Thông tư 29 có hiệu lực, phụ huynh "cuống cuồng" lo đón con sớm?
Thông tư 29 có hiệu lực kể từ hôm nay (14/2), trong đó có nhiều điểm mới tác động mạnh mẽ đến ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh. Buộc phải cắt giảm các giờ học tăng cường, học sinh tiểu học có thể sẽ phải tan học từ 15 giờ 30 phút. Nếu không tham gia câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, phụ huynh sẽ phải bố trí công việc để có thời gian đón con sớm.
Với quy định của Thông tư 29 , nếu thực hiện đúng, tất cả các nhà trường phải dừng các tiết dạy học tăng cường có thu tiền. Giáo viên tiểu học cũng không được “kéo” học sinh ra trung tâm hay tự mở lớp dạy thêm.
Khi đó, học sinh sẽ chỉ học đúng thời lượng theo chương trình đã được Bộ GD&ĐT quy định. Cụ thể, trường tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày, bố trí mỗi ngày không quá 7 tiết; tối thiểu 32 tiết/ tuần và tối đa 35 tiết/ tuần. Thời gian còn lại học sinh có thể tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ, thể thao, đọc sách…
![Thông tư 29 có hiệu lực, phụ huynh "cuống cuồng" lo đón con sớm? - Ảnh 1. Thông tư 29 có hiệu lực, phụ huynh "cuống cuồng" lo đón con sớm? - Ảnh 1.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/14/th-8746-28-1739521551070-1739521551386211170711.jpg)
Cắt các giờ học tăng cường, hằng ngày, các trường tiểu học có thể sẽ phải cho học sinh tan học vào khoảng 15 giờ 30 phút.
Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các trường sắp xếp thời khóa biểu khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp.
Những ngày qua, thông tin cắt giảm giờ dạy thêm sẽ khiến học sinh tan học sớm khiến phụ huynh lo lắng vì sẽ phải xoay trở, sắp xếp thời gian đưa đón con trong khi chưa tan làm là một việc rất khó khăn.
Ủng hộ các quy định mới về dạy thêm, học thêm, nhiều phụ huynh khác mong muốn, sau giờ học chính khóa, nhà trường tạo thêm không gian chơi cho học sinh để các em có thể thoải mái đá cầu, chơi bóng hay đọc sách ở các thư viện mở.
Anh Nguyễn Văn Tùng, có hai con học ở bậc tiểu học và THCS ở quận Thanh Xuân nói rằng, trước đây, con ăn bán trú và học cả ngày ở trường. Sau 5 giờ chiều, anh và vợ tan làm mới thay nhau đưa đón con. Nếu con tan học quá sớm, gia đình không biết phải bố trí thế nào bởi vì công việc không cho phép rời cơ quan quá sớm.
"Trường hợp tan học sớm, sau đó, nhà trường có các CLB thể thao, học đàn, học vẽ..., mình sẽ cho con tham gia vừa tăng cường thêm các hoạt động ngoài giờ học văn hóa vừa chờ bố mẹ tan làm đến đón", anh Tùng nói.
![Thông tư 29 có hiệu lực, phụ huynh "cuống cuồng" lo đón con sớm? - Ảnh 3. Thông tư 29 có hiệu lực, phụ huynh "cuống cuồng" lo đón con sớm? - Ảnh 3.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/14/queg-2146-418-1739521552018-1739521552103837291445.jpg)
Bộ GD&ĐT "cấm" học thêm đối với bậc tiểu học.
Tan học sớm hơn
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, lâu nay nhà trường dạy học ngày 2 buổi. Ngoài chương trình chính khóa 35 tiết/tuần, trường cũng bố trí thêm 2 tiết bồi dưỡng kiến thức các môn và được thu 15.000 đồng/tiết theo Nghị định 03 của UBND TP Hà Nội.
Sau đó, học sinh có thể tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các CLB năng khiếu, thể dục thể thao, văn nghệ… trước khi phụ huynh đến đón.
Khi áp dụng thông tư mới về dạy thêm học thêm , nhà trường phải cắt các tiết học bồi dưỡng kiến thức các môn có thu phí. Như vậy, còn lại 35 tiết chia cho 5 ngày trong tuần, mỗi ngày có 7 tiết, trong đó buổi sáng 4 tiết, buổi chiều 3 tiết và học sinh sẽ tan học vào khoảng 15 giờ 30 phút.
Tuy nhà trường có tổ chức các CLB nhưng trên thực tế cũng tùy điều kiện, nhu cầu của các gia đình, có người tham gia, có người không. Trong khi học sinh tan học sớm cũng gây khó khăn cho công việc đưa đón của phụ huynh.
Về giải pháp, theo bà Chi, nhà trường đang tính toán phương án để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh. Ví dụ như, bố trí giáo viên trông học sinh thêm thời gian nhưng việc này cũng phải có sự đồng thuận của giáo viên và phụ huynh vì trên tinh thần tự nguyện.
“Nhà trường phải cân nhắc vì trước đây, có thêm 2 tiết ở trường học sinh được dạy học, còn chỉ để giáo viên trông trẻ, chưa chắc 100% phụ huynh đồng ý”, bà Chi nói.
Thông tư mới không cho phép dạy thêm ở bậc tiểu học sẽ hạn chế được những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm đối với học sinh nhỏ tuổi. Tuy nhiên, cũng có những xáo trộn trong công tác tổ chức, bố trí hoạt động giáo dục phù hợp, thuận lợi cho học sinh, phụ huynh.
Trường học nào, lứa tuổi nào cũng sẽ có học sinh có năng lực nổi trội và học sinh yếu kém, gặp khó khăn trong tiếp nhận kiến thức. Với 2 trường hợp này, nhà trường bố trí giáo viên dành thời gian ngoài giờ học bồi dưỡng, em giỏi có thể phát triển tốt hơn, em yếu kém cũng được bổ sung kiến thức.
"Tuy nhiên, hiện nay nhà trường chưa có nguồn kinh phí để chi trả cho hoạt động này. Chính vì thế, khi thực hiện thông tư mới, rất mong có nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để có thể chi trả tiền công bồi dưỡng cho thầy cô giảng dạy thêm ngoài giờ cũng rất thỏa đáng", Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên nói.