của phóng viên muốn phỏng vấn thủ khoa. “Em chưa kịp xem điểm, lúc đó cảm giác vỡ òa trong bất ngờ chỉ muốn hét lên cho cả thế giới biết".
Ngay sau đó, em nhận cuộc gọi của cô giáo phòng truyền thông trường ĐH Bách khoa xác nhận việc em trở thành thủ khoa Kỳ thi đánh giá tư duy của trường. Tú ngay lập tức thông báo cho cả gia đình. Bố mẹ em đều vô cùng vui mừng, còn bà em thì đem tin này kể cho tất cả hàng xóm xung quanh.
Chia sẻ cảm giác nổi tiếng, Tú nói dù vui và tự hào nhưng cũng có phần áp lực vì lần đầu được báo chí “săn đón”.
Có ba tổ hợp xét tuyển của bài thi tư duy gồm K00 (Toán, Đọc hiểu, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh), K01 (Toán, Đọc hiểu, Khoa học tự nhiên) và K02 (Toán, Đọc hiểu, Tiếng Anh), Tú là thủ khoa của cả ba tổ hợp với mức điểm quy về thang 30 lần lượt là 26.61; 27.37 và 27.05.
Không chỉ là thủ khoa Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Đỗ Đức Tú còn xuất sắc đạt 28.4 điểm cho tổ hợp A00 (Toán 9.4 điểm, Vật lý 9.25 điểm và Hóa học 9.75 điểm). Các môn thi tốt nghiệp còn lại của Tú đều nổi bật, Ngữ văn 8.25 điểm, Sinh học 8.25 điểm và tiếng Anh 9.2 điểm.
Bách khoa là ngôi trường mơ ước từ lâu nên Tú quyết định sẽ đặt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính bằng điểm thi đánh giá tư duy.
Nhớ công thức toán như một bản năng
Là học sinh chuyên Toán nên môn yêu thích nhất và cũng là môn học có điểm tổng kết cao nhất của Đỗ Đức Tú chính là Toán. “Lúc học cấp 2, lần đầu tiên em tham gia vào đội tuyển Toán, được tiếp xúc nhiều với những khía cạnh chuyên sâu của môn Toán và em thấy mình hợp với khả năng tư duy logic, sự diễn giải tường minh của Toán học để đi đến kết luận cuối cùng”.
Môn Toán, dù cũng đòi hỏi nhớ rất nhiều công thức nhưng với Tú "khi hiểu bản chất, em sẽ suy ra công thức. Do đó việc nhớ được công thức giống như một bản năng, kể cả có quên thì vẫn có thể chứng minh, làm lại bài toán để tìm công thức đó thật nhanh trong phòng thi”, Tú khẳng định.
12 năm học, Đỗ Đức Tú chinh phục khá nhiều giải thưởng với môn Toán như Giải Nhì kỳ thi HSG cấp thành phố năm lớp 9, giải khuyến khích cấp tỉnh cùng năm; Giải 3 cấp tỉnh môn Toán năm lớp 12. Tuy vậy, thủ khoa Kỳ thi đánh giá tư duy vẫn là thành tích cao nhất và đáng tự hào nhất của em.
Còn điểm Toán thấp nhất của Tú trong 12 năm học là 6.5 khi còn là học sinh lớp 6. “Lúc đó cảm thấy mình hơi ngốc và cũng xui vì em đọc nhầm đề mà không phát hiện ra”.
Giải quyết tất cả bài tập về nhà ngay trên lớp
Không những học “đỉnh” các môn Khoa học tự nhiên, Đỗ Đức Tú còn học giỏi đều các môn học khác. Để làm được điều đó, theo Tú quan trọng nhất là kết hợp tự học ở nhà và tiếp thu bài đầy đủ trên lớp.
“Với những môn Khoa học xã hội và Sinh học không nằm trong khối A em sẽ cố gắng nắm vững kiến thức cơ bản ngay ở trên lớp và chỉ nhắm tới điểm 7-8.
Còn những môn đã theo đuổi và đặt mục tiêu ngay từ đầu thì phải dành thời gian nhiều hơn không những trên lớp mà còn đào sâu nghiên cứu phương pháp giải các dạng bài, đề mẫu năm trước từ những nguồn khác nhau để nắm vững kiến thức và có phương thức giải cho từng dạng bài phù hợp”.
Tú có một thói quen đặc biệt, đó là dành thời gian giờ ra chơi để làm bài tập về nhà, “để về nhà em có thể tự tìm đọc thêm tài liệu mà vẫn đảm bảo đủ khối lượng bài tập mà thầy cô giao”.
Khi được hỏi sự tự giác của em có được phần nào nhờ bố mẹ đốc thúc không? Tú cười “bố mẹ em thoải mái, toàn giục em đi ngủ sớm thôi”. Còn sự tự giác là do em đặt mục tiêu rõ ràng và tìm được sự thú vị của bài học.
Sự thú vị của bài học không nằm ở lý thuyết và những công thức khô khan mà ứng dụng thực tế của nó trong đời sống. “Chẳng hạn khi giải bài Vật lý em sẽ cố gắng liên hệ và tưởng tượng hiện tượng thực sự xảy ra trong đời sống nhiều nhất có thể để tìm mối tương quan giữa lý thuyết trong bài và hiện tượng có thể xảy ra trước mặt để tìm ra sự thú vị”.
Người truyền cảm hứng để Tú học Toán không ai khác chính là cô Vũ Thị Vân, giáo viên môn Toán của em.
Khi được hỏi một kỷ niệm về cô Vân, Tú phải mất 3 giây suy nghĩ... vì “em nhớ nhiều thứ lắm”. Em thường giải quyết hết tất cả các bài tập cô giao trên lớp nên có lần cô bảo “Đấy! Đúng là Tú”, lúc đó em rất là vui, cảm giác được công nhận”.
"Em chỉ trốn tiết một lần duy nhất!"
Thường được thầy cô nhận xét hiền lành, chăm chỉ và ít nói, Tú dí dỏm “thầy cô nhận xét như vậy là có cơ sở đấy ạ!”. Rồi, chàng trai 18 tuổi hạ giọng tiết lộ bí mật, “em nói nhỏ nhé, em chỉ trốn tiết 1 lần duy nhất”.
“Trong tiết cuối môn Giáo dục Quốc phòng năm lớp 12, em thấy một số bạn trốn tiết đi về sớm. Đấy là lần thứ 2 các bạn làm thế. Trong khi lần đầu tiên các bạn làm trót lọt. Em cũng muốn thử xem sao, cũng dắt xe cùng các bạn ra về và đúng là trót lọt. Thế nhưng chiều lên lớp phát hiện là cả 5 bạn trốn tiết đều bị ghi sổ đầu bài. Đó là lần duy nhất em phạm lỗi ở trường”.
Tự nhận xét về mình bằng 3 từ, Tú chọn “lương thiện, sòng phẳng và hiền”. “Em thấy mình khá tốt, lương thiện, không bao giờ có ý nghĩ làm hại ai bao giờ. Em cũng không bao giờ gian lận kể cả những cuộc thi như cờ vua, chơi bài với bạn bè nên em nghĩ là sòng phẳng. Và cuối cùng là em khá hiền. Kể cả có ai gây sự em sẽ tìm cách để nó kết thúc nhanh”.
Bố của Tú là kế toán cho một công ty xây dựng, mẹ làm nghề may tại nhà. Ngoài ra Tú còn có một cậu em trai đang học lớp 8. Tú kể, 2 anh em chơi với nhau khá thân và thường xuyên làm việc nhà cùng nhau để giúp bố mẹ.
“Ngày nào em cũng rửa bát và giặt quần áo, đó là nhiệm vụ của em trong nhà. Em thấy mẹ em vừa làm, vừa nấu cơm thì việc mình giúp được mẹ như thế là tốt rồi”.
Sẽ khiến thời sinh viên tươi đẹp
Thời gian này Tú dự định sẽ phải tìm một phòng trọ tiện lợi, gần trường ĐH, mua laptop, lên kế hoạch học tập cho tương lai và đăng ký học IELTS.
“Em sẽ cố gắng khiến thời sinh viên trở thành một kỷ niệm đẹp, nếu gặp được người mình thích thì cũng có thể gọi là kiếm được một cô bạn gái hoặc dành thời gian giao lưu, đi chơi, làm những kỷ niệm ý nghĩa với bạn bè cùng lớp”.
Háo hức ngày chính thức trở thành sinh viên nhưng Tú cũng có một chút áp lực. “Khi đạt thủ khoa đầu vào việc giữ phong độ trong trường ĐH là điều cần thiết để em ra trường đúng hạn, có đầy đủ kiến thức kỹ năng sau này đi làm mà còn để bản thân xứng đáng hơn với danh thủ khoa mà em đạt được”.
Ở tương lai xa, Tú mong muốn sẽ trở thành kỹ sư Công nghệ thông tin của một doanh nghiệp hoặc chuyên viên IT của một tổ chức nhà nước.
Cô Trần Thị Liên, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, cô giáo chủ nhiệm của Đỗ Đức Tú
“Tú là học sinh thông minh và chăm chỉ, thường xuyên đứng đầu lớp trong các kỳ thi kiểm tra chất lượng hàng tháng và lấy học bổng trường chuyên. Môn nào cũng giỏi. Kết quả xét tốt nghiệp đều tốt, ngay cả môn Văn cũng đạt 8.25, rất tự hào”.
Cô Vũ Thị Vân, giáo viên môn Toán, Trường THPT Chuyên Bắc Giang
"Năm lớp 10, nhận ra khả năng của Tú nên mình cũng định hướng cho em vào đội tuyển quốc gia thi toán nhưng em có mục tiêu khác nên đã không tham gia. Dẫu vậy, khi có mục tiêu riêng, em cực kỳ quyết tâm, các thầy cô không bao giờ phải nhắc nhở. Học chuyên toán thì bài tập rất nhiều nhưng điều lạ là dù cô có ra bao nhiêu bài tập thì em đều trả bài đầy đủ, không bao giờ từ chối cả”.