Thiếu tập trung là lợi thế của trẻ?
Có khi nào bạn nghĩ rằng sự thiếu tập trung lại là một lợi thế của con mình?
Mẹ khổ sở vì con thiếu tập trung
Nếu bạn đã từng thấy phiền lòng rằng đứa con vàng ngọc, niềm hi vọng cho tuổi trẻ và nơi nương tựa tuổi già của bạn quá thiếu sức tập trung khi học bài thì hẳn bạn cũng đã từng cố tìm cách để con mình biết tập trung hơn?
“Mặc cho bố dọa nạt thế nào, mẹ khuyên bảo ra sao, thằng bé nhà mình lúc học hành cứ lơ đễnh. Ông cháu bảo rằng cháu không thông minh, chỉ thích chơi chứ không thích học. Mình khổ tâm quá! Biết làm thế nào để cháu yêu thích học tập được bây giờ?”, chị Hà, một nhân viên ngân hàng phàn nàn với bạn.
Người bạn này, vốn cũng đã từng trải qua giai đoạn vất vả với cô con gái 11 tuổi chỉ giỏi duy nhất việc tự làm các kiểu tóc đưa chị đến gặp một bậc thầy về đông phương học, người đã giúp chị hiểu rằng sự thiếu tập trung của con chị không có gì đáng lo cả.
“Mình cũng đã từng rất lo lắng vì con gái mình không thể nào tập trung học được. Cứ ngồi vào bàn học được một lúc là nó lại như người mất hồn vậy. Tuy nhiên, con bé hoàn toàn tập trung và phải nói là cực điêu luyện trong việc tự tạo kiểu tóc cho nó”, bạn chị Hà tâm sự.
Tuy nhiên, với suy nghĩ rằng việc chính của con là phải học và trở thành giáo sư bác sĩ, chị liên tục mắng chửi con. “Ban đầu mình nghĩ rằng con mình đua đòi ăn chơi nhưng nó đâu có làm tóc rồi đi chơi. Nó chỉ làm hết kiểu đầu này rồi lại gỡ ra làm kiểu đầu khác. Kiểu nào cũng đẹp”.
Bạn đọc có thể tham khảo trường hợp của cậu bé Huy ở quận Tân Bình, Sài Gòn. Cậu bé mất tập trung nghiêm trọng khi học bài và luôn lén lút vẽ bất cứ lúc nào có thể. Bố mẹ cậu đưa cậu vào trường học vẽ. Kết quả là cậu nhanh chóng trở thành nhân vật nổi tiếng nhất nơi này.
Vậy cuối cùng sự thiếu tập trung mà các ông bố bà mẹ luôn lo lắng kia là sai hay định nghĩa “thiếu tập trung” của họ chưa đúng?
“Thiếu tập trung mới tốt”
Tham khảo ý kiến của chuyên gia động phương học hàng đầu Việt Nam, tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược, aFamily nhận được một “nghiệm” rất thú vị rằng: Với những trẻ thiếu tập trung, điều đó lại là một lợi thế của chúng.
“Có nhiều người than phiền với tôi rằng con họ học kém vì ham chơi, không chịu tập trung khi học. Lại có người đến hỏi tôi rằng con họ sắp vào lớp 1, tuổi của cháu bé thế này, sinh giờ thế kia, theo phong thủy thì nên kê bàn học cho cháu ở chỗ nào vì cháu rất thiếu tập trung.
Tôi nói với họ rằng nên kê bàn học cho cháu ở chỗ nào có nhiều người qua lại, càng ầm ĩ càng tốt thì họ vô cùng ngạc nhiên. Nhưng rồi cuối cùng học cũng đến mà nói với tôi rằng, càng kê chỗ học yên tĩnh, cháu bé càng thiếu tập trung.”
TS. Cung Khắc Lược cho rằng với từng bé, bố mẹ cần biết được con mình cần điều gì để điều chỉnh, không phải lúc nào chỗ học yên tĩnh cũng là tốt vì có thể bé hay sợ hãi hoặc sự yên tĩnh khiến bé nghĩ ngợi vẩn vơ.
TS cũng cho rằng với nhiều bé, sự thiếu tập trung trong khi học lại là một lợi thế rất lớn khi bé thực sự được làm những điều yêu thích.
“Nếu bố mẹ một mực bắt ép con cái phải tập trung, chẳng khác gì bắt một bé trai biến thành một bé gái. Những bé đó có cách tư duy riêng, không nhất thiết lúc nào cũng phải tập trung mới có thế thành công trong cuộc sống”.
TS. Lược khuyên rằng nếu các ông bố bà mẹ thực sự muốn con mình thành công và được sống hạnh phúc thì hãy để chúng tư duy theo cách của mỗi bộ não quy định và được làm những gì chúng thích.
Cũng theo TS. Lược thì sự can thiệp thô bạo chỉ khiến tình hình tệ hơn: “Nếu thấy con mình đang lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa trong khi học, hãy cố tư duy theo cách “lơ đễnh” của con, phụ huynh sẽ biết được con mình đang nghĩ gì và chúng thực sự cần gì”.
Kim Ấm