Thêm trường hợp viêm não mô cầu thứ hai tại Hà Nội
Hà Nội lại có thêm trường hợp thứ hai bị viêm não mô cầu. Đây căn bệnh nguy hiểm tỉ lệ tử vong nhanh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Ngày 4/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân nam, 24 tuổi ở Quốc Oai, được xác định mắc não mô cầu.
Bệnh nhân là Nguyễn Văn V (24 tuổi, ở xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội), làm việc tại một công trường xây dựng. Đây là trường hợp thứ 2 tại Hà Nội mắc bệnh viêm não mô cầu chỉ trong vòng mấy ngày qua.
Trước khi vào viện 4 ngày, theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân có biểu hiện sốt 38,5 độ, đau đầu, đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai thì có biểu hiện hoa mắt, mắt tối sầm, nghi viêm não và lập tức được chỉ định chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu. Tại đây Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kết quả nuôi cấy dịch não tủy cho thấy bệnh nhân bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu. Bệnh nhân được điều trị cách ly theo phác đồ điều trị bệnh não mô cầu.
Chiều 4/3, ngay khi có kết quả chẩn đoán bệnh nhân mắc viêm não mô cầu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chủ động thông báo tới Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội về ca bệnh này để triển khai phòng bệnh tại cộng đồng theo đúng quy định phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Bệnh nhân Vượng đang được điều trị tích cực (Ảnh: T.Long)
Bác sĩ Cấp cho biết, số ca bị không nhiều nhưng do não mô cầu là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt có thể lây lan qua đường hô hấp nên căn bệnh này luôn được cảnh báo nguy hiểm.
Đặc biệt với thể nhiễm khuẩn huyết viêm màng não mủ có thể gây diễn biến tối cấp, làm bệnh nhân tử vong ngay trong 24 giờ khởi bệnh khiến bác sĩ đôi khi chưa kịp chuẩn đoán, chưa kịp điều trị thì bệnh nhân đã tử vong.
“Vi khuẩn gây não mô cầu cư trú tại vùng hầu họng người bệnh. Khi tiếp xúc, nói chuyện vi khuẩn có thể theo các giọt nước bọt bắn ra ngoài lây truyền cho người xung quanh. Vì thế, hầu hết người tiếp xúc gần bệnh nhân đều phải uống thuốc dự phòng.
Chưa kể, bình thường vi khuẩn não mô cầu có thể tồn tại ở vùng hầu họng người lành mang trùng mà không phát bệnh, bất ngờ gây bệnh khi có điều kiện nên các bác sĩ khuyến cáo mọi người có thể ngăn ngừa chủ động căn bệnh này bằng vắc xin”, bác sĩ Cấp phân tích.
Ths. BS Nguyễn Trung Cấp (Ảnh: T.Long)
Theo BS Phạm Văn Phúc, khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện bệnh nhân đã hồi phục tốt song cần tiếp tục được cách ly theo dõi thêm trong 1 vài ngày tới. Toàn bộ người nhà, người thân của bệnh nhân có tiếp xúc gần với bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân hàng ngày đều đã được bệnh viện cho uống kháng sinh dự phòng.
Trước đó, ngày 3/3, Hà Nội cũng ghi nhận ca mắc não mô cầu đầu tiên.Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã thông báo các đơn vị liên quan để khoanh vùng, giám sát khoảng 27 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, dùng kháng sinh dự phòng
Theo lãnh đạo Trung Tâm Y tế dự phòng Hà Nội viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Từ năm 2011 đến 2015 tại Hà Nội ghi nhận 15 trường hợp mắc não mô cầu, trong đó 5 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc là tản phát, riêng lẻ, không có ổ dịch lớn. Mỗi năm khoảng từ 1-6 bệnh nhân.
Căn bệnh buộc phải cách ly rất nghiêm ngặt (Ảnh: T.Long)
Để chủ động phòng bệnh viêm màng não mô cầu, mọi người cần thực hiện:
Tiêm vắc xin phòng bệnh: Hiện nay có nhiều loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, nhưng mỗi loại chỉ phòng được 1 số típ vi khuẩn gây bệnh nhất định. Vắc xin cũng chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên khi có nhu cầu tiêm chủng vắc xin này mọi người cần đến các phòng tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm phòng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn mũi họng.
Tránh làm việc quá sức, tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị mắc bệnh, nếu không bắt buộc phải dùng khẩu trang và thuốc dự phòng.