Hiện nay, trong giới đại gia Việt “siêu giàu” nổi lên một trào lưu mới, đó là chi hầu bao sắm các trực thăng riêng cho mình. Đại gia đi đầu cho trào lưu này là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Khi quyết định mua, ông Đức dùng tiền cá nhân và không thông qua đại hội cổ đông. Đại gia này khẳng định: "Tôi sắm máy bay bằng tiền túi nên không phải giải trình trước cổ đông. Toàn bộ chi phí thuê phi công, bảo dưỡng máy bay, xăng dầu, kiểm tra kỹ thuật, giấy phép... đều là tiền cá nhân".
"Bầu" Đức cho biết, tổng số tiền mà ông phải bỏ cho vụ mua bán này vào khoảng 7 triệu USD, trong đó giá trị thật của máy bay là 5,1 triệu USD.
Số còn lại là chi phí môi giới, đào tạo phi công, bến bãi...
Tổng chi phí mỗi năm mà ông Đức phải chi cho chiếc máy bay khoảng 400.000 USD và không tính vào chi phí của công ty. "Khi mua bằng tiền túi và tự chịu các khoản chi phí, mình có quyền được sử dụng trong việc đi lại hoặc cho anh em bạn bè mượn khi họ cần", ông Đức nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, quyết định mua máy bay trực thăng riêng khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
Dù dùng tiền cá nhân nhưng do thông tin có thể gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Hòa Phát nên ông Long phải công bố thông tin tại đại hội cổ đông. Ông này cũng không mấy thoải mái khi bị hỏi quá nhiều về chiếc máy bay riêng.
(ảnh mang tính chất minh họa)
Còn với ông chủ của Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển, sự việc đơn giản hơn. Ông này phê duyệt đề xuất mua máy bay của một công ty con thuộc tập đoàn. Công ty dự kiến mua cũng như công ty mẹ là T&T chưa phải là đơn vị niêm yết nên sự chú ý cũng như sức ép từ phía các cổ đông chưa lớn.
Chủ tịch của T&T cho rằng, khi phân tích thấy có nhu cầu mua máy bay phục vụ công việc thì nó cũng đơn giản như việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất hay nhà máy.
Số tiền thực chi để sở hữu chiếc máy bay phục vụ hoạt động sản xuất của công ty cũng chưa được ông Hiển tiết lộ, tuy nhiên theo phỏng đoán của giới chuyên môn, chắc chắn không dưới vài triệu USD .
(ảnh mang tính chất minh họa)
Trong khi đó, một nguồn tin cho hay, ngoài ông Đức, Long và Hiển thì một "đại gia" khác trong ngành kinh doanh thực phẩm TP HCM cũng chi 12 triệu USD để mua sắm máy bay riêng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đại gia này vẫn chưa chịu tiết lộ thông tin.
Một cách "chơi ngông" nữa mà chỉ rất ít đại gia ở Việt Nam chú ý đến - mua du thuyền triệu đô.
Tính khoảng 10 năm trở lại đây, giới chơi xe Việt liên tiếp được đón tiếp sự đổ bộ của những mẫu siêu xe hàng đầu thế giới. Một điều thú vị hơn nữa là sức mạnh của cơn bão siêu xe mỗi lúc một lớn hơn, cơn sóng sau xô cơn sóng trước mạnh mẽ hơn.
Siêu xe đã không còn là một cụm từ quá xa lạ tại một đất nước mà mức thu nhập bình quân trên đầu người được xếp vào danh sách thấp nhất thế giới.
Đầu năm nay, siêu xe nhanh và đắt nhất thế giới Bugatti Veyron cũng mới nhập tịch về TP HCM, đưa Việt Nam vào danh sách hạn chế những quốc gia có dòng xe “khủng” này.
Chiếc xế siêu sang Bugatti Veyron đời 2008, sơn màu trắng - đỏ vừa xuất hiện tại Sài Gòn chiều 10/2, bổ sung vào danh sách những siêu xe hàng đầu ở Việt Nam như Lamborghini LP670-4, Lamborghini LP640, Mercedes SLR McLaren, Ferrari 458, Ferrari California, Bentley SuperSports.
Siêu xe này được trang bị siêu động cơ 16 xy-lanh, 64 van, 4 trục cam, 4 tăng áp turbin dung tích 8 lít cho công suất 1.001 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.250 Nm. Khả năng tăng tốc đến 100 km/giờ của Bugatti Veyron chỉ vỏn vẹn 2,3 giây. Siêu xe này cũng nổi tiếng vì sở hữu mức giá cao chót vót lên tới 1,7 triệu USD.
Về sau chiếc Bugatti Veyron là siêu xe Ferari F430 Spider màu đen đã qua sử dụng đã cập bến cảng Hải Phòng vào sáng ngày 18/2. Không ồn ào như chiếc siêu xe nhanh nhất thế giới, chiếc siêu xe nhà Ferrari đến Việt Nam có phần lặng lẽ hơn. Ferari F430 là phiên bản tiền nhiệm của 458 Italia, sử dụng động cơ V8 4.3L, công suất cực đại 490 mã lực và chỉ mất 3,5 giây để tăng tốc lên 100km/h.
Đây là mẫu xe nhanh thứ 3 của Ferrari, đứng sau siêu xe Enzo Ferrari/FXX và 599 Fiorano.
Khi chiếc Bugatti Veyron đầu tiên tại Việt Nam còn chưa hết cơn sốt trên những diễn đàn lớn về ô tô, xe máy thì dạo gần đây lại tiếp tục rộ lên tin đồ về chiếc siêu xe Bugatti Veyron thứ hai chuẩn bị cập cảng Hải Phòng.
Khi dư luận vẫn còn đang "đoán già đoán non" về một cơn bão siêu xe thì giới chơi xe lại rúng động với tin đồn về cặp đôi siêu phẩm Aventador LP700-4. Sau đó, tin đồn đã trở thành sự thật khi hình ảnh hai chiếc Lamborghini Aventador tại Mỹ của Cường "Đô-la" cũng như Cường Luxury được công bố.
Ở nước ngoài, những mẫu xe được xếp hàng siêu xe đều thuộc hàng đắt đỏ, nhưng hãy lưu ý tới hàng rào thuế suất tại Việt Nam. Khi đó, người ta mới có thể thấy hết độ "chịu chơi" của đại gia Việt.
Một điều thú vị nữa là trang tin Autoevolution còn đưa ra tính toán thú vị về giá thành chiếc Bugatti Veyron đặt trong mối tương quan với mức sống của người Việt Nam. Theo tính toán của trang tin này, thu nhập bình quân của người Việt Nam là 3,2 triệu VND/tháng, tương đương 150 USD/tháng.
Như vậy, để mua được siêu xe cả nghìn mã lực Bugatti Veyron, một người dân bình thường sẽ phải bỏ ra 777 năm chỉ làm lụng mà không hề ăn tiêu mới có đủ tiền. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lại bênh vực cho thú chơi xe của các đại gia Việt. Theo họ, siêu xe được xem là một siêu phẩm và ngoài sở hữu giá trị thực là một chiếc siêu xe người ta còn sở hữu nhiều giá trị vô hình khác.