Thời tiết khắc nghiệt đã khiến 195.000 người thiệt mạng ở châu Âu kể từ năm 1980

Quỳnh Chi,
Chia sẻ

Các điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở châu Âu đã khiến gần 195.000 người tử vong và gây thiệt hại kinh tế hơn 560 tỷ Euro tại châu lục này kể từ năm 1980.

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA).

"Gần 195.000 trường hợp tử vong do lũ lụt, bão, sóng nhiệt và lạnh giá, cháy rừng và sạt lở đất" từ năm 1980 đến năm 2021, EAA cho biết trong báo cáo của mình.

Thời tiết khắc nghiệt đã khiến 195.000 người thiệt mạng ở châu Âu kể từ năm 1980 - Ảnh 1.

Cháy rừng lan rộng sau thời gian hạn hán kéo dài và nhiệt độ cao bất thường, ở Piedrafita, Asturias, Tây Ban Nha, ngày 31/3. (Ảnh: Reuters)

Trong số 560 tỷ Euro (605 tỷ USD) thiệt hại, chỉ có 170 tỷ Euro, tương đương 30%, được bảo hiểm, EEA xác nhận khi ra mắt một cổng thông tin trực tuyến mới đối chiếu dữ liệu gần đây về tác động của thời tiết khắc nghiệt.

Chuyên gia Aleksandra Kazmierczak của EEA nói với AFP: "Để ngăn chặn những tổn thất tiếp theo, chúng ta cần khẩn trương chuyển từ ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan sang chủ động chuẩn bị cho chúng".

Theo dữ liệu mới nhất, sóng nhiệt chiếm 81% số ca tử vong và 15% thiệt hại tài chính.

EEA nhận định, châu Âu cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ dân số đang già đi của mình, trong đó người cao tuổi đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ cực cao.

Thời tiết khắc nghiệt đã khiến 195.000 người thiệt mạng ở châu Âu kể từ năm 1980 - Ảnh 1.

Hai người đàn ông làm mát mình bằng nước từ vòi phun nước công cộng vào một ngày nắng nóng ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 16/7/2022. (AP)

"Hầu hết các chính sách thích ứng quốc gia và chiến lược y tế đều công nhận tác động của nền nhiệt cao đối với hệ tim mạch và hô hấp. Nhưng chưa đến một nửa đề cập đến các tác động trực tiếp của nhiệt như mất nước hoặc say nắng", báo cáo viết.

Mùa hè năm 2022, châu Âu chứng kiến nhiều ca tử vong hơn bình thường sau các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại, nhưng số ca tử vong trong năm 2022 không được đưa vào dữ liệu công bố hôm 14/6.

Thêm 53.000 ca tử vong vào tháng 7/2022 so với mức trung bình hàng tháng trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng 16%, mặc dù không phải tất cả những ca tử vong đó đều trực tiếp do nắng nóng.

Tây Ban Nha đã ghi nhận hơn 4.600 ca tử vong liên quan đến nắng nóng khắc nghiệt trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2022.

Mô hình khí hậu đã dự đoán các đợt nắng nóng kéo dài hơn, dữ dội hơn và thường xuyên hơn. Tháng 2/2022, EAA cho biết, thời tiết cực đoan đã khiến 142.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại 510 tỷ Euro trong giai đoạn 1980 - 2020.

Sự gia tăng của các con số được công bố vào ngày 14/6 một phần là do vào năm 2021, lũ lụt ở Đức và Bỉ đã dẫn đến thiệt hại kinh tế gần 50 tỷ Euro.

Về số ca tử vong, sự thay đổi trong phương pháp ở Pháp và Đức là nguyên nhân gây ra sự khác biệt lớn, EEA cho biết.

Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng nguy cơ hạn hán lên gấp 5 hoặc 6 lần vào năm 2022, năm mà các vụ cháy rừng tàn phá diện tích lãnh thổ nhiều gấp đôi so với những năm gần đây.

Thiệt hại kinh tế có thể tăng từ 9 tỷ Euro mỗi năm hiện nay lên 25 tỷ Euro vào cuối thế kỷ nếu hành tinh nóng lên 1,5oC. Con số đó có thể tăng lên 31 tỷ Euro nếu nó nóng lên 2oC và 45 tỷ Euro nếu nó nóng lên 3oC, theo các kịch bản khoa học.

Báo cáo cho biết: "Nông dân có thể hạn chế tác động bất lợi của tình trạng tăng nhiệt độ và hạn hán bằng cách điều chỉnh giống cây trồng, thay đổi ngày gieo hạt và thay đổi mô hình tưới tiêu".

Nếu không thay đổi, sản lượng và thu nhập của các trang trại dự kiến sẽ bị giảm trong tương lai.

Mặc dù thiệt hại về người do lũ lụt thấp hơn nhiều, chỉ chiếm 2% tổng thiệt hại, nhưng chúng lại gây tốn kém nhất, chiếm 56% thiệt hại kinh tế.

Chia sẻ