Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh sau thảm họa động đất
Ngày 7/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng tại 10 tỉnh phía Đông Nam của nước này.
Trong tuyên bố phát sóng trên truyền hình, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả của trận động đất.
Theo đó, một loạt các biện pháp khẩn cấp sẽ được thực thi để nhanh chóng đưa lực lượng cứu trợ nhân đạo và những hỗ trợ tài chính kịp thời cho người dân và chính quyền địa phương bị nạn.
Theo báo cáo mới nhất, trận động đất có độ lớn 7,8 với tâm chấn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 5.151 người thiệt mạng bao gồm 3.549 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và 1.602 người tại Syria.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, số nạn nhân có thể lên tới hơn 20.000 người. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để quốc tang 7 ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất.
Hiện tại, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang khẩn trương được tiến hành, song gặp nhiều khó khăn do thời tiết giá lạnh khắc nghiệt kèm mưa lớn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã triển khai hơn 50.000 nhân viên cứu trợ tới khu vực bị ảnh hưởng và dành khoản ngân sách 100 tỷ Libra (5,3 tỷ USD) khắc phục hậu quả trận động đất.
Liên minh châu Âu cùng nhiều nước khác đã nhanh chóng xúc tiến đưa các đơn vị cứu hộ, cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhận được yêu cầu trợ giúp từ Ankara.
Theo các chuyên gia, sự kết hợp của hàng loạt yếu tố như vấn đề thời gian, vị trí, đường đứt gãy và kết cấu yếu của các toà nhà đã gây thiệt hại cực lớn về người và của trong trận động đất.
Nguyên nhân đầu tiên được nhiều chuyên gia chỉ ra chính là vị trí và độ sâu của tâm chấn. Sở dĩ trận động đất gây ra sự tàn phá như vậy một phần vì sức mạnh của nó và chúng sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu tâm chấn ở gần các khu vực tập trung đông dân cư.
Một nguyên nhân nữa được các chuyên gia chỉ ra một phần có thể là do đường đứt gãy địa chất nơi trận động đất xảy ra gần đây tương đối yên tĩnh. Điều đó có thể khiến mọi người đã bỏ qua mức độ nguy hiểm của nó.
Thêm một lí do khác được đưa ra chính là việc xây dựng nhà cửa không phù hợp ở một khu vực dễ bị động đất lớn như Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo The New York Times, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất vào sáng 6/2 ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã được thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.