Thi thể em bé dạt vào bờ biển đúng ngày đầu năm mới, 6 tháng sau cảnh sát mới tìm ra danh tính cùng câu chuyện nghiệt ngã trên chiếc xuồng di cư
Sau khi phát hiện thi thể đứa trẻ, cảnh sát đã tiến hành thu thập mẫu ADN để xác minh danh tính và biết được câu chuyện đau lòng của một gia đình người di cư.
Theo hãng tin BBC, đúng ngày đầu năm mới, ngày 1/1/2021, 2 sĩ quan cảnh sát thuộc đội tuần tra cảnh sát biển Na Uy bất ngờ phát hiện thi thể của một đứa trẻ trôi dạt vào bờ biển phía Tây Nam của đất nước này, cụ thể là khu vực gần Karmoy, hạt Rogaland.
Cô Camilla Tjelle Waage, người phụ trách cuộc điều tra của cảnh sát, nói với BBC: “Chúng tôi không có thông tin báo cáo về một em bé mất tích nào ở Na Uy và cũng không có gia đình nào liên lạc với cảnh sát báo có trẻ mất tích".
"Bộ trang phục màu xanh lam trên người đứa trẻ cũng không phải là một thương hiệu của Na Uy. Điều đó có thể cho thấy đứa bé không đến từ Na Uy", cô nói thêm.
Sau khi phát hiện thi thể đứa trẻ, cảnh sát đã tiến hành thu thập mẫu ADN để xác minh danh tính. "Các chuyên gia lành nghề làm việc tại khoa Khoa học pháp y thuộc Bệnh viện Đại học Oslo đã nỗ lực làm việc để truy xuất và tìm ra mẫu ADN phù hợp", cảnh sát Na Uy cho biết. Và mới đây, họ đã xác định được danh tính đứa trẻ là Artin Iran-Nejad, 15 tháng tuổi.
Một cuộc tìm kiếm lớn đã được triển khai để tìm Artin sau khi chiếc thuyền di cư chở gia đình cậu bé bị lật và chìm ngoài khơi bờ biển thành phố Dunkirk (Pháp) vào ngày 27 tháng 10 năm 2020. Công tố viên ở Pháp đã mở cuộc điều tra về vụ tai nạn lật thuyền này.
Cha mẹ của Artin, anh Rasoul và chị Shiva, đều 35 tuổi, đã chết đuối cùng với con gái của họ Anita, 9 tuổi, và con trai Armin, 6 tuổi. Gia đình họ đến từ thành phố Sardasht ở miền Tây Iran, gần biên giới với Iraq. Chiếc xuồng ba lá chở đoàn người di cư (trong đó có gia đình cậu bé Artin) bị những con sóng cao hơn 4m lật úp. 15 người di cư khác đã được đưa đến bệnh viện, nhưng Artin và 2 người lớn khác vẫn mất tích sau khi cuộc tìm kiếm bị đình chỉ. Đến ngày đầu năm 2021, người ta lại tình cờ tìm thấy cậu bé ở bờ biển Na Uy.
Được biết, gia đình người Kurd này đã rời khỏi nhà của họ ở Sardasht, miền Tây Iran vào ngày 7 tháng 8 năm 2020. Họ đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ý trước khi đến một trại tị nạn tạm bợ trong rừng Puythouck ở Grande-Synthe, gần thành phố biển Dunkirk (Pháp).
Cha mẹ của Artin được cho là đã mất nhiều thời gian đắn đo xem liệu có nên tiếp tục hành trình trên biển đầy nguy hiểm để đến Anh hay không. Những dòng thư cuối cùng mà chị Shiva gửi cho người thân ở quê nhà khiến nhiều người không khỏi xót xa. Trong thư, chị Shiva kể về việc họ biết chắc rằng mình có thể không đến được nơi cần đến nhưng "không còn lựa chọn nào khác" .
Một lá thư viết: "Nếu chúng tôi muốn đi bằng xe tải, chúng tôi có thể cần thêm tiền mà tiền thì chúng tôi không có".
Shiva cũng viết: "Tôi có cả ngàn nỗi buồn trong tim và bây giờ khi tôi đã rời Iran, tôi muốn quên đi quá khứ của mình".
Ngày 7/6 vừa qua, cảnh sát Na Uy cho biết hài cốt của cậu bé Artin sẽ được đưa về Iran để chôn cất. Những người thân nơi quê nhà cảm thấy đau đớn khi không biết chuyện gì đã xảy ra với Artin nhỏ bé tội nghiệp trong suốt hơn 7 tháng.
Những người ở trại tị nạn cho biết họ đã khuyên ngăn gia đình cậu bé Artin đừng bước lên chiếc xuồng ba lá nhỏ bé, mong manh đó.
Anh Farhad Shekari, 28 tuổi, người đã định vượt biên cùng gia đình Artin, kể với The Times: "Tôi đã nói với mọi người rằng đừng lên thuyền. Tôi nói rằng nó quá nguy hiểm". Nhưng theo Farhad, những kẻ buôn lậu độc ác đã buộc những người di cư phải lên thuyền, nhồi nhét người chật cứng trên chiếc thuyền.
Farhad cho biết thêm: "Hắn ép mọi người lên thuyền. Hắn liên tục nói đi, đi, đi... Những kẻ buôn lậu chỉ quan tâm đến một thứ duy nhất và đó là tiền".
Một người đàn ông khác sống cạnh căn lều dành cho 2 người trong rừng của gia đình kể lại việc cặp vợ chồng đã vật lộn với quyết định này như thế nào.
Ahmed, 30 tuổi, cho biết: "Đêm cuối cùng trước khi họ rời đi, người cha đã lo lắng cho tính mạng của những đứa trẻ. Tất cả họ đều tuyệt vọng và khóc. Anh Rasoul đã nói với tôi rằng anh ấy muốn hòa bình, anh ấy không muốn phải sống trong sợ hãi suốt cả cuộc đời như vậy nữa. Vợ chồng anh ấy chỉ muốn cho con mình được đi học ở Anh và có một cuộc sống tốt hơn".
Theo báo cáo, gia đình anh Rasoul đã trả cho những kẻ buôn lậu hơn 21.000 bảng Anh (hơn 600 triệu đồng) sau khi bán tất cả tài sản và vay mượn họ hàng.
Anh trai của Rasoul, Khalil, cho biết anh đã khuyên ngăn em trai đừng đi nhưng không được, tờ Telegraph cho hay.
Khalil nói: "Chúng tôi nài nỉ em trai đừng cố vượt biên bằng thuyền. Nó nhất quyết đi. Rồi nó gọi điện về kể với tôi rằng có những đợt sóng biển khổng lồ. Nếu nó biết nguy hiểm như thế, nó đã không bao giờ liều lĩnh như vậy". Khalil cho biết ban đầu em trai anh đã cố gắng đi Đức hoặc Thụy Sĩ, nhưng sau đó đã thay đổi ý định mà không rõ lý do.
Tại một trại tị nạn ở Dunkirk, một người tị nạn khác tên Bilal Gaf, cho biết gia đình Artin đã ở gần lều của anh trong 3-4 ngày trước khi họ rời đi, và mô tả Artin gây ấn tượng nhất trong số những người ở đó.
"Đó là một đứa trẻ rất hạnh phúc", anh Bilal nói và khoe những bức ảnh mình chụp với Artin. "Mọi người đều rất buồn, nhưng chúng tôi có thể làm gì? Không làm gì được cả. Chỉ khóc mà thôi".
Hàng nghìn người tị nạn đã đánh cược cuộc sống của gia đình họ vào tay những kẻ buôn lậu và tìm đường đến châu Âu mỗi năm. Khu vực của người Kurd ở Iran đã phải đối mặt với cả sự đàn áp chính trị và sự chênh lệch lớn về kinh tế.
Có khoảng 25 đến 35 triệu người Kurd sống ở một vùng núi nằm giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran và Armenia. Họ là nhóm dân tộc lớn thứ 4 ở Trung Đông.
Nguồn: BBC