Thời tiết rét đậm, hết sức cẩn trọng vì nguy cơ mắc phải nhiều bệnh, có những bệnh dễ dẫn đến tử vong
Miền Bắc đang phải đối mặt với một trong những đợt rét đậm nhất trong mùa đông năm nay. Bạn cần hết sức cẩn thận nếu không muốn mắc phải những bệnh thường gặp khi trời rét đậm này.
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột đều có thể gây nên những ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của bạn. Vào thời điểm hiện tại, khi thời tiết đột ngột rét đậm, bạn càng phải đề phòng hơn nữa nếu không muốn bị ốm yếu, sinh bệnh tật. Đặc biệt, nếu mắc phải những bệnh thường gặp khi trời rét đậm dưới đây có thể khiến bạn gánh chịu hậu quả về lâu dài, thậm chí biến chứng mãn tính sẽ làm phiền mỗi năm. Cùng theo dõi để biết những bệnh thường gặp khi trời rét đậm và luôn trang bị cách phòng tránh tốt nhất cho bản thân nhé!
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột đều có thể gây nên những ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của bạn.
Theo BS Vũ Hữu Ngõ (nguyên trưởng khoa Châm cứu và Dưỡng sinh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương), bệnh viêm dây thần kinh số 7 hay còn gọi là liệt dây 7 ngoại biên, trong Đông y có tên là khẩu nhãn oa tà. Căn bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ, trung tuổi, cao tuổi hay thanh niên. Do đó, mọi đối tượng cần phòng tránh căn bệnh này khi trời lạnh đột ngột.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên căn bệnh viêm dây thần kinh số 7 – căn bệnh khiến bạn bị méo miệng, liệt mặt chỉ trong thoáng chốc mà không hiểu tại sao. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu gây nên hiện tượng viêm dây thần kinh số 7 này chính là trời rét đậm đột ngột hoặc trở lạnh đột ngột. Đây là một trong những bệnh thường gặp khi trời rét đậm vô cùng đáng sợ vì có thể đe dọa bất cứ ai, bất cứ độ tuổi, giới tính nào… Điều đáng sợ ở đây là căn bệnh rất dễ để lại di chứng lâu dài, thậm chí đến suốt cuộc đời về hình thức của bạn.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên căn bệnh viêm dây thần kinh số 7 – căn bệnh khiến bạn bị méo miệng, liệt mặt chỉ trong thoáng chốc mà không hiểu tại sao.
Theo BS Vũ Hữu Ngõ, người bị viêm dây thần kinh số 7 sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như súc miệng không được, mắt nhắm không khít, không cảm thấy đau đớn hay bất cứ cảm giác gì, chủ yếu là người ngoài nhìn vào sẽ thấy hình dạng mặt, miệng có sự thay đổi như lệch, méo. Đặc biệt là ở người trưởng thành sẽ xuất hiện các biểu hiện như thổi hơi trong miệng không được, khi ăn bị đọng 1 bên, uống nước thì bị chảy ra ngoài.
Để điều trị viêm dây thần kinh số 7, theo BS Ngõ, nguyên tắc do lạnh là phải khu phong tán hàn, kết hợp châm cứu bằng điếu ngải (hơ vào các chân kim, làm nóng lên để tán hàn), vì cơ chế lạnh làm co mạch máu. Đây là giai đoạn quyết định. Để phòng tránh bệnh, khi đi ra ngoài, người lớn cần xoa bóp ngũ quan ở mặt trước khi ra ngoài, trẻ con cần mặc ấm.
Đột quỵ
Theo Hội phòng chống tai biến mạch máu não, tại Việt Nam, đột quỵ là căn bệnh đứng thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong sau bệnh lý tim mạch, ung thư và đặc biệt là dẫn đầu trong các nguyên nhân gây nên tàn tật trên cơ thể chúng ta. Điều đáng nói, đột quỵ là căn bệnh thường gặp khi trời rét đậm nhưng không phải ai cũng biết để ứng phó kịp thời.
Nguyên nhân là do trời rét đậm đột ngột sẽ làm co mạch, khiến huyết áp của chúng ta tăng vọt, dễ gây ra tai biến. Điều này đặc biệt dễ gặp ở người cao tuổi. Khi bạn bước ra khỏi chăn ấm, phòng có điều hòa nhiệt độ, lại gặp thời tiết lạnh sâu đột ngột sẽ rất dễ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, rồi dẫn đến đột quỵ chỉ trong tích tắc. Cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực.
Theo Hội phòng chống tai biến mạch máu não, tại Việt Nam, đột quỵ là căn bệnh đứng thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong sau bệnh lý tim mạch, ung thư.
Theo Health, các dấu hiệu nghi ngờ bị đột quỵ bao gồm đau thắt ngực, khó chịu vùng ngực, khó thở xảy ra kèm tức ngực hoặc không, buồn nôn, nhức đầu, mồ hôi vã ra như tắm trong thời tiết lạnh. Nếu bị tai biến mạch máu não, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như có cảm giác đột ngột tê một bên mặt, tay hoặc chân, choáng váng, nói khó, đau đầu dữ dội một cách đột ngột mà không có nguyên nhân.
Để phòng tránh đột quỵ, chúng ta, nhất là những người cao tuổi, không nên ra ngoài lạnh đột ngột. Buổi sáng khi tỉnh giấc, bạn không nên ra khỏi giường ngay lập tức mà nên dành 3-5 phút ngồi trên giường vận động nhẹ nhàng, xoa bóp tay chân để thích nghi dần dần với cái lạnh.
Sốc nhiệt
Sốc nhiệt là một hiện tượng hay gặp khi trời chuyển sang rét đậm một cách đột ngột. Theo BS Nguyễn Văn Thắng, Đại học Y Hà Nội, dấu hiệu và triệu chứng sốc nhiệt khi trời rét đậm bao gồm nhịp tim nhanh, thở nhanh và nông, huyết áp tăng cao hoặc hạ thấp, ngưng đổ mồ hôi, dễ bị kích thích, lú lẫn hoặc bất tỉnh, cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng, đau đầu, buồn nôn, ngất xỉu…
Khi nhiệt độ xuống thấp, máu bị ảnh hưởng và khi đi ngang qua vùng đồi thị sau não, các trung tâm giao cảm ở đó bị kích thích khiến mạch máu ngoại biên co lại, cơ thể xảy ra phản ứng tạo ra nhiệt, làm thân nhiệt tăng lên. Vì vậy, trong trường hợp cơ thể đột ngột tiếp xúc với môi trường nhiệt độ xuống thấp sẽ tạo chênh lệch nhiệt độ lớn, làm cơ thể hạ nhiệt độ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh.
Sốc nhiệt là một hiện tượng hay gặp khi trời chuyển sang rét đậm một cách đột ngột.
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột như thế, nhẹ thì có thể khiến cơ thể biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, nói lắp, đau đầu, chóng mặt. Trong trường hợp nặng, có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê và có khi dẫn đến tử vong.
Theo chuyên gia, chúng ta cần tránh tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh khi đi từ trong nhà ra bên ngoài và tuyệt đối không nên lao ngay ra ngoài khi thời tiết trong nhà và ngoài trời chênh lệch nhau quá nhiều bởi điều này cũng rất dễ gây ra sốc nhiệt.
Bệnh thường gặp khi trời rét đậm này có thể khiến bạn mất ăn mất ngủ, nhất là dị ứng da diễn ra ngay trên khuôn mặt. Theo BS Nguyễn Thành (Nguyên chủ nhiệm khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương), vào các giai đoạn cuối mùa, chuyển mùa, thời tiết chuyển lạnh đột ngột và sâu, hoặc khi trời bỗng dưng nóng lên, những bệnh da liễu thường tăng mạnh. Vào những ngày rét đậm, nhiều người chỉ cần bị gió lạnh lùa là bị nổi ban mề đay, dị ứng da khắp người.
Ở mức độ nhẹ, bạn sẽ thấy mày đay xuất hiện dưới dạng vài chấm nốt nhỏ, chỉ trong vài giờ có thể biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, ở mức độ nặng, bạn sẽ thấy xuất hiện nhiều đám nhỏ, lớn với hình tròn, bầu dục, hình bản đồ gây nên những cơn ngứa ngáy khó chịu, làm thâm da, khó khắc phục. Khi trời rét đậm đột ngột, dị ứng da trở nên tồi tệ hơn với những vết lở loét, bong da, nhiễm trùng da. Nặng hơn là phù nề thanh phế quản làm suy thở cấp, có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh thường gặp khi trời rét đậm này có thể khiến bạn mất ăn mất ngủ, nhất là dị ứng da diễn ra ngay trên khuôn mặt.
Để phòng tránh dị ứng da khi trời rét đậm đột ngột, chuyên gia khuyến cáo cần tránh lạnh, tránh gió, mặc quần áo ấm, mặc nhiều lớp quần áo, không nên mặc quần áo quá chật vì có thể cọ xát da, gây nổi mề đay.
Để phòng tránh bệnh thường gặp khi trời rét đậm, các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người cần phải mặc quần áo ấm, trang bị mũ len, khăn quàng, găng tay khi đi ra ngoài trời. Che chắn cẩn thận, không để bộ phận nào bị hở ra ngoài, nhất là vùng đầu, mặt, cổ, tay chân. Tăng cường ăn thực phẩm giữ nhiệt để làm ấm cơ thể từ bên trong để tăng cường miễn dịch, chống chọi bệnh vào mùa lạnh. Trước khi đi ra ngoài và sau khi đi lạnh về nên xoa bóp tay chân, mặt mũi… để đảm bảo hoạt động bình thường.