Thị trường hóa chất thả nổi: Người dân đang bị đầu độc hàng ngày

Theo Tuổi Trẻ thủ đô,
Chia sẻ

Xu hướng sử dụng phụ gia trong sản xuất thực phẩm ngày càng gia tăng. Kẽ hở trong công tác quản lí còn lỏng lẻo và chồng chéo khiến cuộc sống của người dân bị đầu độc hàng ngày.

Thực phẩm nào cũng độc

Trên một số tuyến phố chuyên bán các hóa chất phụ gia thực phẩm như Nguyễn Khuyến, Hàng Hòm, Hàng Buồm... có thể thấy không loại thực phẩm gì bày bán trên thị trường là không có chất bảo quản, phụ gia. Cũng chỉ khi nghe người bán hàng tư vấn, chúng tôi mới thực sự sốc vì hóa ra từ bao lâu nay, chúng ta vẫn đang bị đầu độc hàng ngày bởi chính thực phẩm thiết yếu.

Tại các cửa hàng phụ gia thực phẩm trên phố Nguyễn Khuyến, người bán hàng giới thiệu về loại bột làm thịt tươi lâu hơn, bề mặt dẻo, dính và có màu tươi hồng. Chỉ cần dùng loại bột trắng có giá từ 20.000 - 80.000 đồng/kg để ướp thịt hoặc bôi lên bề mặt thịt thì thịt sẽ giữ được lâu hơn. Đặc biệt là độ dẻo, dính thì có thể qua mặt được cả lực lượng thú y ở các chợ dân sinh.

Chị Nguyễn M, người bán hàng còn cho biết, ở cửa hàng này, loại nào cũng có, từ chất ướp thịt làm xúc xích đến chất bảo quản làm thịt nguội sản phẩm có màu đẹp và lâu bị hỏng... hay hóa chất làm cho sợi bún, phở giòn, dai, lâu bị chua và làm trắng bún, bông sợi bún đều có. Giá của các thứ phụ gia đó cũng chỉ hơn 100.000 đồng/kg.

Thị trường hóa chất thả nổi: Người dân đang bị đầu độc hàng ngày 1
Một cửa hàng bán hóa chất tại Hà Nội

Để phục vụ mặt hàng nem chua trên thị trường có rất nhiều loại hóa chất, tùy vào đa chất hay đơn chất mà có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/gói 500g (loại không nhãn mác chỉ giá khoảng 30.000 đồng/gói). Theo hướng dẫn của người bán hàng, loại này phải trộn lẫn với thính hoặc thịt. Nếu sợ nem bị nhớt thì có loại riêng, còn nem chua bị mốc 2 đầu thì lại có 1 loại khác. Nếu cho các chất bảo quản này vào, nem sẽ ráo, màu đẹp và để được lâu hơn.

Riêng về cafe thì có chất phụ gia tạo ngọt, tạo hương liệu các loại, chất bột tạo độ đậm đặc, sền sệt trong sinh tố thì nhiều vô kể. Ví dụ như để làm cho nước sinh tố đặc có loại bột đã trộn sẵn hương vị, khi pha với nước nó đặc sánh, sẽ không cần nhiều tới phần thịt quả. Giá cho loại phụ gia đó là 300.000 đồng/1,5kg. Tính ra chi phí cho 1 cốc cà phê hết khoảng 5.000 đồng. 1kg bột sẽ trộn được khoảng 50 cốc sinh tố. Loại không nhãn mác nhập từ Trung Quốc giá còn rẻ hơn, khoảng 100.000 đồng/kg, loại này trộn còn được dôi hơn.

Đáng chú ý là chất tạo ngọt, 1kg có giá 200.000 đồng, mỗi thìa cafe pha được 5 lít nước. Còn có loại đường chỉ bọc trong túi nilon giá chỉ 80.000 đồng/kg, lượng nước pha không thay đổi. Chỉ cần 1kg chất tạo ngọt này thay thế cả tạ đường.

Trong lúc chúng tôi ngồi nghe tư vấn, có rất nhiều cơ sở sản xuất giò, chả vào đây mua chất tạo vị, chất làm giòn cho giò chả. Chỉ với 1 triệu đồng, cơ sở này đủ hóa chất để làm hàng cho suốt một tháng.

Hóa chất phụ gia: Sát thủ giấu mặt

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các chất phụ gia thuộc nhóm chất bảo quản được bổ sung vào thực phẩm với mục đích kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm bằng cách ngăn chặn hay kìm hãm những biến đổi trong bản thân thực phẩm do các quá trình biến đổi sinh hóa, hóa học, vật lí và vi sinh vật. Các chất bảo quản được chia thành 4 nhóm chủ yếu: Chống vi sinh vật, chống biến đổi thành phần hóa học thực phẩm, chống biến đổi tính chất vật lí của sản phẩm, chống côn trùng. Về cơ bản, dùng các chất bảo quản đều độc hại cho con người. Riêng về chất tạo ngọt Acesulfame K được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta cần kiểm soát, không nên sử dụng 100% loại này trong ăn uống, chỉ nên bổ sung hay chỉ sử dụng cho người kiêng đường, không thể sử dụng nấu chè hay pha nước hoa quả, sinh tố để sử dụng hàng ngày. Dù được phép sử dụng nhưng đem ra bán tự do ở thị trường là không được. Vì một hãng sản xuất ra một chất nào đó thì có nhiều tạp chất gây nguy hại cho sức khỏe rất khó kiểm soát. Còn những loại phụ gia không nhãn mác thì còn nguy hiểm hơn.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại; phụ gia thuộc danh mục không được phép sử dụng sẽ gây hại cho sức khỏe con người như ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính. Các phụ gia sử dụng quá liều lượng trong một thời gian dài sẽ gây ra các ngộ độc hóa học. Việc sử dụng phụ gia, nhất là phụ gia tổng hợp, dẫn đến nguy cơ hình thành khối u, ung thư đột biến gen, quái thai... Đáng chú ý là không có bằng chứng khoa học nào cho thấy có chất phụ gia an toàn tuyệt đối.

Khó xác định phụ gia thực phẩm gây nguy hiểm cho người dân

Việc quản lí chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nói chung và hóa chất sử dụng trong thực phẩm nói riêng vẫn còn chồng chéo. Điều này đã tạo kẽ hở cho các vụ vi phạm làm cho hệ thống kiểm soát không đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo đại diện Cục Quản lí thị trường, Bộ Công thương, để kiểm soát tốt vấn đề hóa chất trong thực phẩm, các quốc gia trên thế giới luôn áp dụng hệ thống giải pháp đồng bộ. Ở nước ta, pháp luật về ATTP chỉ mới được quan tâm trong thời gian gần đây và chủ yếu ở góc độ nhận thức, văn bản.

Hiện chế tài xử lí vi phạm về ATVSTP ở Việt Nam chưa đủ sức răn đe, hầu hết mới chỉ dừng ở mức phạt hành chính. Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 đã quy định các hành vi vi phạm ATVSTP, tuy nhiên muốn khởi tố, bắt đối tượng đầu độc người tiêu dùng thì cơ quan điều tra phải chứng minh được hành vi của họ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, đa phần những chất độc được “độn” vào thực phẩm không tác dụng ngay mà sẽ ảnh hưởng lâu dài, gây các bệnh hiểm nghèo. Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng vì vậy khó xác định.

Chia sẻ