Thư giãn tuyệt đối với... hít thở
Hít thở là một hoạt động tất yếu của con người. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều không nhận ra rằng khi ta đang chịu một áp lực nào đó, hơi thở thường gấp gáp và không sâu.
Chính vì việc hít thở quan trọng nhưng ít ai chịu để ý nên từ bây giờ, việc luyện thở có thể giúp giảm căng thẳng, thư giãn đầu óc và thêm sức sống cho cở thể cũng như tâm trí. Nếu có thể kết hợp với yoga, thiền thì khi đó, bạn đã đạt đến đỉnh cao của sự hài hòa giữa cơ thể và tâm trí.
Cơ chế hít thở
Khi stress tấn công bất ngờ, cách bạn hít thở trước khi nói hay làm bất cứ việc gì sẽ rất quan trọng, nếu không nói là quyết định kết quả của hành vi đó. Khi bạn gặp một sự căng thẳng đột ngột như một chiếc xe va quẹt vào xe bạn, xuất hiện một đám cháy bất ngờ, được chuẩn đoán là mắc 1 bệnh nào đó, xung đột với sếp hay bạn bè, đồng nghiệp, người thân...
Đó là một thông tin không lấy gì làm hay ho và tất nhiên là bạn chưa được chuẩn bị trước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phản ứng tự nhiên của cơ thể là "sẵn sàng chiến đấu", một loạt các phản ứng bản năng như nhịp tim tăng, hơi thở gấp gáp, hoạt động không tuân theo sự kiểm soát của ý thức sẽ lập tức xuất hiện. Tất nhiên, tùy thuộc vào kinh nghiệm bản thân mà cách xử trí sẽ khác nhau nhưng nếu không được học hỏi, cách hành xử sẽ nghiêng về bản năng.
Hít thở đúng cách
Tùy theo tâm trạng, bạn có thể hít thở theo cách khác nhau để tăng thêm hiệu quả của việc thư giãn.
Khi cơ thể mệt mỏi: Để xua tan cảm giác mệt mỏi, bạn hãy hít thở sâu. Khi hít thở sẽ làm phổi giãn nở, thúc đẩy tiến trình trao đổi khí trong phổi và các cơ quan hô hấp khác.
Điều này giúp tăng cường việc đào thải khí độc ra khỏi cơ thể. Đây còn là cách hít thở giúp giải tỏa những căng thẳng về tinh thần dẫn đến quá trình trao đổi máu và oxy ở não bộ diễn ra chậm, tạo cảm giác hoa mắt, chóng mặt và mệt mỏi. Khi hít thở, bạn sẽ lấy lại thăng bằng cho cơ thể nhờ việc cung cấp đủ oxy cho não bộ, tinh thần vì thế cũng trở nên phấn chấn hơn. Tuy nhiên, nếu hệ hô hấp hoặc tim mạch của bạn có vấn đề tốt nhất không nên hít thở quá sâu đề phòng gây khó thở hoặc nhịp tim bị rối loạn, gây trụy mạch rất nguy hiểm.
Khi tâm trạng lo lắng: Để khắc phục tâm trạng bất an, bạn hãy hít thở chậm lại và sâu hơn. Trường hợp này tim thường có cảm giác hồi hộp do cơ thể thải khí Carbon ra ngoài quá nhiều. Nếu hít thở mà huyết áp vẫn gia tăng, bạn có thể thực hiện tư thế khum hai bàn tay lại để vuốt phần miệng và mũi. Lúc này, tốt nhất cần tập trung tư tưởng thả lỏng các cơ bắp để tinh thần được bình tĩnh hơn.
Khi cần thư giãn: Để tinh thần và cơ thể được thư giãn hoàn toàn, bạn hãy nằm theo tư thế ngửa người trên một tấm đệm, hai cánh tay ngửa lên trong khi co những ngón tay lại. Kế tiếp, hãy nhắm mắt lại và thả lỏng các bộ phận sau lưng. Hít một hơi mạnh vào khoang bụng và từ từ thở ra cho đến khi cảm thấy cơ thể như đang chìm sâu xuống đất.
Khi cần vận động: Chẳng hạn như vừa đi bộ vừa hít thở. Sự hít thở và di chuyển có tương quan lẫn nhau vì đều do trí não kiểm soát và điều khiển. Tốt nhất bạn nên đi bộ thật chậm để nhận thức được sự thở. Chân trái bước lên, hít hơi mạnh sao cho đầu gối của chân trái có cảm giác như nâng lên và căng ra cho đến khi chạm đất lúc thở ra, cơ thể chuyển động giống như trái banh, lưu ý giữ cho cột sống thẳng.
Khi cần dỗ giấc ngủ: Suy nghĩ nhiều về sự việc đang làm bạn căng thẳng trước khi ngủ đặc biệt có hại vì nó sẽ kích thích thần kinh, khiến đầu bạn căng như dây đàn trong khi để ngủ được, yêu cầu là toàn bộ cơ thể phải thả lỏng hoàn toàn. Bài tập thở sẽ giúp bạn đánh lạc hướng sự chú ý đối với những việc khiến bạn đau đầu và tự đó đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.