Thêm một thứ vào máy giặt, quần áo sẽ hạn chế bị tĩnh điện mùa đông: Đơn giản nhưng không phải ai cũng biết
Quần áo bị tĩnh điện gây ra cảm giác "điện giật" là hiện tượng mà nhiều người gặp phải vào mùa đông, vô tình gây bất tiện trong cuộc sống.
Vào những ngày mùa đông, trời lạnh, kèm với thời tiết hanh khô, bên cạnh cảm giác khô rát, hiện tượng nhiều người gặp phải, vô tình gây bất tiện trong cuộc sống chính là hiện tượng "điện giật". Cụ thể, hiện tượng này xảy ra khi 2 bề mặt cọ xát với nhau và có sự mất cân bằng điện tích. Ví dụ như khi con người vô tình chạm vào các đồ vật làm từ kim loại, len hay bông... Hiện tượng hơi giật nhẹ như giật điện hay tiếng kêu "tách" sẽ xuất hiện.
Như đã nói ở trên, dù không ảnh hưởng tới sức khỏe hay nguy hiểm cho con người nhưng phần nào hiện tượng điện giật này vào mùa đông cũng ảnh hưởng phần nào tới cuộc sống sinh hoạt. Các chuyên gia cho biết, để khắc phục phần nào tình trạng trên, người dùng có thể thực hiện những bước xử lý đơn giản với những bộ trang phục hàng ngày, đặc biệt là những món đồ len, bông thường mặc vào mùa đông.
Đơn giản và dễ thực hiện nhất đó chính là dùng nhiều nước xả vải hơn trong chu trình giặt giũ. Cleanpedia, chuyên trang của Unilever giải thích, tác dụng của nước xả vải là làm mềm, bôi trơn sợi vải, ngăn các bề mặt bám dính vào nhau. Từ đó sẽ giảm tình trạng khô cứng, ngăn chặn hiện tượng các bề mặt bám dính với nhau, hạn chế cọ xát gây nhiễm tĩnh điện.
Bên cạnh dùng thêm nước xả vải, người dùng cũng có thể tham khảo sử dụng, cho thêm các loại khăn giấy chống tĩnh điện chuyên biệt, baking soda hoặc giấm vào chu trình giặt; hoặc trang bị các bình xịt chống tĩnh điện, xịt lên quần áo trước khi mặc. Trang WikiHow cũng gợi ý thêm, gắn thêm một chiếc kim băng vào quần áo hay dùng mắc quần áo kim loại chà xát vào quần áo cũng giúp giảm thiểu tình trạng tĩnh điện. Lúc này điện tích trên vải sẽ chuyển trang các vật dụng này.
Cài kim băng hoặc chà xát quần áo với mắc áo kim loại cũng giúp giảm thiểu tình trạng tĩnh điện, theo WikiHow khuyên (Ảnh WikiHow)
Các biện pháp chống tĩnh điện khác trong nhà
Bên cạnh các biện pháp áp dụng với quần áo, trang phục hàng ngày vào mùa đông, người dùng có thể tham khảo thêm một số phương pháp áp dụng với ngôi nhà để hạn chế hiện tượng tĩnh điện. Dưới đây là một số hướng dẫn đến từ chuyên trang WikiHow.
Đầu tiên đó là gia tăng độ ẩm trong nhà. Hiện tượng tĩnh điện sẽ dễ xảy ra hơn khi không khí khô, đặc biệt với những gia đình sử dụng các thiết bị sưởi trong các ngày rét đậm. Không khí khô không chỉ gây ra hiện tượng tĩnh điện mà còn khiến da, tóc, mũi, họng các thành viên trong gia đình cũng bị ảnh hưởng, bị khô rát, khó chịu. Chính vì vậy, tốt hơn hết các gia đình có thể gia tăng thêm độ ẩm trong không gian nhà, không gian phòng. Có thể trang bị các thiết bị như máy tạo ẩm, máy phun sương hay đơn giản là đặt thêm chậu nước, tươi cây trong nhà...
Phương pháp thứ 2 áp dụng với những gia đình có thảm, đặc biệt là những tấm thảm lớn. Những tấm thảm làm từ chất liệu len hay lông mang điện tích lớn vì vậy vô tình làm gia tăng khả năng xảy ra hiện tượng "điện giật" trong nhà. Vì vậy hãy phun lên bề mặt thảm chất chống tĩnh điện. Việc làm này sẽ giúp ngăn điện tích tích tụ trong vật dụng.
Thứ 3 đó là bản thân mỗi người tự dưỡng ẩm cho chính cơ thể mình. Không chỉ không gian cần được "bù ẩm" mà khi cơ thể người cũng được bù ẩm, hiện tượng tĩnh điện cũng sẽ được hạn chế. "Da khô là một yếu tố góp phần tạo tĩnh điện và hiện tượng điện giật, vì vậy việc dùng dưỡng ẩm sẽ giúp ngăn ngừa tĩnh điện tích lại trên cơ thể người cũng như trong chính ngôi nhà của bạn", WikiHow khẳng định.
Tổng hợp