Thế giới đã trải qua 6 tháng dịch bệnh, vậy sau 1 năm thì mọi chuyện sẽ như thế nào?
Dịch bệnh liệu có kết thúc sau 6 tháng nữa? Chẳng ai có thể trả lời. Tuy nhiên, phản ứng của con người sẽ là rất khác.
Kể từ khi chính thức được công bố tại Trung Quốc hồi đầu tháng 1/2020, thế giới đã trải qua 6 tháng gồng gánh chịu đựng đại dịch Covid-19. Hơn 10,5 triệu người đã nhiễm, với 1/4 thuộc về nước Mỹ, trong khi số người ngã xuống cũng đã vượt nửa triệu.
Cho đến thời điểm hiện tại, nước Mỹ đã vấp phải quá nhiều thăng trầm. Nhiều lần vượt qua đỉnh dịch, nhưng ngay sau khi khống chế được số ca nhiễm, một làn sóng dịch mới lại bùng lên ở nhiều tiểu bang trong tháng 6. Chỉ trong vòng 1 tuần, kỷ lục nhiễm mới trong ngày đã liên tục bị phá vỡ.
"6 tháng qua, virus tỏ ra hiệu quả hơn so với phản ứng của nhân loại," - trích lời Stephen Morse, nhà dịch tễ học tại ĐH Columbia nhận xét.
Và đó là chuyện của 6 tháng vừa qua. Vậy nếu thêm 6 tháng nữa, thế giới của chúng ta sẽ ra sao? Mới đây, Morse cùng một chuyên gia khác cùng lĩnh vực là Amesh Adalja từ ĐH Johns Hopkins đã cùng đưa ra dự đoán. Hãy xem, mọi chuyện sẽ diễn biến như thế nào.
Vắc xin sẽ đến rất gần
"Dù không thích phải dự đoán lắm, vì tôi cũng không thể tưởng tượng thế giới sẽ ra sao trong 6 tháng tới. Tuy nhiên đến ngày 30/12/2020, tôi nghĩ rằng vắc xin đã đến rất gần." - Morse cho biết.
Adalja có chung nhận xét. "Chúng ta khi đó sẽ có ý tưởng về một loại vắc xin an toàn và hiệu quả."
Hiện tại, ít nhất 30 loại vắc xin phòng virus corona được dự đoán sẽ được thử nghiệm trên người trước thời điểm cuối năm. Ngoài ra, đã có 16 loại vắc xin đang được thử nghiệm trên người vào lúc này.
Một trong những ứng viên sáng giá nhất là vắc xin do công ty công nghệ sinh học Moderna thực hiện, với kết quả khả quan sau khi thử nghiệm trên người lần đầu vào ngày 16/3. Công ty dự tính sẽ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối trên 30.000 người trong tháng 7.
Chính phủ Mỹ hiện đang rất kỳ vọng vào vắc xin. Họ mong sẽ có hàng trăm triệu liều sẵn sàng vào tháng 1/2021. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là tốc độ chế tạo vắc xin nhanh kỷ lục của loài người. Tuy nhiên, Adalja cho rằng những liều vắc xin sớm sẽ dành cho những người có rủi ro lây nhiễm và tử vong cao cùng công nhân viên y tế, chứ chưa thể dành cho cộng đồng.
Sẽ có kit xét nghiệm nhanh tại nhà
Cả 2 chuyên gia tin rằng Mỹ và các quốc gia khác sẽ có thêm nhiều lựa chọn trong việc xét nghiệm virus corona chủng mới.
"Khả năng chẩn đoán của chúng ta hiện vẫn chưa tốt. Tôi hy vọng nó sẽ cải thiện trong 6 tháng tới, thậm chí đủ để có được một bức tranh thực sự về tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng," - Morse nhận định.
Các chuyên gia Mỹ nghĩ rằng con số nhiễm bệnh thực tế là cao hơn so với ghi nhận của nhà chức trách, do chưa thể xét nghiệm được hết. Việc mở rộng xét nghiệm sẽ cho chúng ta những thông tin chính xác hơn.
Ngoài ra, Adalja cho rằng công chúng sẽ sớm có bộ xét nghiệm tại nhà, cho phép họ tự chẩn đoán mà không cần đến bệnh viện.
Thuốc điều trị sẽ phổ biến
Hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp nào tỏ ra hiệu quả trong việc điều trị Covid-19. Loại thuốc hứa hẹn nhất là remdesivir - một hóa chất kháng virus được FDA phê duyệt sử dụng trong tình huống khẩn cấp từ ngày 1/5.
Thực tế cho thấy, các bệnh nhân nhiễm virus đã hồi phục nhanh hơn bằng loại thuốc này. Ngoài ra, một số thử nghiệm chỉ ra thêm dexamethasone - dạng hợp chất hữu cơ phổ biến, rẻ tiền có thể giảm rủi ro tử vong trên bệnh nhân đang có diễn biến nặng.
Adalja kỳ vọng rằng đến tháng 12, sẽ có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả hơn. Làm được như vậy sẽ giảm tải được gánh nặng đang có trên hệ thống y tế, và cứu được nhiều sinh mạng.
Sẽ không có nơi nào bị phong tỏa nữa
Chứng kiến các ca nhiễm bệnh gia tăng, thống đốc các bang Texas, Colorado, Florida... đã quyết định đóng cửa các quán bar, trì hoãn việc tái mở cửa nền kinh tế. Nhưng theo Morse và Adalja, sẽ không có lệnh phong tỏa nào được đưa ra nữa.
"Có vẻ chẳng ai mặn mà về việc tái phong tỏa, cả trong công chúng lẫn các nhà lãnh đạo," - Morse chia sẻ.
Theo Adalja dự đoán thì thay vào đó, các tiểu bang sẽ nhắm vào các điểm nóng, và tiến hành hạn chế cục bộ để giữ virus trong tầm kiểm soát.
"Việc phong tỏa toàn bộ vào tháng 3 và tháng 4 đã khiến chúng ta không thể biết ai đang nhiễm, ai không, và chính quyền không thấy sự hiệu quả của nó," - Adalja cho biết. "Giờ thì chúng ta cũng biết hành động như thế nào sẽ khiến dịch bệnh lây lan, nên có thể sử dụng các chiến thuật khác trong phạm vi nhỏ hơn".