Thị trường bánh Trung thu: Nơi mua bán tấp nập, nơi vắng như “chùa bà Đanh”
Gần 1 tháng nữa mới đến tết Trung thu, song tại nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm hay tuyến phố - nơi tập trung dân cư đông của Hà Nội, bạn hoàn toàn có thể thấy rõ 2 bức tranh đối lập của thị trường bánh trung thu.
Bánh Trung thu của các hãng sản xuất bánh lớn và tên tuổi thì người mua thưa thớt nhưng những cửa hàng bánh truyền thống lúc nào cũng tấp nập khách mua.
Cửa hàng bánh Trung thu: đìu hiu, ế ẩm
Gần 1 tháng nữa là tới dịp tết Trung thu, thời điểm này, hầu hết các hãng sản xuất bánh kẹo đã đặt nhiều cửa hàng bánh trung thu lưu động tại các ngã ba, ngã tư phố lớn để chào mời người tiêu dùng.
Dọc qua các tuyến phố: Bà Triệu, Phố Huế, Đường Thành, Hàng Điếu, Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, Lò Đúc, Phan Trọng Tuệ… đâu đâu cũng thấy ngập tràn sắc đỏ của các quầy hàng, từng dãy từng dãy cửa hàng bán bánh với đủ chủng loại, màu sắc. Theo khảo sát, những dãy hàng bán bánh này đã mọc lên cách đây cả nửa tháng nhưng tới giờ vẫn trong tình trạng vắng như chùa bà Đanh. Hàng loạt các cửa hàng của các hãng sản xuất bánh trung thu như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica... lại ế ẩm, vắng khách.
Mặc dù, bánh trung thu của các hãng này có sự phong phú, đa dạng về mẫu mã hơn hẳn so với mọi năm, giá cả được niêm yết dao động từ 40.000 đồng đến khoảng 200.000đồng/chiếc.
Nhiều cửa hàng bán bánh di động ngồi từ sáng tới tối trong tình trạng "không một bóng khách" (Ảnh: Hồng Hạnh)
Loại rẻ nhất vẫn là loại bánh nướng chay, bánh dẻo chay, giá dao động từ 15.000 - 35.000 đồng/chiếc. Bánh dẻo, bánh nướng vị trà xanh, sen nhuyễn, ngũ nhân, sầu riêng, đậu đỏ có giá từ 50.000 đồng - 90.000 đồng/ chiếc.
Giá cao hơn thường rơi vào các loại bánh dẻo, nướng cầu kỳ hơn như bánh jam bông, thập cẩm, xá xíu, thịt gà quay 1 - 2 trứng giá 90.000 đồng - 120.000 đồng/chiếc.
Các loại nhân bánh năm nay phong phú hơn, trong đó có cả cho người kiêng đường ít ngọt để thu hút đa dạng khách hàng. Năm nay, nhiều hãng bánh tung ra thị trường những sản phẩm bắt mắt với tên gọi mỹ miều, đi cùng với giá thành không hề rẻ, ví dụ hộp bánh Trăng vàng lộc phát gồm 4 chiếc bánh giá gần 2 triệu đồng hay Trăng vàng tứ quý hơn 1 triệu đồng. Đặc biệt, loại đặc biệt có giá từ 2.000.000-6.000.000 đồng/hộp.
Dạo quanh các tuyến phố nội thành, các cửa hàng bánh trung thu tại các ngã ba, ngã tư dù được đặt ở vị trí trung tâm, đông dân nhưng ế ẩm, vắng khách vẫn là tình trạng chung (Ảnh: Hồng Hạnh)
Chị Bích - người bán bánh trung thu tại một quầy hàng trên phố Khâm Thiên cho biết: "So với thời điểm này mọi năm, thì sức mua năm nay quá thấp. Cả ngày không bán nổi 20 chiếc bánh. Năm nay nhìn chung lượng bán giảm hơn so với cùng thời điểm những năm trước. Chúng tôi hi vọng đợt cao điểm là cuối tháng này, đầu tháng sau”.
Anh Bắc, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng bánh trên đường Lò Đúc cho biết. “Bây giờ còn khá sớm để nói đến sức mua. Tuy nhiên, nói một cách khách quan, thời điểm này cửa hàng tôi bán khá chậm kể cả lễ Vu Lan vừa rồi”.
Bánh trung thu truyền thống "lên ngôi"
Trái ngược với tình trạng ế ẩm của bánh trung thu của các hãng, tại các cửa hàng bánh trung thu cổ truyền như hàng bánh trung thu trên phố Thụy Khuê, bánh trên tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, cảnh tượng người mua người bán diễn ra tấp nập. Tại cửa hàng bánh cổ truyền trên phố Thụy Khuê có lúc có hàng chục khách hàng tập trung xếp hàng mua bánh.
Ngay từ sáng sớm, cửa hàng bánh trung thu truyền thống trên phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội có đông khách xếp hàng.
Chú Khánh – hàng xóm sống bên cạnh cửa hàng cho hay: “Giờ vắng, có chục người đứng thôi thôi chứ vài bữa nữa xem, đông nghịt khách nhé, có muốn xếp hàng từ sáng tới tối cũng khó mua. Nhiều khi cửa hàng chỉ cho khách mua tối đa 2-3 hộp để còn dành cho khách hàng khác".
Ngược lại, ở những cửa hàng bán bánh cổ truyền luôn trong tình trạng đông khách (Ảnh: Chí Toàn)
Chị Hồng – người mua hàng đến từ phố Lương Đình Của, Hà Nội cho biết: “Bình thường mọi năm gia đình tôi thường tổ chức trung thu sớm cho bọn trẻ con nên năm nay cũng không ngoại lệ. Nhưng vì thói quen nên tôi thường chọn những cửa hàng bánh trung thu cổ truyền để tới mua chứ không mua những nơi khác. Biết là đến đây phải chờ đông nhưng thôi, thêm vào đó, mấy ngày nữa mới đông hẳn chứ giờ chờ 30 phút chưa ăn thua gì”.
Ngoài thói quen, nói đến lý do chọn bánh truyền thống, chị Hải Hà (Trương Định, Hà Nội) tâm sự: “Mấy năm trước bánh mốc, rồi nhân bẩn, mất vệ sinh khiến gia đình tôi lo sợ. Tôi thấy mua bánh cổ truyền sẽ an tâm hơn vì ít chất bảo quản".
Những năm gần đây, khi chất lượng an toàn thực phẩm dấy lên hồi chuông báo động thì việc chọn mua bánh trung thu đảm bảo không có chất phụ gia là điều thiết yếu, là điều quan trọng mà người tiêu dùng nào cũng để ý đến. Nhiều người cho rằng, những loại bánh truyền thống, handmade này đảm bảo chất lượng, không sử dụng chất bảo quản, sạch và an toàn... Thêm vào đó, giá của những chiếc bánh trung thu truyền thống không chênh lệch là bao so với bánh trung thu của hãng sản xuất.
Chị Trà – chủ cửa hàng bánh trung thu truyền thống trên phố Hàng Đào cho biết: “Từ 2 tuần này, nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ, các tổ chức, cá nhân đã liên hệ để đặt sớm bánh trung thu truyền thống khiến gia đình tôi bận tối mắt tối mũi, luôn tay luôn chân".