Thông tin mới vụ 1 người tử vong, nhiều người nhập viện sau ăn cỗ cưới

Tr.Đức,
Chia sẻ

Sở Y tế tỉnh Thái Bình vừa có kết luận vụ 1 người tử vong, nhiều người nhập viện sau khi ăn cỗ tại nhà người thân.

Ngày 27-5, Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã có kết luận nguyên nhân xảy ra vụ việc 1 người tử vong, nhiều người phải nhập viện không phải do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cỗ đám cưới.

Thông tin mới vụ 1 người tử vong, nhiều người nhập viện sau ăn cỗ cưới - Ảnh 1.

Bệnh nhân nghi ngộ độc sau khi ăn cỗ được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình

Theo kết luận của Sở Y tế tỉnh Thái Bình, ông P.V.T. (67 tuổi, trú tại tổ 5, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình đã tử vong) được chẩn đoán lúc xuất viện Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) là bị nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn, gout.

Kết quả cấy máu của bệnh nhân P.V.T. tại Bệnh viện Bạch Mai không phát hiện liên cầu khuẩn nhưng phát hiện có nhiễm trực khuẩn mủ xanh (loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm khuẩn huyết, là tác nhân có thể gây tử vong cao cho bệnh nhân, nghi ngờ xâm nhập cơ thể qua vết thương hở, viêm tấy lan tỏa ở ngón chân cái).

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, trong 2 ngày (ngày 1 và ngày 2-5), tại gia đình ông P.V.H. (trú tổ dân phố số 5, phường Hoàng Diệu) tổ chức bữa cỗ nhân dịp chuẩn bị làm đám cưới cho con với thành phần tham dự chủ yếu là người thân.

Theo đó, bữa trưa 1-5 có khoảng 20 mâm cỗ (120 người ăn), thực đơn gồm các món: Thịt gà rang, tôm kho, canh dưa cà, tiết canh dê (dê được giết mổ tại Ninh Bình và vận chuyển tiết, thịt về Thái Bình; nhân làm tiết canh là tai, gan, cuống họng lợn đã luộc chín).

Chiều 1-5 và sáng 2-5, gia đình tiếp tục tổ chức bữa cỗ với thực đơn được chế biến từ gà, tôm, chân giò lợn, dê, cá mực, thịt mèo, ba ba, giò bò, xôi ruốc và cơm tám.

Đến 16 giờ ngày 4-5, vị khách tham gia các bữa cỗ trên là ông P.V.T. có triệu chứng sốt nhẹ, ho, khó thở, đau tức hai bên sườn phải đã đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Cùng ngày, trước tình trạng sức khỏe diễn biến xấu, ông T. được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai nhưng sau đó đã tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn, gout.

Khoảng 22 giờ ngày 5-5, khi biết tin ông P.T.T. tử vong, một số người tham gia ăn cỗ cùng ông T. ngày 1-5 và 2-5 đã thông tin cho nhau, bảo nhau cùng đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để thăm khám và điều trị.

Trong đó, có 9 người khai triệu chứng nặng và được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai để khám và điều trị. Số người ở lại khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình là 9 người.

Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận, thăm khám và điều trị, các bệnh nhân cả ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Bạch Mai đều khai do thấy ông P.T.T. tử vong, 2 người khác bị dị ứng nổi mẩn ngứa khắp người (sau này mới biết là dị ứng do ăn sứa và ăn gỏi cá) nên họ đã bảo nhau vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình khai với bác sỹ bị các triệu chứng như sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng... để được khám và điều trị tại bệnh viện, thậm chí tự khai báo triệu chứng nặng để được chuyển tuyến.

Trên thực tế tất cả những người nhập viện đều được xác nhận sức khỏe đều bình thường, không bị bất kì ảnh hưởng gì.

Chia sẻ