Con trai muốn nắm tay mẹ đi khắp đất nước: "Thời gian chẳng còn nhiều, con sẽ đưa mẹ đến nơi mẹ mơ ước"
“Tôi 27, mẹ tôi 69 tuổi , tôi không mơ có thể nắm tay mẹ đi khắp thế gian, nhưng nhất định tôi sẽ nắm chặt tay mẹ đi thật nhiều nơi khắp dọc dài đất nước” – BTV, MC Đài THVN Nguyễn Hoài Đảm.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng núi nghèo cằn cỗi Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Mọi người thường biết đến tôi qua TV với vai trò là người dẫn chương trình truyền hình. Song, đằng sau tất cả hào quang, danh tiếng và sự tự tin dưới ánh đèn trường quay, tôi vẫn thích mình là "anh cu Đảm" của mẹ hơn.
32 tuổi, mẹ sinh anh trai tôi, nhưng phải 10 năm sau đó, tôi mới cất tiếng khóc chào đời. Bây giờ tôi 27, mẹ đã đi đến gần cuối con dốc cuộc đời. Ông bà ngoại khi xưa đặt tên cho mẹ là Phạm Thị Anh Nhàn, với ước mong mẹ sẽ được sống cuộc đời an nhàn hạnh phúc. Thế nhưng, 70 năm qua mẹ lại phải chịu nhiều vất vả cực nhọc đến khô héo gầy mòn, ngược lại hoàn toàn với điều ông bà mong mỏi. Vậy nên, mẹ vẫn thường nói, bà chỉ ước được sống đúng với tên mình, khiến một đứa con trai cứng cỏi như tôi bao lần lặng lẽ khóc, lồng ngực quặn thắt với nỗi tủi hờn không thể giúp mẹ thực hiện khát khao ấy...
Bố tôi thường đi công tác xa nhà, cả tuổi thơ của hai anh em dường như gắn liền với mái nhà tranh, với lớp học tại nhà và chiếc xe đạp cũ của mẹ. Chiếc xe ấy, mẹ ngày ngày 4 lần vượt dốc, vượt quãng đường hơn 3 cây số để đưa tôi đi học.
"Mẹ luôn ước rằng giá như có thể sống đúng như giấc mơ gửi gắm trong một chữ Nhàn"...
Ước mong khác của mẹ là có thể đi đến thật nhiều nơi khắp dọc dài đất nước.
Dáng người gầy nhỏ của hai mẹ con như lọt thỏm giữa con dốc hun hút đến trường. Nhiều lần, mẹ đã lặn lội đạp xe hơn 50 cây số để thỏa mãn ước mơ ngây ngô của cậu con trai là được nhìn thấy biển. Ngày ấy, ước mơ của tôi chỉ là nhà có một chiếc xe máy, hay một chiếc xe đạp điện, để mẹ có thể chở tôi đi bất cứ đâu, đến trường, về quê ngoại, lên thị trấn. Nhưng với gia đình tôi, thì đó là điều ngoài tầm với...
Chiếc xe đạp cũ ấy vẫn theo chân hai mẹ con tôi tới năm tôi 9 tuổi, lúc đó, anh tôi đã là sinh viên, vừa học vừa làm thêm. Mất một năm trời, anh gom góp mua cho mẹ chiếc xe mini Nhật cũ, màu xanh. Là xe bãi, nhưng với mẹ con tôi, thì đó là niềm vui lớn. Không nhớ là tôi đã hãnh diện, hạnh phúc như thế nào khi được mẹ chở trên chiếc xe đó. Mải mê với niềm vui nhỏ bé của thằng con trai 9 tuổi mà tôi không hề nhận ra rằng, dù chiếc xe đó có tốt hơn, nhẹ hơn chiếc xe cũ, thì lúc ấy, sau nhiều năm gồng gánh vì gia đình, vì bệnh tật, đôi chân mẹ không còn khỏe như trước nữa, thậm chí thường xuyên đau nhức, đi lại khó khăn...
Cả cuộc đời gắn bó với những thế hệ học trò ở miền quê nghèo Hà Tĩnh, nơi xa nhất mà mẹ tôi từng đi vỏn vẹn từ cầu Bến Thủy đến đèo Ngang. Còn anh em tôi, đã đặt chân đến Lũng Cú, Trà Cổ, Hà Tiên, Cà Mau, và cả nước ngoài nữa. Đi đâu tôi cũng cố gắng chụp thật nhiều ảnh, để khi về có thể cho mẹ xem, kể cho mẹ nghe về những nơi mà mẹ chưa được đến.
Tuổi thơ của tôi được nghe mẹ đọc, mẹ kể về Sài Gòn, Hà Nội, những nơi mà mẹ biết qua sách báo thì giờ đây, tôi lại kể về những nơi đó cho mẹ bằng chính trải nghiệm của mình.
Đôi chân tôi đã đi thay mẹ đến những nơi mà mẹ từng mơ đến, nhưng những bức ảnh không thể nào thay cho con mắt được. Công việc hiện tại cũng tạo điều kiện cho tôi đi thật nhiều nơi, gặp gỡ thật nhiều người, nhưng đến bất cứ đâu, tôi cũng mong rằng, mẹ tôi có thể được nhìn thấy những gì tôi thấy, cảm nhận những gì tôi cảm nhận, ăn những món mà tôi đã được nếm.
Cuối cùng, sau nhiều năm âm thầm cố gắng, tôi đã có thể cùng mẹ thực hiện ước mơ.
Tôi đã đưa mẹ đến thăm Đà Lạt, Sài Gòn, Đà Nẵng.
Và tôi cũng biết ơn bố - người đồng hành vĩ đại với mẹ con tôi trong chuyến đi, trong suốt cuộc đời chúng tôi nữa.
Khi công việc có vẻ ổn hơn một chút, lần đầu tiên trong đời mình, tôi có thể đưa mẹ đi du lịch. Đó là chuyến đi đầy kỉ niệm, và tôi vô cùng biết ơn những đứa bạn thân đã đồng hành cùng mẹ con tôi. Mẹ đã được chạm chân vào sóng biển Quy Nhơn, viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, lên thăm Hồ Xuân Hương, Hồ Than Thở, ghé qua Mũi Né và đặc biệt là đến thăm thành phố mang tên Bác, nơi mà mẹ luôn muốn đến một lần trong đời. Sài Gòn hoa lệ, thành phố hàng triệu dân, mấy mẹ con tôi lọt thỏm trong đó. Đi qua từng con phố, từng tòa nhà, mẹ lại trầm trồ thán phục...
Dù mệt, song mẹ luôn muốn đi, muốn được thấy thật nhiều, bởi mẹ nói: "sống đến ngần này tuổi rồi, 68 năm, lần đầu tiên, mẹ mới có một chuyến đi trong mơ vậy". Mắt mẹ, mắt tôi đều ầng ậng nước...
Gần 70 tuổi, lần đầu đi máy bay, mẹ bỡ ngỡ. Tôi không đoán được trong lòng mẹ nghĩ gì, nhưng thấy bàn tay chai sần vì năm tháng của mẹ rung lên, nắm chặt vào tay ghế lúc máy bay cất cánh, nhìn ra ngoài ô cửa máy bay, tôi tự nhủ, nhất định sẽ có nhiều chuyến đi hơn thế, nhất định là như vậy.
Sau chuyến đi đầu tiên đó, tôi chưa có dịp để đưa mẹ đi riêng thêm lần nữa, nhưng lại có cơ hội để cả bố và mẹ cùng đi. Gia đình tôi đã có những bức ảnh cùng nhau trên Bà Nà, Hải Vân, giữa lung linh phố Hội hay man mác An Bàng. Bố mẹ tôi đã phải đánh đổi cả 70 năm cuộc đời mới có được, tất cả vì anh em tôi.
Đên bây giờ, khi kể ra những điều này, tôi vẫn hình dung ra trước mặt hình ảnh của mẹ, của bố về lần đầu đi máy bay, lần đầu đến những nơi chỉ từng biết qua tivi, sách báo. Tôi kể với bạn, cũng không phải để khoe rằng tôi đã làm được những gì cho bố mẹ mình, mà để thêm một lần nhắc chính mình rằng: những gì tôi có được hôm nay, những nơi mà tôi đã đặt chân đến đều từ mồ hôi, nước mắt, ước mơ cả một đời của bố, và nhất là mẹ.
Tôi vẫn nợ mẹ một lời hứa, hai mẹ con sẽ đến cực Nam đất nước, nơi mà mẹ dạy tôi bài học đầu đời: Tổ quốc ta như một con tàu, mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau.
Tôi 27, mẹ tôi 69 tuổi, tôi còn đường dài ở phía trước, nhưng mẹ không có quá nhiều thời gian nữa. Tôi chỉ mong mẹ khỏe, để có thể đưa mẹ đến những nơi mà hai mẹ con đã kể cùng nhau trên chiếc xe đạp cũ kĩ chở đầy năm tháng tuổi thơ tôi.