Bếp... mẫu. Đó là loại bếp để trưng không bán tại các cửa hàng. Còn tại gia, thì đó là loại bếp để... các bà chủ nhà hãnh diện khi bà hàng xóm, bà bạn cũ lé mắt, lè lưỡi: “Cái này mô-đen mới hả, nhà tui chưa có”. Niềm kiêu hãnh của bà chủ bếp phần lớn là từ cái bếp, chứ không phải vì khả năng nội trợ.
Trong một cuộc phỏng vấn về chủ đề “Bếp”, chúng tôi đã ghi nhận được ý kiến của nhiều bà chủ gia đình. Phần lớn, họ không phủ nhận cái bếp là nơi tỏa ra “hơi ấm” gia đình, bay ra các “mùi” hương hạnh phúc. Nhưng họ cũng lý giải lý do vì sao họ ít vào bếp.
Bà Trần Thị Nhàn - nhân viên tiếp thị công ty sản xuất giấy: “Cứ đứng trong bếp là tui chóng mặt. Nồi niêu xoong chảo như có chân, chúng làm tôi hoa cả mắt. Đi làm về mệt, chỉ muốn nằm nghỉ, xem tivi, đọc báo... Hơn nữa, ngán hơn cả nấu, là dọn dẹp sau khi ăn. Ông xã lười biếng lắm, ăn xong biến lên mạng ngay... chỉ có một mình tôi è cổ ra dọn. Thằng con trai của tôi lên 10 tuổi, toàn thích ăn đồ Tây: Ham-bơ-gơ, Pi-za, gà rán... như người nước ngoài nên tui càng khỏe.
Nhưng, nói thiệt, tui hơi mệt phần ông xã. Ổng ấy đã quen tật đi nhậu với bạn bè. Ban đầu, tui đỡ cực lắm, không nấu cơm, chẳng thấy áy náy gì. Bây giờ, thì tình hình hơi phức tạp rồi. Có khi cả tháng, hai vợ chồng không nói chuyện. Lâu lâu, có gì gấp, tụi tui nhắn tin, gọi điện cho nhau... giống như hai người ở chung nhà trọ, không ăn chung, nên dần dần cũng chẳng ngủ chung. Khổ là bây giờ tui có bày ra nấu thì ổng cũng chẳng về nhà dùng cơm. Trong cái khỏe, cũng có cái hơi lo...”.
Bếp luôn là nơi "hâm nóng" tình cảm vợ chồng.
Khi xây nhà, bà Lê Kiều Liên cũng ưu tiên cho gian bếp vì suy nghĩ nhà mình ít khách, phòng khách không cần lớn, ngược lại bếp và phòng ăn sẽ sử dụng nhiều hơn. Căn nhà hoàn thành, bà hài lòng với bếp gas đời mới, lò vi-ba, bộ nồi thủy tinh sang trọng... Nhưng gian bếp đẹp chỉ may ra đỏ lửa mỗi tuần 1 lần, vì bà... không đủ thời gian để chợ búa cơm nước.
Mỗi sáng, vợ chồng con cái túa ra khỏi nhà ăn tiệm, trưa có cơm hộp mang đến cơ quan, Còn buổi tối, về nhà mệt lử, bà mua quách thức ăn nấu sẵn về bỏ vô lò vi-ba là xong. Bà cho biết: “Bây giờ, chuyện ăn uống không nên quá quan trọng, phụ nữ cứ cắm đầu vào bếp, lạc hậu chết, còn đâu sức để tiến bộ, để cùng chia sẻ với chồng con”.
Một hôm, bà hay tin động trời, ông xã bà thường xuyên đến nhà bồ nhí ăn cơm chứ không phải đi nhậu. Bà vô cùng “sốc”, không thể tin bởi mỗi tháng, ông đều đặn nộp hết lương cho vợ, quan hệ gối chăn cũng bình thường, vợ chồng không hề cãi nhau. Bà vợ tra mãi, ông chồng mới bật ra: “Cô ta nấu cơm ngon, sạch sẽ mà an toàn vệ sinh hơn cơm hàng cháo chợ, mỗi lần đến ăn cơm, tui có một cảm giác ấm cúng...”.
Còn bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, kế toán của một công ty in thì đang rầu rĩ vì chuyện con gái sắp đi lấy chồng mà chẳng biết nấu nướng gì, nhưng bà đâu dám trách con vì bà cũng chẳng hơn gì cô con gái. Ông xã bà đi công tác liên miên, nên mẹ con bà ăn qua quýt cho xong bữa. Hai năm nay ổng về hưu, ở nhà suốt, vợ chồng lục đục hoài vì bà không quen vào bếp, nấu gì chồng cũng chê. Bà vợ tự ái: “Mạnh ai nấy lo cái bao tử của mình. Ông nấu đi!”. Đúng là, các bà vợ khỏe được tay chân, chưa chắc đã vui cái bụng. Cái bếp không đỏ lửa cũng sinh ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến gia đình. Về phần các ông chồng, khi được phỏng vấn, trả lời rất ngắn gọn: “Vợ nấu thì tui ăn ở nhà, nếu không thì ra quán. Dễ tính mà!”.
Đấy, các bà vợ luôn là tổ trưởng trong chuyện xây tổ. Những bà biết quan tâm và chăm sóc chồng con cũng là những người biết yêu cái bếp. Cái bếp đỏ lửa là hình ảnh của một gia đình sum họp, nên các bà vợ đừng để cái bếp... lạnh ngắt, bởi có ngày lạnh luôn cả tình cảm vợ chồng.
Theo Tuổi trẻ