Thời tới: Giá vàng nhẫn vọt cao nhất mọi thời đại, dân văn phòng có thói quen mua từng chiếc để tích luỹ bất ngờ... ôm lãi đậm!
Mua vàng vì đam mê, không bao giờ sợ lỗ!
Giá vàng tiếp tục xác nhận những "kỷ lục" mới khiến dân tình bàn tán sôi nổi. Đặc biệt trong số đó không thể thiếu dân văn phòng - những người mua vàng vì đam mê, vì tích luỹ chứ không phải đầu cơ, dù ít khi dao động bởi giá vàng lên hay xuống nhưng chính những "kỷ lục" về giá vàng mới nhất này khiến họ an tâm vì chọn đúng nơi để giữ tiền.
Cùng xem dân văn phòng có thói quen mua vàng và tích luỹ bằng vàng như thế nào?
Thích vàng nhẫn, không sợ lỗ thậm chí 1 tháng đã lời
Ý Hà (TP.HCM) là một dân văn phòng điển hình thích mua vàng để dành: "Mình thích mua vàng nhẫn 9999 để để tích luỹ thay vì các loại vàng trang sức vì có nhiều ưu điểm hơn như dễ bảo quản, không mất tiền công và hiếm khi rớt giá. Mình không quá lo lắng chuyện vàng tăng hay giảm vì không phải mua đầu cơ mà chỉ mua về tích luỹ".
Thậm chí, Ý Hà còn chia sẻ niềm vui sau khi lãnh lương hàng tháng: "Mình mua vàng chưa bao giờ xuống nên cũng chưa bao giờ lỗ. Vậy nên hàng tháng mình cứ để dành từng chút rồi đem đi mua vàng, đó là đam mê rồi!". Đã làm đam mê thì khó bỏ lắm, đặc biệt "bộ môn" này ngày càng có dấu hiệu sinh lời tốt.
Hiếm khi bỏ lỡ thời cơ mua vàng giá tốt, Thu Thảo (26 tuổi, Hà Nội) từ bé đã học được cách tích trữ vàng từ ba mẹ. Vậy nên ngay từ khi đi làm, kiếm được tiền thì Thảo vẫn luôn giữ thói quen này: "Cuối năm vừa rồi khi nhận lương, thưởng Tết mình đều để dành ra 1 khoản riêng để mua vàng. Năm nào cũng mua khoảng 1 chỉ để tiết kiệm dần dần, ít khi có ý định bán nhanh để lấy lời. Mính thường theo dõi giá vàng trước khi mua, nói chung căn ke thời gian tốt nhất và chọn các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng, nếu có cần gấp thì bán luôn giữ được giá cao".
Thu Thảo (26 tuổi, Hà Nội)
Lâm Oanh (23 tuổi, Hà Nội) vừa là dân văn phòng, nghề tay trái là kinh doanh nhỏ nên việc mua vàng luôn rất được ưu tiên.
Có thời điểm, Lâm Oanh mua kim bài, lá vàng nhỏ thì thấy cả năm được may mắn, tiền kiếm cũng nhiều hơn nên lên sẵn tinh thần cứ mua vàng để đầu tư: "Mua vàng như 1 khoản vốn cố định, khi nào cần là có thể bán ngay nên mình luôn cố gắng duy trì điều này hằng năm". Chẳng kể đâu xa, ngay đầu tháng 2 năm nay, Lâm Oanh mua vàng ở thời điểm 66 triệu đồng/lượng, nhưng sang 9/3, giá vàng đang ở mức "kỷ lục", giá bán ra đang chạm mốc 70 triệu đồng/lượng.
Còn Hải Yến (22 tuổi, Thường Tín) thì đang vừa học vừa làm nhưng đã biết mua vàng để tích trữ từ sớm nhờ học thói quen từ mẹ: "Năm nào mình cũng được mẹ dắt đi mua vàng, có gì không biết là hỏi ngay vì mẹ có kinh nghiệm nhiều. Mình vẫn đang đi học và đi làm thêm, dù chưa quá dư giả nhưng việc mua vàng khiến mình gặp được nhiều may mắn". Khi thu nhập chưa quá cao, Hải Yến cho biết thường sẽ mua 1 chỉ để góp dần, không có ý định bán vì đây coi như là khoản tích luỹ lâu dài của cô.
Lâm Oanh (23 tuổi, Hà Nội) vừa là dân văn phòng, nghề tay trái là kinh doanh buôn bán nhỏ
Hải Yến (22 tuổi, Thường Tín) thì đang vừa học vừa làm nhưng đã biết mua vàng để tích trữ từ sớm
Mua vàng nhiều thì quen tay, bớt hẳn chi tiêu phung phí
Châu Hoàng Minh (SN 1993, TPHCM) - một dân công sở mua vàng suốt nhiều năm qua cho hay: "Từ khi bắt đầu đi làm đến nay, mình đều tranh thủ mua vài chỉ vàng vào những ngày đầu năm. Không chỉ giúp tinh thần tốt hơn, tích góp tài chính nhiều hơn mà mình đều cảm nhận rõ sự thay đổi của năm đó về công việc.
Bản thân mình cũng hiểu rõ việc mua vàng vào những ngày này thì giá sẽ cao, nhưng tiền bỏ ra mua không chỉ là vàng mà còn là tinh thần, là lộc lá. Vậy nên mình luôn mua với số lượng vừa đủ, không tính toán lời lãi. Sau đó đem số vàng này để tích trữ chứ không bán ra, ngoại trừ trường hợp cấp bách. Ngay đầu năm này mình đã mua 6 chỉ để lấy lộc, cũng có theo dõi giá vàng tăng nên cảm thấy phấn khích lắm", Hoàng Minh cho biết đây là một trong những khoản tích luỹ nhưng sinh lãi đầy tiềm năng mà anh gửi gắm trong năm 2024 này. Trong suốt cả năm, hầu hết cứ có dư là Hoàng Minh sẽ tính toán thời điểm mua vào giá tốt để có thể tích luỹ thật nhiều vàng.
Châu Hoàng Minh (SN 1993, TPHCM)
Lê Giang (24 tuổi, Hà Nội) cho biết, hơn 2 năm đi làm năm nào cũng cố gắng tích góp nhiều nhất có thể, hạn chế tiêu xài hoang phí như ăn chơi, mua sắm để có khoản riêng cho mình khi cần đến: "Thói quen này mình học từ ba mẹ. Từ những tháng lương đầu tiên, mình luôn cố gắng trích ra từ 30-40% cho việc tiết kiệm, dồn đến cuối năm thì đem số tiền đó đổi thành vàng hoặc chia ra để gửi ngân hàng tiết kiệm.
Nhưng xu hướng dạo gần đây của mình là đổi hết sang vàng, vì đôi khi tiền gửi trong tài khoản tiết kiệm mình hay rút ra để tiêu xài nếu cần gấp. Nhớ có lần mình tính xuống tiền mua đứt Iphone 14 promax, nhưng khi đó tiền gửi trong tài khoản đang không đủ nên có suy nghĩ đến việc có nên bán bớt một ít vàng hay không. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, giờ phải chạy ra tiệm vàng bán rồi đem đi mua máy thì cũng dở hơi, thế nên cũng dẹp luôn suy nghĩ đó. Mình thấy cũng là 1 cách để hạn chế những khoản chi tiêu khi chưa thực sự cần thiết với nhu cầu.
Và cái quan trọng nhất, nhiều người bạn đồng trang lứa như mình hay nghĩ cứ phải có nhiều tiền mới đi mua vàng. Mình thấy quan niệm này không đúng chút nào cả, có thời điểm mình chỉ chi 3-4 triệu đồng để mua 1 chiếc nhẫn kim tiền chưa đến nửa chỉ để đeo, vừa là trang sức nhưng cảm giác đeo vàng vẫn khác so với việc nhìn tiền trong tài khoản. Vậy nên tiền ít thì mua ít, tiền nhiều mua nhiều, làm sao cân đo đong đếm với khả năng và học cách tích luỹ vàng từ sớm thì cực kỳ có lợi về sau. Như mình, thì việc mua vàng đã giúp bản thân tiết kiệm được cực kỳ nhiều khoản chi vô bổ rồi đấy!".