Thêm nhiều trận động đất ở Mộc Châu, đề nghị người dân gia cố nhà cửa
Sáng nay, trận động đất thứ 28 xảy ra tại Mộc Châu, sau trận động đất mạnh 5.3 độ gây rung chấn ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Chuyên gia khuyến cáo người dân sống ở Mộc Châu và vùng lân cận cần gia cố nhà cửa vì dư chấn sẽ tiếp tục xảy ra.
Trận động đất trưa 27/7 khiến hàng trăm nhà dân tại Mộc Châu bị hư hại. Ảnh: báo Tuổi trẻ.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, vào 4 giờ 26 phút 47 giây (giờ Hà Nội) sáng nay (5/8), một trận động đất có độ lớn 3.2, độ sâu chấn tiêu khoảng 9.8 km xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là trận động đất thứ 28 xảy ra tại khu vực này sau trận động đất chính trưa ngày 27/7.
Hôm qua, một trận động đất có độ lớn 3.2 cũng xảy ra tại khu vực này. Trước đó, vào Chủ Nhật (3/8), 3 trận động đất liên tiếp xảy ra ở Mộc Châu. Trong đó đáng lưu ý có trận động đất lúc 17 giờ 16 phút 3 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 4.0, độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km.
Như vậy, kể từ sau trận động đất mạnh nhất 5.3 độ trưa ngày 27/7 gây rung chấn nhiều nơi, Mộc Châu đã liên tiếp đón nhận hàng chục dư chấn có độ lớn khác nhau.
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần nhận định, sẽ vẫn còn nhiều dư chấn xảy ra tại khu vực này sau trận động đất mạnh 5.3 độ. Vì vậy, Trung tâm khuyến cáo người dân sống tại Mộc Châu, Sơn La cần tiếp tục gia cố, chằng chống nhà cửa, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do động đất gây ra.
TS Xuân Anh cũng khuyến cáo địa phương cần tổng rà soát đánh giá các công trình, hồ đập trên địa bàn huyện Mộc Châu và vùng lân cận để có giải pháp xử lý nhằm tăng khả năng chống chịu trước các trận động đất liên tiếp.
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Cao Đình Triều, Viện Vật lý địa cầu cho rằng, Mộc Châu cùng với 4 khu vực khác là Mường Tè, Lai Châu, Tuần Giáo, Yên Châu có nguy cơ phát sinh động đất mạnh trên khu vực bậc thang thủy điện sông Đà.
Dưới lòng Mộc Châu là nơi hoạt động của đới đứt gãy sông Đà. Có nghiên cứu chỉ ra động đất cao nhất ở đây là 5,5 độ nhưng cũng có nghiên cứu chỉ ra, động đất mạnh nhất có thể tới 6,3-6,5 độ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đều cho rằng, khu vực này đang trong chu kỳ hoạt động mạnh của động đất. Tại Mường Tè, thời gian qua cũng xảy ra liên tiếp nhiều trận động đất, trong đó trận động đất mạnh 4,9 độ ngày 16/6 cũng gây hư hại một số công trình.
Mộc Châu cũng nằm trong khu vực Tây Bắc, là nơi đang trong chu kỳ hoạt động mạnh của động đất đồng thời là nơi có động đất mạnh nhất Việt Nam từng ghi nhận. Tại đây từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6.9 tại lòng chảo Điện Biên. Năm 1983, xảy ra trận động đất 6.7 độ tại thị trấn Tuần Giáo và năm 2001, xảy ra trận động đất 5.3 độ tại thành phố Điện Biên Phủ.
Các chuyên gia khuyến cáo tại những nơi có hoạt động đất mạnh như Tây Bắc, trong quá trình xây dựng, cần quan tâm đến yếu tố kháng chấn để hạn chế thiệt hại khi xảy ra động đất. Hiện nay, điều kiện khoa học kỹ thuật của thế giới cũng như trong nước không thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất.