Thi tốt nghiệp THPT: Nếu ra đề thi bằng "mời chuyên gia" sẽ khó khách quan

KHÔI NGUYÊN/VOV2,
Chia sẻ

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cần sớm xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn mực, khoa học. Nếu vẫn giữ cách ra đề thi bằng "mời chuyên gia" sẽ khó khách quan.

Phương án Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến, học sinh sẽ phải làm bốn bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Về nội dung thi, dự thảo của Bộ GD-ĐT quy định, các câu hỏi sẽ vẫn nằm trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp THPT. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các chuyên gia giáo dục băn khoăn về năng lực xây dựng ngân hàng câu hỏi theo hướng chú trọng đánh giá năng lực cũng như sự đồng bộ giữa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với kiểm tra, đánh giá.

Cần xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn mực, khoa học

Liên quan đến các môn thi theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghi ngại, khi ngoài 4 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) học sinh sẽ phải lựa chọn thi 2 môn khác. Điều này là một thách thức. Bởi sẽ có tới tất cả 17 môn học được đưa ra lựa chọn, nhưng với mỗi học sinh, các em sẽ phải chọn 2 trong số 4 môn đã lựa chọn trong suốt quá trình học ở THPT.

"Điều này chỉ có thể làm được khi có sự đầu tư chuẩn mực, thích đáng để có được Ngân hàng câu hỏi chất lượng, khoa học sẵn sàng cho kỳ thi. Nếu vẫn nhận thức và đầu tư như cũ có thể sẽ lặp lại cách làm cũ", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu ý kiến.

Thi tốt nghiệp THPT: Nếu ra đề thi bằng "mời chuyên gia" sẽ khó khách quan - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhìn lại phương án thi tốt nghiệp THPT hiện hành, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói, mỗi năm thí sinh đều trông ngóng đề mẫu, ma trận... khiến cho cả xã hội căng thẳng.

Mong mỏi của thế hệ học chương trình Giáo dục phổ thông 2018, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ là không còn phải trải qua tâm lí mong ngóng, thiếu niềm tin vào tính ổn định của kỳ thi tốt nghiệp. Việc cần phải làm là giữ ổn định "các tiêu chí, tiêu chuẩn", ma trận, cấu trúc đề, môn thi...

Nhắc lại vụ việc đề thi môn Sinh học (Tổ hợp Khoa học tự nhiên) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, giữ cách thức ra đề thi bằng "mời chuyên gia" sẽ khó đảm bảo tính khách quan. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ Công nghệ thông tin thì việc bảo mật thông tin đề thi càng trở nên khó khăn hơn.

"Xây dựng được Ngân hàng câu hỏi cho tất cả các môn học là điều quan trọng nhất trong việc chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và điều này sẽ không dễ thực hiện", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận định.

Chỉ cần một bài thi đánh giá năng lực tổng hợp

Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN) về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng, để tốt nghiệp THPT, thay vì việc phải làm tới 6 bài thi thi học sinh chỉ cần làm một bài thi tổng hợp là đủ.

Theo ông Vinh, mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải bám vào việc đánh giá năng lực người học (theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục). Hiện, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng và triển khai theo quan điểm phát triển năng lực, phẩm chất người học. Việc học và việc thi phải đồng bộ với nhau. Do vậy, cần có bài thi đánh giá năng lực tổng hợp mới thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 29.

“Tại sao Bộ GD-ĐT không tổ chức thi đánh giá năng lực như một số trường Đại học đang tổ chức để có sự thống nhất tương đối chính sách thi cử, không gây ra khó khăn cho học sinh cũng như tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức thi của các trường Đại học? Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT với 6 môn vẫn khiến học sinh học lệch và các trường vẫn gặp khó khăn khi xét tuyển từ kỳ thi này vì không xét được năng lực toàn diện của người học”, TS. Hoàng Ngọc Vinh đặt vấn đề.

Thi tốt nghiệp THPT: Nếu ra đề thi bằng "mời chuyên gia" sẽ khó khách quan - Ảnh 2.

TS. Hoàng Ngọc Vinh

Mặc dù phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD-ĐT có nhấn mạnh đề thi sẽ chú trọng đánh giá năng lực. Tuy nhiên, theo ông Vinh, Chương trình dạy học tích hợp nhưng phương án thi lại không thể hiện nội dung tích hợp… điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách dạy của giáo viên và mục tiêu dạy tích hợp bị mâu thuẫn. Chương trình một đằng, sách giáo khoa một nẻo và thi kiểm tra đánh giá cũng thiếu sự đồng bộ cần thiết.

Từ thực tế này, TS. Hoàng Ngọc Vinh đề xuất, để tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần làm một bài thi tổng hợp, chú trọng đánh giá năng lực người học như một số trường đại học đang tổ chức thi.

"Một chính sách thi cử tốt là chính sách khẳng định được mục đích của thi cử không phải dạy và học chỉ để thi", ông Vinh nói./.

Chia sẻ