Thở đúng cách để khỏe đẹp
Chúng ta không thể điều khiển cho nhịp tim đập nhanh hay chậm, dạ dày co bóp hay không, mạch máu co hay giãn, nhưng chúng ta có thể điều khiển, làm chủ được hơi thở.
Khi chúng ta không để ý thì vận động của hơi thở là tự phát, tùy theo các kích động của thần kinh hay cảm xúc mà nó diễn ra nhanh hay chậm, nông hay sâu, đều hay không đều. Trong cách hít thở thông thường, ta chỉ tống không khí ra khỏi phần trên và phần giữa của phổi, còn phần đáy phổi sẽ có nhiều khí cặn. Phổi bình thường có dung tích khoảng 5 lít không khí, khi ta hít vào thở ra mạnh, chỉ khoảng 3 lít không khí được lưu chuyển, như vậy còn khoảng từ 1,5 - 2 lít không khí không được lưu chuyển và bị tồn đọng. Vậy ta phải tập hít thở sâu đến tận đáy phổi, đẩy hết khí cặn ra ngoài và làm cho không khí trong lành tràn vào.
Tập hít thở, trước hết phải tập động tác cơ bản là: thóp bụng cho cơ hoành nâng lên để thở ra và phình bụng cho cơ hoành hạ xuống để hít vào.
Nếu phối hợp thở bụng và thở ngực, ta được cách thở toàn diện, lúc hít vào thì cơ hoành hạ xuống, cho hai vai đưa lên và phần trên của lồng ngực được mở ra. Như vậy, buồng phổi được mở rộng theo chiều dọc lẫn chiều ngang, dưỡng khí được đưa vào đáy phổi và đỉnh phổi. Khi thở ra, cơ hoành nâng lên thóp bụng lại, phần trên của lồng ngực cũng được hạ xuống.
Lúc ngồi yên, không vận động mạnh, ta không cần đưa oxy nhiều vào cơ thể, khí CO2 bị khử ra nhiều quá cũng có hại: độ pH của máu sẽ lên cao làm ta chóng mặt. Nhiều người mới tập hít thở hay mắc sai lầm này: khi ngồi yên vẫn cố hít thở thật sâu, mạnh và nhiều. Ngồi yên thì cần hít thở sâu, nhẹ nhàng đều đặn, chậm rãi. Nếu thường xuyên hít thở chậm rãi, êm nhẹ, chúng ta sẽ dần dần điều chỉnh lại toàn bộ hoạt động tâm sinh lý của cơ thể, đây là cách giữ gìn sức khỏe thuận tiện và đơn giản nhất. Ta có thể tập hít thở sâu chậm nhiều lần trong ngày, mỗi lần chừng vài phút.