Thí sinh có bị thiệt thòi vì đáp án Ngữ văn!
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố đáp án môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cho rằng thí sinh sẽ thiệt thòi vì thang điểm chưa phù hợp, đáp án chưa chặt chẽ, khoa học.
Theo TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (TP. Hà Nội), câu 3 phần đọc hiểu là câu hỏi thông hiểu kết hợp vận dụng, đòi hỏi thí sinh áp dụng những trải nghiệm thực tế và văn chương, thể hiện cách hiểu, cảm xúc riêng. Câu hỏi mang tính mở, đồng nghĩa với việc chấp nhận cách hiểu đa dạng, khác biệt ở mỗi thí sinh.
Tuy nhiên, đáp án lại đóng kín với 3 ý: "Dòng chảy của nước chậm rãi, hiền hòa/ Cuộc sống của con người thanh bình, yên ả/ Dòng chảy của nước và cuộc sống con người gắn bó, hài hòa!". Với đáp án này, có thể nhận thấy nghịch lý giữa câu hỏi và đáp án trên. Câu hỏi đưa ra đoạn văn gợi tả sự thanh bình yên ả của nước và cuộc sống, tuy nhiên trong thực tế, cuộc sống, dòng sông luôn là sự tiếp nối giữa êm đềm và ghềnh thác.
Tại TP.HCM, công tác chấm thi môn ngữ văn bắt đầu từ ngày 12/7. Giáo viên một trường THPT tại quận Bình Thạnh tham gia chấm thi cho biết, qua ngày đầu chấm thi, phổ điểm môn Văn rất đa dạng, tập trung điểm 6, 7. Gần như ở câu 3 và 4 phần đọc - hiểu, rất ít học sinh được trọn điểm. Theo giáo viên này, "Sóng" là bài dễ nên nếu thí sinh có ý trong bài là đã có điểm, vì vậy có thể dự đoán điểm dưới trung bình môn văn năm nay sẽ không nhiều. Giáo viên cũng hy vọng điểm giỏi nhiều hơn năm ngoái.
Một giáo viên chấm thi khác cho biết nguyên tắc là tôn trọng đáp án, nhưng trong hướng dẫn chấm, giáo viên được khuyến khích linh hoạt, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Do đó, nếu học sinh lập luận hợp lý vẫn có điểm.