Thêm series chương trình mới dành cho phụ huynh và học sinh: Từ bế tắc trong học tập đến những phương pháp mới lạ, hiệu quả
Chương trình giới thiệu những phương pháp học tập mới vô cùng hiệu quả, giúp các em chủ động hơn trong việc học.
Hiện nay nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh THPT đang mất dần hứng thú học tập, cảm thấy chán chường và thờ ơ với việc học. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, một phần do tâm lý lứa tuổi dễ xao động, kém tập trung; một phần đến từ cách học tập còn thụ động, học sinh vẫn có tâm lý đọc – chép…
“Học sao cho tốt” là series chương trình truyền hình thực tế dành cho các em học sinh THCS và THPT trên kênh VTV7. Chương trình giới thiệu những phương pháp học tập mới vô cùng hiệu quả, giúp các em chủ động hơn trong việc học.
“Học sao cho tốt” bao gồm 12 số, mỗi số của chương trình sẽ tập trung khắc họa câu chuyện của một bạn học sinh với những vấn đề rắc rối trong việc học. Đồng hành cùng mỗi bạn học sinh là sự xuất hiện của một “Người bạn học tập” – người đóng vai trò tiếp nhận những băn khoăn, trăn trở và tìm ra những hướng tiếp cận kiến thức phù hợp với từng bạn học sinh.
Không giảng dạy kiến thức như một giáo viên cá nhân, những “Người bạn học tập” thân thiện mang đến sự định hướng, khơi gợi cảm hứng học tập với các phương pháp thông minh của chương trình, tháo gỡ những trở ngại về tâm lý và cách thức tiếp cận kiến thức của các bạn học sinh.
Ngọc Mai, học sinh trường THPT Marie Curie, rất sợ học Toán nhưng vì áp lực của bố mẹ cho rằng chỉ học Toán sau này mới thành công, em càng thấy Toán là một cực hình.
Trái ngược với Mai, Đình Khoa, học sinh lớp 9A6 – trường THCS Nguyễn Tri Phương rất thích học Toán. Tuy nhiên, Khoa lại tự áp lực chính mình làm mọi cách để vào được lớp chuyên Toán ở THPT. Vì quá gây áp lực nên Khoa đánh mất sự hứng thú học tập, thay vào đó chỉ tập trung đối phó được với càng nhiều dạng đề càng tốt để giành được điểm cao trong kì thi chuyển cấp.
Mai Hương - học sinh trường PTTH Thảo Nguyên, Mộc Châu, Sơn La. Mai Hương sống với mẹ trong một ngôi nhà nhỏ nằm trên đồi. Hàng ngày, ngoài đi học, em phải phụ giúp mẹ việc đồng áng và đi làm thêm nhằm kiếm thêm thu nhập. Chính vì vậy, Hương không có nhiều thời gian dành cho việc học. Cô bạn đã tìm đến chương trình với mong muốn có thể cải thiện môn tiếng Anh, mai sau tìm được một công việc tốt, đỡ đần cho mẹ.
“Học sao cho tốt” đã nhận được sự cố vấn của Giáo sư Haruo Kurokami đến từ trường Đại học Kansai, Nhật Bản. Ông cũng chính là người đã đưa ra Thinking tools – một trong những phương pháp học tập quan trọng được giới thiệu trong chương trình. Thinking tools là bộ công cụ nhằm trợ giúp việc phát triển tư duy, bao gồm những biểu đồ đa dạng như biểu đồ xương cá, sứa, cánh bướm… Mỗi biểu đồ sẽ mang lại những hiệu quả và cách sử dụng riêng với từng môn học.
Thông qua việc sử dụng biểu đồ phát triển tư duy, các bạn học sinh sẽ có những cách tiếp cận khoa học, logic hơn với kiến thức mới, đồng thời khả năng ghi nhớ và vận dụng bài học cũng sẽ được nâng cao.
Chương trình còn có sự cố vấn chuyên môn của các thầy cô giáo cho từng môn học, chính là những thầy cô đã rất quen thuộc với khán giả truyền hình qua chương trình “Chinh phục kỳ thi” như thầy Nguyễn Thành Nam – môn Vật lý hay cô Tạ Thị Thanh Hiền – môn Tiếng Anh.
Chương trình Học sao cho tốt phát sóng vào lúc 16h chủ nhật hàng tuần trên VTV7.
Mặc dù mới chỉ ra đời từ năm 2016 nhưng VTV7 đã có những series chương trình gây tiếng vang trong xã hội như series “Cha mẹ thay đổi”, “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, “Đường tới trường”, “IELTS Face-off”, “Trường teen”...