Thế giới thay đổi sau bức hình cái chết của cậu bé Syria
Chỉ một tuần trước khi bức ảnh chụp xác cậu bé Aylan Kurdi bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, báo chí phương Tây vẫn còn đang trang cãi liệu có nên gọi những người chạy khỏi những cuộc chiến đẫm máu ở Bắc Phi là "dân di cư" hay không. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ ngày 3/9.
Trong mắt nhiều người dân châu Âu và cả Bắc Mỹ, cuộc khủng hoảng người nhập cư tại châu Âu vào thời điểm trước bức ảnh "thi thể em bé Syria bên bờ biển" vẫn chỉ dừng lại ở những con số, báo cáo, những bộ ảnh chụp cuộc sống nghèo nàn của họ trong các trại tị nạn, hay đơn thuần chỉ là các cuộc tranh cãi chính sách ở tầm nguyên thủ quốc gia.
Phía Áo và Đức cũng tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư, chuẩn bị sẵn xe và tàu để đưa họ đến được Munich (Đức). Tại nhiều ga đến, họ thậm chí còn được đón tiếp trong các tràng pháo tay của người dân địa phương chào mừng họ đến với Đức.
Bức ảnh về cái chết của Aylan đã gây rúng động dư luận quốc tế.
Nhưng khi tấm hình chụp thi thể nhỏ bé của Aylan, 3 tuổi, nằm úp mặt xuống bờ biển, tay buông xuôi và chân vẫn đeo đôi giày nhỏ được đăng tải trên một số trang báo, nó lập tức khiến dư luận rúng động. Cái chết của em đã khiến người ta dần mường tượng ra số phận của những người liều mình bỏ quê hương để thoát khỏi súng đạn. Người lớn bắt đầu hối hận và cả giận dữ, họ nhận ra rằng sự thờ ơ của họ đã giết chết Aylan, và đã đến lúc họ phải hành động.
Lễ tưởng niệm Aylan cùng anh trai và mẹ của em đã được tổ chức.
Hàng loạt các chiến dịch kêu gọi mở cửa cho người nhập cư đã được tiến hành. Chiến dịch "Chào đón người di cư" (Refugees Welcome) thậm chí còn lập hẳn một trang web chuyên nghiệp nhằm giúp người Châu Âu có thể đăng ký "nhận" người di cư từ Bắc Phi đến lưu trú tạm trong nhà mình.
Trang web "Chào đón người di cư" tận dụng mạng lưới tình nguyên viên trên 20 quốc gia để giúp người di cư tìm được nơi nương náu.
Dư luận cũng kêu gọi lãnh đạo những quốc gia nằm dọc hành trình tị nạn như Hungary, Áo, Đức, và đặc biệt là Anh, nước bảo thủ trong vấn đề này, phải có trách nhiệm đạo đức khi giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Con đường di chuyển của dòng người di cư Bắc Phi, từ Thổ Nhĩ Kỹ đến Hamburg (Đức).
Chính quyền Hungary, sau khi ngăn cản dòng người vượt biên vào nước này, đã phải chuyển sang cung cấp xe bus cho hàng ngàn người di cư Bắc Phi để sang Áo. Một số người dân ở khu vực biên giới thậm chí còn lập những lán phân phát thực phẩm và đồ uống để giúp đỡ họ trong hành trình di chuyển.
Những nơi phân phát thực phẩm và đồ uống cho người di cư xuất hiện hai bên đường của hành trình di cư.
Hình ảnh những người di cư chờ đợi xe và tàu sau nhiều tiếng đi bộ qua biên giới Áo-Hung-Đức.
Chính phủ Đức cam kết sẽ hỗ trợ những nạn nhân của cuộc chiến Syria đi tìm vùng đất mới an toàn hơn ở Châu Âu.
Một cậu bé trong đoàn người di cư vui mừng khi nhận được chú gấu bông như một món quà chào đón của người dân Đức.
Phía Áo và Đức cũng tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư, chuẩn bị sẵn xe và tàu để đưa họ đến được Munich (Đức). Tại nhiều ga đến, họ thậm chí còn được đón tiếp trong các tràng pháo tay của người dân địa phương chào mừng họ đến với Đức.
Trong khi đó, chính quyền thủ tướng David Cameron của Anh đang phải chịu sức ép ngày càng lớn từ phía dư luận. Một ngày sau khi bức ảnh Aylan được đăng tải và lan truyền, ông Cameron đã phát biểu ông "thấy xúc động mạnh mẽ" khi nhìn thấy hình ảnh đau lòng này, và cam kết Anh sẽ "làm nhiều hơn" để hỗ trợ cuộc khủng hoảng di dân này. Nhưng công chúng nước này vẫn không hài lòng với những lời nói suông, và tiếp tục yêu cầu chính phủ phải có hành động cụ thể. Những chính trị gia hoặc nhân vật nổi tiếng phản đối việc mở cửa cho người di cư cũng trở thành mục tiêu công kích và chỉ trích của báo chí.
Katie Hopkins, một nhân vật truyền hình Anh, đã trở thành tâm bão của dư luận khi phát biểu "dù có cho tôi xem thêm hàng trăm bức ảnh về dân di cư Syria, tôi cũng không quan tâm". Một chiến dịch ký tên yêu cầu "đổi Katie lấy 50.000 người Syria di cư" đang thu hút sự tham gia của hàng ngàn người.
Cuối cùng, thủ tướng Cameron đã công bố kế hoạch cung cấp chỗ ở cho "hàng ngàn người di cư", đồng thời sẽ gửi gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 100 triệu bảng Anh đến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon.
Hiện nay dòng người di cư đã đặt chân đến Munich, trong sự chào đón của người dân bản xứ. Chính phủ các quốc gia châu Âu cũng đang bắt tay vào việc lên kế hoạch dài hạn để giải quyết công ăn việc làm cho nhóm người này khi đến với vùng đất mới. Cuộc khủng hoảng người di cư có lẽ sẽ vẫn là bài toán khó cho nhiều nước, nhưng với tình hình hiện nay, người ta hy vọng ít nhất nhân loại sẽ không còn phải chứng kiến những bi kịch như của gia đình cậu bé Aylan Kurdi lặp lại trong tương lai.
Người ta hy vọng nhân loại sẽ không còn phải chứng kiến những bi kịch như của gia đình cậu bé Aylan Kurdi lặp lại trong tương lai.