Thiếu phụ ngoại tình

,
Chia sẻ

Đàn bà có chồng mà còn có tình riêng với người khác”. Như vậy theo đúng cách, ngoại tình là đặc sản duy nhất chỉ dành riêng cho các thiếu phụ.

Chuyện ngoại tình có nhiều lắm, có ở cả đàn ông lẫn đàn bà, ở cả người già lẫn người trẻ. Phương Đông cũng không ít và Phương Tây lại càng nhan nhản. Bên trời Âu vào khoảng thế kỷ 18 – 19, đặc biệt là nước Phú Lãng Sa ngoại tình đã trở thành một lối sống, tuy chua kịp thăng hoa phát triển thành một nếp sinh hoạt lành mạnh nhưng nó cũng không hề bị xã hội đương thời cằn nhằn lên án. Thậm chí ở giới quý tộc no đủ nhàn rỗi, nó trắng trợn một mốt thời thượng.
 
Một quý ông được gọi là hoàn hảo thì đầu âm thầm phải “mọc sừng”, nếu bất hạnh chưa có thì sâu xa tự nhiên tủi thân thấy như bơ vơ túng thiếu. Chính vì thế, nên khi quý ông nào đó nhỡ quả tang bắt được vợ mình đang ôm ấp tình nhân thì cho dù có cực kỳ phẫn nộ, quý ông vẫn cư xử nhã nhặn lịch thiệp. Hoặc nhẹ nhàng giễu cợt mời xuống giường làm ly Champagne, hoặc thô bạo hơn thì sầm mặt chủ động tự đứng ra ngoài hiên để gã kia bớt lúng túng khi phải vội vàng mặc quần áo. Có được sự ứng xử nhân văn ga lăng nhân hậu ấy bởi hai lý do. Thứ nhất đơn giản vì “thằng chả” đang là sếp mình, cái thằng đó hoặc đang là vua hoặc đang là đại thần. Thứ hai, oái ăm tế nhị hơn, vợ của “thằng chả” đang là đương kim nhân tình của mình. Sự đương thông tréo ngoe này đã được nhà thơ Bảo Sinh đúc kết: “Vợ là cửa cái, bạn gái là cửa sổ. Càng nhiều cửa sổ càng sang. Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra. Vợ là cửa cái nhà ta. Lại là cửa sổ của thằng cha láng giềng”.
 

Tất nhiên, hời hợt nhìn thấy thì vậy, chứ đã là đàn ông bị cắm sừng thì ai mà chẳng tổn thương bất hạnh. Đó là chưa kể cái thằng mặt dày ấy chính là thằng bạn nối khố. (Khố là danh từ cổ, chỉ một loại quần sip thuần Việt, đàn ông ngày xưa dùng nó tương tự như quần sooc bây giờ. Bạn nối khố đại khái là một thứ “a bosom friend” thân thiết vui buồn sướng khổ có nhau tới mức chung cả đồ lót). Đương nhiên với cái loại bạn thích dùng chung khố này thì cách thông thường nhất là mời ra đấu súng. Đại thi hào người Nga A.Puskin (1799-1837)bị một thằng tây ba lô có tên là Đăngtet cố tình tán tỉnh vợ của ông, nhà thơ vĩ đại đã trúng đạn tử thương. Thật đau đớn, nhiều học giả đang công tác tại viện Văn khẳng định rằng vợ của ông chưa bao giờ ngoại tình.

Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh giải thích nghĩa ngoại tình “Adultère. Đàn bà có chồng mà còn có tình riêng với người khác”. Như vậy theo đúng cách, ngoại tình là đặc sản duy nhất chỉ dành riêng cho các thiếu phụ. Ở ta và ở Tàu, hồi còn chế độ phong kiến thối nát, chuyện thiếu phụ ngoại tình bị công luận lên án mạnh mẽ lắm. Ở khía cạnh xã hội, ngoại tình có tội to tương đương với chửa hoang, đằng nhà chồng được lệ làng bật đèn xanh cho phép công khai gọt đầu bôi vôi dẫn đi vòng quanh xóm bêu riếu. Man rợ hơn nữa thì buộc vào bè thả trôi sông. Trên bình diện bói toán, cả sách số lẫn sách tướng có không biết bao nhiêu “chỉ tiêu” cốt để cho đám đàn ông đang loay hoay sắp lấy vợ căn cứ vào đấy mà tránh thật xa những thiếu nữ có tiềm năng phát triển thành thiếu phụ ngoại tình. Tử vi thì “Đào, Riêu số gái ai hay. Chồng ra cửa dắt ngay giai vào”. Sách tướng thì “trán rộng tóc mai xuống sâu. Mặt to mũi bé chuyên câu giai ngoài”. Trong văn chương tiểu thuyết, các thiếu phụ ngoại tình hầu hết đều được mô tả nhang nhác giống như dâm phụ. Kim Liên trong kiệt tác “Thuỷ Hử” chẳng hạn, thật là thứ đàn bà điển hình của sự tàn ác bạc bẽo điêu trác. Dâm phụ họ Phan mê trai tới mức mụ mị đầu độc rồi bóp cổ chồng. Đã thế thị còn leo lẻo nói dối nói trá chỉ đến lúc bị Võ đô đầu mổ bụng moi tim mới tâm phục khẩu phục bơt mồm tru tréo. Văn chương phương Tây nhìn chuyện này nhẹ nhàng hơn, “Madame Bovary” của Floubert là ví dụ. Văn hào người pháp này tuyên bố một câu xanh rờn: “Bà Bovary chính là tôi”. Người Nga cũng có hai truyện ngắn tuyệt vời hay về chủ đề chán chồng mê trai. Đó là “Người đàn bà có con chó nhỏ” của A.Chenkhov và “Say nắng” của I.Burin. Ở đây, những thiếu phụ nhân vật chính được rưng rưng tôn trọng, họ ngoại tình là bởi tâm hồn họ sâu sắc, trí tuệ họ mẫn tiệp và trái tim họ nồng nhiệt nhạy cảm. Nhiều đàn ông tử tế đọc xong bỗng chứa chan chia sẻ, khát khao muốn tự gọt đầu tự bôi vôi rồi tuẫn tiết xuống bè chủ động trôi sông.

Tuyển tập Đường thi có bài “Tiết phụ ngâm” của Trương Tịch khét tiếng hơn nghìn năm nay, kể về một thiếu phụ bị rủ rê ngoại tình nhưng nàng nhất quyết nói không. Tất nhiên tiết phụ này chưa bao giờ dắt chó đi lang thang ở “rì dọt”, lại cũng chẳng bao giờ bị lao đao say nắng, nàng bình dị cư xử trong trắng như một chân chính người vợ. “Chàng hay em có chồng rồi. Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành. Vấn vương những cảm mối tình. Em đeo trong áo lót mình màu sen”. Tuy vẫn vương như thế nhưng nàng vẫn quyết liệt thủ tiết. “Như gương vẫn biết lòng chàng. Thờ chồng quyết chẳng phụ phàng thề xưa. Trả ngọc chàng, lệ như mưa. Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng” (bản dịch của Ngô Tất Tố)

Nhiều thiếu phụ đương đại bây giờ khi bị rủ rê thì hấp tấp nhận lời yêu, khi bị người tình đòi ngọc (đôi khi là nhẫn kim cương hoặc sổ đỏ) thì thỉnh thoảng cũng có người trả rồi thảm thiết khóc.

Không rõ là tiếc tình hay tiếc ngọc.

 Theo Đẹp

Chia sẻ