Thi tốt nghiệp 2025: Thêm dạng câu hỏi trắc nghiệm, ngăn thí sinh 'khoanh bừa'

HÀ CƯỜNG - HIỂU LAM/VTC News,
Chia sẻ

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có thêm dạng câu hỏi trắc nghiệm mới nhằm giảm xác suất thí sinh khoanh ngẫu nhiên có điểm.

Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT nêu tại hội thảo công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chiều 11/3.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi sẽ bổ sung thêm các dạng trắc nghiệm mới, hạn chế một số nhược điểm của dạng trách nghiệm nhiều lựa chọn. Từ đó, xác suất có điểm cho thí sinh khoanh ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống 1,975 điểm (môn Toán), 2,35 điểm (Lý, Hóa, Sinh,…).

Dạng câu trắc nghiệm Đúng/Sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai. Về chấm điểm, thí sinh đúng 1/4 ý được 0,1 điểm, đúng 2 ý được 0,25 điểm, đúng 3 ý được 0,5 điểm và đúng tất cả 4 ý sẽ được 1 điểm. Dạng câu hỏi này giúp kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi. Kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phần loại rất cao.

Thi tốt nghiệp 2025: Thêm dạng câu hỏi trắc nghiệm, ngăn thí sinh 'khoanh bừa' - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị.

Dạng trả lời ngắn, gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Với môn Toán, mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm, còn các môn khác được 0,25 điểm. "Xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận", ông Hà nói.

Nhìn chung, cấu trúc đề thi 2025 giữ nguyên 40 lệnh hỏi (hầu hết các môn) nhưng sẽ giảm được số tờ giấy thi, giảm bớt được khối lượng công việc, giảm bớt rủi ro in ấn, ghép tờ đề thi.

Phó Cục trưởng cũng cho biết thêm, ngân hàng câu hỏi đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ được xây dựng và lựa chọn ngẫu nhiên từ đề khảo sát của Sở GD&ĐT, các trường THPT, thậm chí cả đề kiểm tra học kỳ của các em.

Từ 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số 9 môn, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới được Bộ GD&ĐT thử nghiệm tại các tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh tham gia.

Kết quả thử nghiệm cấu trúc định dạng đề thi được phân tích theo lý thuyết khảo thí cổ điển và hiện đại theo khuyến nghị của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ (ETS).

GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 trở đi tiếp tục xác định 3 mục tiêu chính: xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng học sinh qua 12 năm phổ thông và đủ độ tin cậy để các trường xét tuyển đại học.

Đây là nguyên tắc được duy trì từ năm 2013 đến nay theo tinh thần của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88 nhằm giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Cục trưởng cũng dẫn chứng số liệu về lượng thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học vẫn chiếm tỷ lệ sớm qua các năm. Đặc biệt, khối ngành Khoa học sức khỏe và nhiều ngành khác vẫn chủ yếu lấy điểm đầu vào từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Thi tốt nghiệp 2025: Thêm dạng câu hỏi trắc nghiệm, ngăn thí sinh 'khoanh bừa' - Ảnh 2.

Cục trưởng nhấn mạnh thêm, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tiếp tục thực hiện việc phân cấp, phân quyền giữa địa phương và trung ương, trong đó, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm việc ra đề, chuẩn bị hệ thống đăng ký cho thí sinh, ban hành quy chế và kiểm tra giám sát. Còn lại, địa phương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức, in sao đề thi, chấm thi và đảm bảo an ninh kỳ thi.

Đặc biệt, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi sẽ khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi nhiều ở các thành phố lớn, theo lộ trình tiệm cận dần thi đánh giá năng lực.

Chia sẻ