Thị trường lịch 2013: Tiêu thụ vẫn khó khăn
Mặc dù đã bước sang tháng 12 nhưng sức tiêu thụ lịch Tết phục vụ năm mới vẫn còn chậm, trong khi lịch lậu, lịch giả vẫn được bày bán tràn lan trên địa bàn Hà Nội.
Sức mua yếu
Tại Hà Nội, lịch Tết 2013 bắt đầu được bày bán trên thị trường từ những ngày đầu tháng 10, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chủ cửa hàng kinh doanh, sức mua vẫn còn chậm dù năm mới đã cận kề.
Ông Phạm Quý Thế, Trưởng phòng văn hóa phẩm, Tổng công ty sách Việt Nam lo lắng nói: “Đến nay sức mua của người dân vẫn chưa nhiều khiến cho người làm lịch và kinh doanh hết sức lo lắng do mặt hàng này chỉ mang tính chất thời vụ”.
Ông Phạm Quý Thế cho biết, năm nay công ty sách Việt Nam nhập về hơn 70 mẫu mã lịch các loại như bloc lịch, lịch tờ, lịch để bàn, lịch bỏ túi, lịch in trên lụa, trên mành tre… “Mẫu mã và kiểu dáng lịch được các nhà xuất bản, nhà đầu tư đầu tư kỹ lượng nên chất lượng cải tiến hơn nhiều so với năm trước. Nhiều loại lịch có chủ đề độc đáo, mang giá trị văn hóa, chính trị, lịch sử có ý nghĩa” – ông Phạm Quý Thế nói.
Nhiều cửa hàng kinh doanh hy vọng thị trường lịch Tết sẽ sôi động hơn trong tháng 12 (ảnh: P.Ngọc)
Tại các phố Đinh Lễ, Tràng Tiền, Nguyễn Xí… vốn được xem là trung tâm buôn bán lịch nhưng những ngày gần đây khách mua vẫn chỉ lác đác.
Một nhân viên Nhà sách trung tâm, 44 Tràng Tiền cho biết, giá lịch năm nay tăng hơn năm ngoài từ 5–10%, dao động từ 20–800 nghìn đồng tùy vào kích cỡ, kiểu dáng và chất liệu. Khách hàng đến chủ yếu vẫn chỉ để khảo giá, hoặc mua với số lượng nhỏ các loại cỡ đại và cực đại để làm quà biếu, quà tặng.
Ông Phạm Quý Thế cho hay, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều cơ quan năm ngoái đặt mua số lượng lớn, năm nay cũng giảm số lượng xuống 70–80%. Bên cạnh đó, do tâm lý của người tiêu dùng “tận ngày mới mua”, vì vậy vẫn hy vọng thị trường lịch sẽ chuyển biến sôi động trong mấy ngày tới.
Lịch nhái vẫn bán tràn làn
Từ năm 2012, Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện việc dán tem nhằm hạn chế việc in lậu, làm nhái lịch giả. Năm nay, thay vì thao tác cào mã số trên tem và gửi tin nhắn đến tổng đài, người tiêu dùng chỉ cần lấy nước quẹt nhẹ là có thể phát hiện hàng thật, hàng nhái. Theo Cục Xuất bản, việc ban hành tem mới này sẽ giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn cũng như tiết kiệm được chi phí cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trên các vỉa hè Hà Nội hiện nay như khu vực đường Phạm Văn Đồng, đường Láng, Nguyễn Trãi… các loại lịch in lậu vẫn được bán tràn lan.
Tại khu vực đường Láng, lịch nhái “ăn theo” mẫu mã của nhiều nhà xuất bản được bày bán với giá thấp hơn 30–40%, thậm chí giảm tới 50% để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng sau khi mua hàng phản ánh, chất liệu giấy các loại lịch này thường mỏng hơn, màu sắc không tươi sáng, thậm chí một vài tờ còn in sai cả ngày tháng.
Chị Minh Anh (Mai Dịch, Câu Giấy) cho biết: “Thấy giá rẻ nên tôi cũng mua một bloc lịch, về kiểm tra bên trong mới thấy tranh ảnh nhòe nhoẹt, đọc không rõ chữ mới ngỡ ra mình mua phải lịch lậu”.
Không riêng chị Minh Anh, nhiều khách hàng trót mua lịch vỉa hè đều tỏ ra “xót” tiền cũng chỉ vì hám rẻ.
Để mua đúng hàng thật, hàng chất lượng, các cơ quan quản lý thị trường khuyến cáo, người tiêu dùng nên đến tại các địa chỉ cửa hàng, hiệu sách uy tín và kiểm tra kỹ tem chống hàng giả được dán trên mỗi sản phẩm.