Thiệt hại nặng do thời tiết cực đoan

Anh Thư,
Chia sẻ

Đợt nóng khốc liệt kéo dài hàng chục ngày qua đã khiến người lao động ngoài trời tại TP Phoenix và các nơi khác của Mỹ, nhất là người bán thức ăn nhanh lưu động, phải chật vật tìm cách đối phó.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra nhiệt độ cực đoan có thể khiến nước Mỹ thiệt hại 100 tỉ USD hằng năm do giảm năng suất lao động. Nếu không kiểm soát được, tình trạng này có thể làm thất thoát 1/6 hoạt động kinh tế toàn cầu vào năm 2100.

Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Chris Lafakis, Giám đốc nghiên cứu kinh tế của hãng tư vấn Moody’s Analytics, cho biết: "Sóng nhiệt có thể gây tử vong và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh liên tục; cũng như gây căng thẳng cho lưới điện khu vực, làm tăng chi phí làm mát". 

Người lao động, đặc biệt là người làm việc ngoài trời, sẽ kém năng suất hơn. Moody’s Analytics cũng ước tính rủi ro thể chất mạn tính do căng thẳng nhiệt có thể làm giảm GDP toàn cầu tới 17,6% vào năm 2100.

Thiệt hại nặng do thời tiết cực đoan - Ảnh 1.

Nhân viên sở thú Phoenix đội nắng tắm cho chú rùa khổng lồ Galapagos hôm 21-7 giữa cái nóng lên tới 43 độ C Ảnh: REUTERS

Bà Kathy Baughman McLeod, Giám đốc Trung tâm Khả năng phục hồi của Quỹ Adrienne Arsht-Rockefeller tại Hội đồng Đại Tây Dương, phân tích: "Nhiệt độ cao khiến chúng ta suy nghĩ chậm lại, khó tập trung, mất khả năng phối hợp tay và mắt... Khi mệt mỏi, chúng ta dễ phạm sai sót". 

Theo bà, thiệt hại nặng nề nhất sẽ tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng, mặc dù không có ngành hoặc doanh nghiệp nào "miễn dịch" được với điều này. 

Ngay cả người làm việc trong môi trường có điều hòa vẫn có khả năng bị ảnh hưởng sức khỏe. Nguyên nhân do họ có thể không có các tiện nghi ấy tại nhà, dẫn đến ngủ kém và làm việc thiếu hiệu quả tại cơ quan vào ngày hôm sau.

Bà McLeod nhấn mạnh cần phải nâng cao nhận thức về nguy cơ thầm lặng, vô hình này đối với cả người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời tạo ra các hệ thống cảnh báo dựa trên sức khỏe.

Chia sẻ