Thế hệ siêu giàu thứ hai tại Trung Quốc: Có tiền có sướng không?
Nhắc đến giới siêu giàu của Trung Quốc, người ta sẽ nghĩ đến đám cậu ấm cô chiêu đốt tiền phá của. Nhưng ít ai biết rằng họ cảm thấy như thế nào về cuộc sống và cái bóng quá lớn của bố mẹ.
Chẳng phải động tay động chân, chẳng cần đầu tắt mặt tối mỗi ngày, công việc chính chỉ là mua xe, mua quần áo, rong chơi ở các câu lạc bộ xa xỉ, vung từng xấp tiền lên những chai rượu Whisky đắt tiền nhất, tiền bạc để tiêu thì đã có bố mẹ lo. Những người này được gọi là các "phú nhị đại", hay còn có cái tên đơn giản hơn là Thế hệ siêu giàu thứ 2 ở Trung Quốc.
Nếu để mô tả về các phú đại nhị này, chúng ta có thể sử dụng hình ảnh Paris Hilton trước đây để thay thế. Thừa hưởng số tài sản khổng lồ từ bố mẹ để lại, chuyện tích cóp tài sản cho một cuộc sống sung túc trong tương lai là một khái niệm quá xa vời đối với những phú đại nhị này. Nhìn chung, người dân Trung Quốc chẳng ai ưa nổi giới cậu ấm cô chiêu giàu không để đâu hết này. Họ có cái lý của họ. Trung bình mỗi tháng có không ít các vụ bê bối mà nhân vật chính thuộc cộng đồng này. Họ tận hưởng cuộc sống theo một cách trọn vẹn nhất, bằng những bữa tiệc xa xỉ, đốt tiền vào siêu xe, casino, hoặc nhiều trò lố bịch.
Giới siêu giàu thứ 2 đốt tiền qua ngày tạo niềm vui.
Thế giới đã từng xôn xao vì con trai của một đại gia hàng đầu Trung Quốc mua cho chó cưng của mình hai chiếc Apple Watch màu vàng, phiên bản đắt tiền nhất. Đấy, nghe thế có khó chịu không? Chưa kể, rất nhiều phú đại nhị đến từ các gia đình có bố mẹ là quan chức tham nhũng, biến chất. Vô hình trung, trong mắt người ta, đám cậu ấm cô chiêu này chỉ là đám phá gia chi tử của lớp quan chức nhũng nhiễu.
Không phải chỉ mình người dân là có thái độ kì thị giới phú đại nhị trẻ tuổi này. Chính phủ Trung Quốc coi cộng đồng các tiểu đại gia là một nguy cơ về kinh tế quốc gia và thậm chí là cả về mặt chính trị. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã phải lên tiếng khuyên nhủ thế hệ siêu giàu thứ hai này hãy nghĩ về tài sản của nhà mình từ đâu mà có, hay cách sống như những người tài giỏi có tiền thực sự.
Chú cún của một phú đại nhị nổi tiếng được sở hữu tới 2 chiếc Apple Watch phiên bản vàng.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, có nhiều tiền như vậy, cuộc sống của những phú đại nhị này có thật sự là chốn thiên đường khiến bao người ao ước hay không?
Wang Daqi, 30 tuổi là con của một nhà tư vấn kinh tế nổi tiếng tại Trung Quốc. Anh này từng xuất bản một cuốn sách về những đứa trẻ sống trong nhung lụa từ khi mới lọt lòng, về một cuộc sống không chỉ có đồng tiền mà còn là nước mắt. Nhưng Wang vẫn không rõ, rằng nhà xuất bản tiếp nhận cuốn sách của anh là vì nội dung của nó hay thật sự, hay là vì danh tiếng của cha Wang. Các thiếu gia thường xuyên bị nghi ngờ khả năng thật sự của họ, kể cả họ có tài, người ta cũng sẽ cho rằng thành công đến với họ chỉ vì mớ tài sản kếch xù và danh tiếng của bố mẹ mà thôi.
Tiếp theo, hầu hết các phú đại nhị đều có chung một vấn đề, đó là mối quan hệ với bố mẹ mình, cũng chính vấn đề này đã tạo ra di chứng tâm lý cho các cậu ấm cô chiêu sau này, đẩy họ vào con đường sử dụng tiền bạc để tìm niềm vui khuây khỏa. Thông thường, giới siêu giàu đầu tiên tại Trung Quốc được sinh ra trong thời Cách mạng Văn hóa, họ rất duy lý và có phần vô cảm.
Có tiền bạc, có của cải nhưng các phú đại nhị không có được tình thương yêu.
Những cậu ấm thường rất khó để gần gũi với bố mẹ mình, bởi thay vì tình cảm thân thương, bố mẹ cho họ của cải vật chất dồi dào. Cũng chính vì vậy, thế hệ siêu giàu thứ 2 buộc phải tìm đến nguồn tình cảm từ các thú vui như bar sàn, rượu bia và chất kích thích, cốt để quên đi nỗi đơn côi mình đang nếm trải. Từ nhiều sự kiện trong đời, họ hình thành cho mình tính đề phòng, khó tin tưởng bất cứ ai. Chỉ khi ngồi cùng một nhóm những kẻ có cùng hoàn cảnh với nhau, từng tâm sự sâu kín nhất, những giọt nước mắt mới bắt đầu tuôn ra.
"Họ có vấn đề về sự tin tưởng. Họ cần một nơi để có thể cùng trò chuyện với nhau. Tổ chức Relay đã thiết lập một buổi để những thanh niên siêu giàu có thể cùng nhau tâm sự, giống như một trung tâm phục hồi nhân phẩm vậy", Wayne Chen, một thiếu gia 32 tuổi ở Thượng Hải cho biết.
Các phú đại nhị đều có nỗi buồn riêng của chính mình.
Hiệp hội những nhân vật ưu tú Trung Quốc Relay là một tổ chức được tạo ra bởi chính cộng đồng thiếu gia nước này, thành lập từ năm 2008 để giúp các phú đại nhị trong nước gặp gỡ giao lưu. Phí gia nhập tổ chức này là 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) và điều kiện tham gia là gia đình thành viên phải trả thuế thường niên mỗi năm cho nhà nước tối thiểu là 50 triệu Nhân dân tệ.
Nội dung của tổ chức là khiến cộng đồng phú đại nhị trở nên tốt đẹp hơn, xứng đáng là thế hệ hậu bối ưu tú của giới siêu giàu thứ nhất. Thành viên của Relay cũng tự động bỏ chữ "phú" trong danh xưng phú đại nhị của chính mình, sử dụng một danh xưng khác là "sáng đại nhị" để nói lên mục tiêu sẽ tiếp tục phát triển quy mô tài sản sẵn có của gia đình và làm một người kế vị đúng nghĩa.