Thiết bị lạ trong mũ len trẻ em TQ: Chỉ là loa nghe nhạc?
Theo tiết lộ của một chủ tiệm kinh doanh trên phố Hàng Ngang (Hà Nội): “Thiết bị lạ” gắn trong mũ len của trẻ em gây xôn xao dư luận chỉ là loa phát nhạc.
Sau thông tin gây hoang mang dư luận về “thiết bị lạ” được giấu kín trong chiếc mũ len trẻ em “made in China” được một người phụ nữ ở Nam Định phát giác, PV đã có buổi khảo sát thị trường tại Hà Nội với nhiều điểm bán hàng mũ len, quần áo trẻ con.
Mặc dù trước đó, chiếc mũ len này không chỉ xuất hiện tại Nam Định, đã có người mua được chiếc mũ “lạ” này tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tuy nhiên, tới chiều 11/1, sau gần 1 tuần thông tin rúng động trên được lan truyền mạnh mẽ trên cộng đồng mạng, điều dễ nhận thấy là: Sản phẩm mũ len “đặc biệt” này không được bày bán rộng rãi và tràn lan trên thị trường nữa.
Chúng tôi đã đi tìm hiểu tại hầu hết các cửa hàng bán đồ trẻ con trên các tuyến đường của phố Cổ, chợ Đồng Xuân, chợ Đồng Xa, chợ Diễn và một số chợ đầu mối khác nhưng đều không thấy xuất hiện sản phẩm này.
Các chủ cửa hàng khi được hỏi thăm đều lắc đầu trả lời: “Không có”.
Tuy vậy, trên thực tế, có rất nhiều mẫu mã mũ len tương tự, thậm chí còn giống hệt chiếc mũ len mà người tiêu dùng ở Nam Định đã phản ánh, từ màu sắc cho tới hình dáng, tem mác và cả tên nhà sản xuất nhưng lại chỉ đơn thuần là len và bông mà không hề có “thiết bị lạ”.
Ông H., chủ cửa hàng trên phố Hàng Ngang (Hà Nội) cho biết: Những chiếc mũ len này năm ngoái đều có nhạc, năm nay thì không. (Ảnh: Phương Nhi)
Ông H., một chủ cửa hàng trên phố Hàng Ngang (Hà Nội) bật mí: “Thiết bị lạ” gắn trong mũ len của trẻ em gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây chính là loa phát nhạc.
“Năm nay giá thành cao nên nhà sản xuất đã ăn bớt mất phần loa, nhạc kèm theo mũ. Năm ngoái, tôi bán 100.000 đồng có nhạc còn năm nay 100.000 đồng không có nhạc” – ông H. nói.
Theo ông H: Những người bán hàng như ông không hề ngạc nhiên với những sản phẩm mũ len có thiết bị nhạc này. Bản thân ông khi bán hàng cũng luôn tư vấn cho khách để lựa chọn loại không có nhạc hay loại mũ có nhạc.
“Mũ có nhiều loại, có mũ phát nhạc còn có mũ đính kèm hình con vật phát sáng. Năm nay, mũ phát nhạc chỉ những cửa hàng nào còn hàng tồn may ra mới có, còn lại đều bán hết từ năm ngoái” – ông H. chia sẻ.
Theo thông tin từ ông H, những loại sản phẩm mũ phát nhạc này năm ngoái cũng không có nhiều mà chỉ xuất hiện vài mẫu bán và nhiều hãng khác nhau sản xuất.
“Có đợt chúng tôi lấy vài chục cái mũ về đều có nhạc nhưng cũng có lô hàng không có cái nào. Năm nay thì tuyệt đối không làm nhạc…” – Vừa nói, ông H. vừa đưa tay chỉ vào phần bông có gắn thiết bị bên cạnh 2 tai mũ và giải thích:
“Chỗ này khi ấn sẽ phát ra một bản nhạc. Nhưng phải ấn mạnh giống như trẻ con khi đi giầy, phải đập chân thật mạnh thì mới phát ra tiếng kêu vậy!”.
Nghe loa phát nhạc nhiều: Có thể hỏng màng nhĩ
Dù đoán biết “thiết bị lạ” này có thể chỉ đơn thuần là một bộ phận phát ra tiếng kêu nhưng nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những người có con nhỏ đều không khỏi băn khoăn, sợ hãi.
Anh Bùi Huy Hùng (ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Hà Nội) tâm sự: Sau khi xem hình ảnh trên báo chí, tôi nghĩ nó chỉ là 1 bộ phận phát ra một đoạn nhạc, hay 1 bài hát bất kỳ tuỳ vào bộ mạch dữ liệu nhà sản xuất nạp vào vì thiết bị này bao gồm pin, mạch bộ nhớ và loa.
Tuy nhiên, anh Hùng cũng bày tỏ sự lo lắng: “Trẻ con thường nghịch ngợm, chắc chắn khi có chiếc mũ trong tay, con mình sẽ bấm thường xuyên.
Nếu ở cự ly gần (sát tai) như vậy, tôi lo tần sóng phát ra sẽ không phù hợp với trẻ em. Hơn nữa, nó là đồ rẻ tiền, chắc chắn sẽ không đảm bảo về chất lượng và có khả năng nguy hại tới sức khỏe người dùng”.
Thiết bị lạ được gắn trong mũ len chỉ là loa phát nhạc? (Ảnh: Internet)
Chị Vũ Thu Hà (Quê ở Hải Phòng), hiện là công nhân viên chức đang làm việc tại Hà Nội, sau khi đọc thông tin về chiếc mũ len lạ, chị đã ngay lập tức kiểm tra lại những chiếc mũ đã mua cho con trong nhà mình, rất may không có chiếc mũ nào có “thiết bị lạ” như thế.
Mặc dù vậy, chị Hà cho rằng: Đây cũng là một lời cảnh tỉnh, cảnh báo đối với người tiêu dùng – những ai có nhu cầu đi mua sắm đồ dùng cho trẻ nhỏ.
“Nếu biết trước chiếc mũ len này có thiết bị phát nhạc như vậy, tôi sẽ không bao giờ mua, bởi dù gì thì nó cũng không tốt cho con mình vì loa phát quá gần tai” – chị Hà nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Huyền Trang, bác sỹ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, phòng khám số 86, Cầu Giấy, Hà Nội lưu ý: Việc gắn thiết bị phát ra nhạc ở mũ len không khác gì việc người lớn đeo tai nghe (headphone).
“Trong khi đó, người lớn đeo tai nghe nhiều còn không có lợi cho tai huống hồ là trẻ con. Đặc biệt là trong phòng kín, nghe một âm thanh rất to, tác động trực tiếp vào màng nhĩ, gây áp lực sóng âm, sẽ không tốt cho trẻ nhỏ.
Nghe lâu, nghe nhiều sẽ gây hỏng cho màng nhĩ” – bác sỹ Trang nhấn mạnh.
Cũng theo bà Trang: “Nếu bé đội mũ này và nghe nhạc nhiều sẽ có hiện tượng ù tai nhưng việc ù tai này, người lớn sẽ cảm thấy khó chịu, dễ nhận biết chứ trẻ con thì không biết kêu ca, phàn nàn.
Bé không biết là bé bị nghe kém, chỉ đến lúc các bậc phụ huynh phát hiện ra bằng cách gọi hay nói chuyện mà con không chú ý, lúc này thì đã khá nguy hiểm rồi”.
Do đó, bác sỹ chuyên khoa Nhi này khuyên: Các ông bố, bà mẹ khi lựa mũ len cho con nên mua các hàng có nguồn gốc xuất xứ, mũ len nên chọn hàng Việt, không cần phải mua hàng Nhật hay hàng ngoại vì không có mục đích sử dụng nhiều.
Trên mạng xã hội, nhiều thành viên cũng chia sẻ những bình luận thể hiện sự quan tâm về vấn đề này. Một bạn có tên là Hồ Thị Na cho biết: “Cái mũ này năm trước, mình cũng có một cái, nó phát bài quả táo nhỏ ( little apple) tiếng Trung. Mình được bạn mình mua ở Quảng Châu về, nó thuộc dạng kiểu đồ chơi thôi. Tiếng kêu cũng không to lắm vì lớp chặn tai khá dày”. Một số thành viên khác sau hàng loạt scandal về đồ dùng tại Trung Quốc không an toàn, nhất là các vật dụng, đồ chơi liên quan tới trẻ em, đã lên tiếng tẩy chay các sản phẩm mang nhãn mác “Made in China”. “Thương các con quá, đồ ăn thì nhiễm độc, đồ chơi thì tẩm chất gây vô sinh, giờ đến hàng tiêu dùng cũng thế này. Mong các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm soát nghiêm ngặt không thì ảnh hưởng lớn tới thế hệ mầm non đất nước” – nick name Su Kem chia sẻ. |