Thu Hà - chị chồng ghê gớm của "Thương ngày nắng về": Các nàng dâu nên "nhịn" mẹ chồng để gia đình êm ấm
Diễn viên Thu Hà đã có những chia sẻ về cuộc sống ngoài đời sau khi vai diễn của chị trong "Thương ngày nắng về" gây ấn tượng mạnh.
Trở lại màn ảnh nhỏ sau thời gian dài vắng bóng, Thu Hà đang nhận được sự chú ý lớn của khán giả qua vai diễn Thương - chị chồng bị ghét nhất trong "Thương ngày nắng về". Diễn xuất chân thật của nữ diễn viên thậm chí còn khiến cô bị "ghét lây" ra ngoài đời.
Tuy nhiên, Thu Hà cho rằng nếu ở góc độ là một người phụ nữ, cô sẽ "không để yên" nếu gặp người chị chồng như vai diễn của mình trong phim. Bên cạnh đó, Thu Hà cũng có những chia sẻ rất thú vị về cách cô giữ sự êm ấm, dung hòa các mối quan hệ trong gia đình.
Sau vai diễn Thương của "Thương ngày nắng về", Thu Hà bỗng "gây sốt" trên mạng xã hội. Chị cảm thấy thế nào?
Mình thấy rất vui, vì sau thời gian khá dài nghỉ dịch Covid, bận chăm lo cho gia đình mình có phần sao nhãng việc gặp khán giả trên truyền hình mà sự trở lại lần này của Thu Hà lại mang ấn tượng mạnh, dù đây không phải là ấn tượng yêu quý mà là ấn tượng hơi ghét (cười).
Khi nhận vai diễn này, Hà và toàn bộ ekip cũng nói với nhau là phải chấp nhận rồi, vai của Hà nhận gạch đá là cái chắc rồi. Mình vẫn hay trêu đùa với đoàn làm phim là: “Yên tâm, chị mua 2 sào đất ở bãi đá sông Hồng rồi, đủ để chứa gạch nên cứ làm đi”. Khi Thu Hà đọc kịch bản và đồng ý nhận vai thì mình cũng đã sẵn sàng nhận mọi phản hồi của khán giả, kể cả tích cực lẫn tiêu cực. Mình cũng coi đó là một động lực, để biết rằng mình sẽ ấn định vào những dạng vai nào và sau này hoàn thiện nó hơn cả vai Thương này nữa.
Ở vị trí là một người phụ nữ nhìn vào Thương, chị cảm nhận thế nào về nhân vật mà mình đảm nhận?
Nếu từ góc độ khán giả bình thường nhìn vào nhân vật Thương thì mình cũng đánh giá đó là cô chị chồng quá mưu mô và xảo quyệt. Sao lại có thể làm những việc trái luân thường đạo lý như vậy? Hư hỏng khiến bố mẹ phải gánh chịu đã đành, đây lại còn rủ mẹ âm mưu chiếm đoạt nhà của em trai, sắp đặt cho chính tay bồ cũ của mình cưỡng hiếp em dâu. Tôi nghĩ chắc ở ngoài đời không có người nào dã man, làm tất cả những chuyện đồi bại đến như vậy. Nhiều khi ngồi xem phim mình cũng rất tức tối, nếu là khán giả bình thường chắc mình cũng muốn “tổng sỉ vả” cô Thương này.
Một số khán giả cho rằng "Thương ngày nắng về" đang đẩy drama quá mức. Chị có nghĩ rằng đó là những tình huống có thật ở ngoài đời?
Nhiều người cũng nói phim đang đi quá xa với xã hội thực tế, Thu Hà cũng đã từng hỏi như vậy thì đạo diễn nói: “Chị ơi ngoài đời có những người như vậy đấy, chẳng qua họ không chia sẻ lên mạng xã hội hay ra ngoài thôi. Có những người cũng đang cam chịu như Khánh (Lan Phương vào vai - pv) đấy. Cho nên chị cứ yên tâm mà làm”.
Và bản thân mình đọc trên mạng cũng có những người phụ nữ nói rằng trên phim như thế này không có gì quá, họ cũng đã sống trong hoàn cảnh như vậy, họ thấy phim tả rất chân thực.
Mình nghĩ, để phim có những cái cao trào, kịch tính, đôi khi mọi người thấy hơi quá nhưng phải có những cái như thế mới dồn ép Đức (Hồng Đăng vào vai - pv) và Khánh thoát ra khỏi vũng lầy. Phải dồn đến bước đường cùng thì người ta mới có thể giải thoát được. Biên kịch, đạo diễn, diễn viên cũng đã đồng nhất phải làm đến mức đó thì mới giải quyết được vấn đề.
Nếu ngoài đời gặp một người chị chồng như Thương, chị sẽ ứng xử như thế nào?
Nếu gặp như thế thì chắc chắn tôi sẽ không để yên đâu. Thời đại bây giờ người phụ nữ hoàn toàn tự chủ mà, nên không thể chịu áp lực đến mức như nhà bà Hiền (NSND Lan Hương vào vai - pv) như vậy. Kể cả bây giờ có bầu trước khi cưới còn là tin vui chứ không phải bị mẹ chồng dè bỉu, ghét bỏ như thế.
Mình sẽ có cách giải quyết riêng, không thể cam chịu như Khánh trong phim được.
Người ta thường nói “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, chị thấy câu nói này có còn phù hợp với cuộc sống hiện nay không?
Ở nhà đẻ thì mình là em, có một người anh trai và một chị gái. Thu Hà cũng lo chu toàn cho mọi người trong gia đình vì mình ra đời sớm, làm út nhưng va chạm với xã hội nhiều hơn anh chị.
Còn bên nhà chồng thì mình là em dâu, có hai người chị chồng. Nhưng mình phải nói là ai cũng rất yêu thương và quý mến nhau. Hai chị còn rất chăm em dâu, chăm hơn cả em trai luôn. Có khi hai vợ chồng to tiếng, chị lúc nào cũng bảo cậu nhịn đi, bảo mợ đi làm vất vả các thứ. Đợt mình nhiễm Covid, các chị cũng toàn gửi hoa quả, đồ ăn thức uống vào cho.
Hiện tại Thu Hà thấy mình là em chồng hay em dâu thì chưa có một điều tiếng gì xảy ra.
Mối quan hệ giữa các nàng dâu với gia đình nhà chồng dường như là chủ đề muôn thuở. Với những trải nghiệm của chính mình, chị nghĩ để duy trì sự hòa hữu với bố mẹ chồng hay anh chị em của chồng thì yếu tố gì là quan trọng nhất?
Không thể tránh được những va chạm, khó thấu hiểu nhau bởi thế hệ trước với thế hệ sau đã là một rào cản rồi. Cho nên mình nghĩ quan trọng nhất là phải “nhịn”. Người con dâu nên nhịn đi vì người già cũng trái tính trái nết, rồi họ yêu thương con trai nên không muốn con mình bị con dâu bắt nạt. Vợ chồng nhiều khi to tiếng với nhau các bà mẹ chồng cũng không thích đâu, kiểu “con trai tôi nuôi bao nhiêu năm mà giờ để cô quát tháo ầm ĩ như thế”, các bà nhiều khi cũng sẽ bênh con. Thì thôi, mình làm dâu, mình hiểu được điều đó nên mình nhịn.
Thu Hà hay tâm niệm là mình bớt nói lại. Ví dụ khi vợ chồng đang to tiếng mà bà cất lời là mình im, đi ra chỗ khác để tránh ở lại mà ức chế. Nếu ở lại nghe bà nói thì chắc chắn không một ai là không ức chế vì mẹ chồng thường sẽ rất bênh con trai mình. Tôi lên phòng đóng cửa luôn, không nói gì thêm nữa để giữ hòa khí trong gia đình. Rồi mình mà cãi với mẹ chồng thì chồng ở giữa cũng rất khó xử.
Người chồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết mối quan hệ giữa người vợ và gia đình bên nội. Ông xã chị có phải là người làm tốt vai trò này không?
Thật ra bản thân người phụ nữ nên chủ động trong việc này, để chồng không rơi vào trường hợp bị đặt ở giữa. Khi có vấn đề gì thì mình chủ động đi vào phòng, không cãi cọ gì thì anh ấy còn cái gì để khó xử nữa.
Vợ chồng 16 năm thì cũng không tránh khỏi những cái mâu thuẫn, nhưng mỗi người nhịn đi một tí thì mọi thứ sẽ êm đẹp. Có thể mình cứ nhìn sang nhà hàng xóm thấy “ôi anh ấy yêu chị ấy quá”, ngày lễ gì cũng mua cái này cái nọ tặng vợ, còn nhà mình thì thật ra sống đơn giản lắm. Ngày sinh nhật, ngày lễ hai vợ chồng cứ mua cái gì đó về làm nồi lẩu, các con thích thổi nến thì bố ra mua cái bánh về cho mấy mẹ con thổi. Đấy, nó chỉ vậy thôi, không màu mè nên Thu Hà cảm thấy cuộc sống của mình bình thường, đều đều như vậy nhưng mình bằng lòng.
Chồng mình không phải tuýp người lãng mạn nhưng anh ấy là người có chiều sâu. Anh ấy không nói, nhưng tất cả những việc anh làm cho vợ ở đằng sau mình đều cảm nhận được và ghi nhận nó. Ví dụ như Thu Hà đi làm bận bịu thế này thì việc chăm con, đón con, con ốm đau là hầu như anh ấy làm hết. Người đàn ông ít nói nhưng hành động như thế nghĩa là người ta đã rất thấu hiểu, rất thương vợ rồi. Cho nên phụ nữ cũng không nên đòi hỏi quá nhiều rằng anh phải lãng mạn, phải yêu vợ, chăm con, phải làm hết việc nhà. Mình nghĩ như thế là rất khó.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!