Thế giới của những người trẻ 'thích một mình nhưng sợ cô đơn'
Chọn cách thu mình lại trước những áp lực học tập, gia đình, nhưng ít ai biết Hoàng Yến luôn sợ cô đơn, khao khát có được sự thấu hiểu của bố mẹ, bạn bè.
Hoàng Yến (SN 2004, Hà Nội), sinh viên năm 2 trường Đại học Kinh tế quốc dân đang dần mất đi các kết nối cuộc sống. Đi học, về nhà, làm thêm ngoài giờ - chuỗi ngày cứ lặp đi lặp lại nhàm chán đó khiến cô gái 20 tuổi chai lì cảm xúc, không còn động lực trải nghiệm điều mới mẻ.
Cô gái Hà Nội mất kết nối cảm xúc với những người xung quanh vì áp lực dồn nén vô hình từ việc học hành, gia đình, tình yêu mà không thể chia sẻ với ai. "Ngành học hiện tại không phù hợp với sở thích, năng lực cá nhân của em. Mỹ thuật, hội hoạ mới là những gì em thực sự đam mê, thay vì các con số vô hồn, khô cứng mỗi ngày theo định hướng của bố mẹ và anh trai", Yến nói.
Sự gò bó ở lớp học, áp lực học giỏi, sau này phải trở thành kế toán theo nghiệp bố mẹ khiến Yến trở nên chán chường, ngày càng thu mình lại.
Trước đây, mỗi khi buồn bã, Yến thường tìm tới bạn bè để giãi bày tâm sự, nhưng chỉ nhận được sự hời hợt và lời khuyên sáo rỗng "nên làm thế này, thế kia…". Điều đó làm cô gái trẻ thấy mình như gánh nặng, làm phiền tới người khác.
"Sống một mình, ăn một mình, xem phim một mình. Thế cũng tốt, chẳng vướng bận ai", cô nói, thậm chí, Yến không muốn gặp hay trò chuyện với bất kỳ ai trong gia đình.
Sâu thẳm bên trong cô gái Hoàng Yến im lặng, từ chối hết các mối quan hệ kết nối bạn bè, gia đình.. lại là tâm hồn khao khát sự thấu hiểu, khao khát được sống với sở thích, đam mê của chính mình.
"Mỗi khi một mình nằm trong chăn, đầu óc em như vô định, không biết mình phải làm gì để thoát ra sự bức bối, áp lực đè nén này", cô gái tâm tư. Một ngày, ngoài giờ học, Yến chỉ biết loanh quanh trong góc nhỏ, nghe những bài nhạc thân quen và cảm thấy bản thân thật bé nhỏ.
"Thích một mình nhưng sợ cô đơn" có lẽ là câu hát phù hợp với Phương Vy (SN 2002, Hà Nội) nhất lúc này. Vết thương tâm lý từ nhỏ khiến Vy gặp vấn đề về giao tiếp và loay hoay tìm lại cách kết nối cảm xúc với người xung quanh.
Không có bố, mẹ làm công nhân xưởng may, từ nhỏ Vy thường xuyên bị bạn bè, hàng xóm trêu trọc là đứa con rơi tội nghiệp. Kinh tế gia đình không mấy khá giả, mẹ thường tăng ca, đi sớm về khuya, em và bà ngoại ở nhà chăm nhau là chính. Ba người phụ nữ sống trong căn tập thể cũ 40m2.
Chuyện khu tập thể đông người, chung lối đi, chung sân chơi không tránh khỏi những lúc xích mích cãi vã giữa hàng xóm. Một lần chơi ở sân, Vy đẩy ngã bạn khi bị cướp đồ chơi, bố mẹ bạn chưa biết đúng sai đã quát ầm lên "đồ con rơi, không ai dạy" và cấm không cho con chơi cùng nữa.
Dù rất ấm ức, tủi thân kể lại với bà ngoại và mẹ, nhưng Vy cũng chỉ nhận lại cái ôm vỗ về đầy thiệt thòi. Tổn thương lúc nhỏ hình thành nỗi lo sợ bị đánh giá, nên khi đứng trước đám đông, Vy thường thấy bối rối, lo lắng đến khó thở. Trong các cuộc tranh luận, cô gái cũng không dám bày tỏ quan điểm cá nhân vì sợ nói sai sẽ bị mọi người cười chê.
Lớn hơn, tốt nghiệp trường Đại học Thương Mại, Vy phải đối mặt với vô vàn khó khăn khác. Người thân và cả những người xung quanh không chỉ soi xét việc cô gái nhuộm tóc, phán xét cách ăn mặc hở hang mà còn áp đặt những định kiến "con gái phải dịu dàng, thùy mị", "nhà không có bố nên không ai chỉ bảo"...
"Mọi người can thiệp quá sâu vào lối sống và cách nghĩ khiến em luôn cảm thấy ngột ngạt và ngày càng tự ti hơn", cô gái 22 tuổi bày tỏ.
Nỗi lo sợ trong giao tiếp ảnh hưởng khá nhiều tới học tập và sinh hoạt hàng ngày của Vy. Đi học không dám thể hiện ý kiến hay trả lời, đi làm ngại giao tiếp với người lạ, không dám mở rộng các mối quan hệ mới.
"Em thu mình, từ chối giao tiếp trước những lời nói, ánh mắt phán xét của hàng xóm, bạn bè xung quanh. Em tự tạo cho mình vỏ bọc lì lợm, ít nói, chính xác hơn là lạnh lùng. Thế nhưng, không ai hiểu, sâu trong thâm tâm em luôn khao khát sự đồng cảm, được bạn bè người thân vây quanh. Tôi rất sợ cô đơn", Vy nói.
Cô gái trẻ thừa nhận bản thân "thích một mình nhưng sợ cô đơn" là bởi đã trải qua quá nhiều tổn thương tâm lý, buộc phải chọn cách sống khép kín.
Tiến sĩ tâm lý vị thành niên Lê Thị Mai Ly (TP.HCM) cho rằng, ngày nay không khó để bắt gặp người trẻ đi ăn, đi xem phim, hay làm việc một mình ở những nơi công cộng. Họ chọn cách sống như vậy có thể do quá khứ đầy tổn thương, hoặc tư tưởng cởi mở cho rằng đây là cách yêu bản thân, cân bằng cuộc sống và giải tỏa áp lực.
So với việc phải gắn kết vào một tập thể nào đó hay phải quan tâm đến ánh mắt của người khác, nhiều người trẻ có xu hướng dành khoảng thời gian rảnh rỗi cho bản thân nhiều hơn. Một số người cho rằng cách sống này ích kỷ, số khác lại nhận thấy cách sống này chỉ là vỏ bọc che đi những tổn thương mà các bạn trẻ phải trải qua và tự chữa lành chúng.
Theo tiến sĩ Ly, việc người trẻ thích sống một mình, nhưng sợ cô đơn không có gì bất thường. Tuy nhiên bà phần nào đó không cổ xuý cho lối sống này của giới trẻ, bởi nếu bạn làm việc một mình, sinh hoạt một mình trong thời gian dài sẽ dần mất đi sự kết nối với cộng đồng. Họ dễ cảm thấy bị tổn thương và giảm đi sự tin tưởng vào người khác.
Trong cuốn sách Tâm lý học về rối loạn nhân cách tránh né, bác sĩ tâm thần người Nhật Bản - Okada Takashi đề cập đến phản ứng phòng vệ. Hiểu đơn giản, đây là hành động cố gắng tránh xa những hoàn cảnh và nơi chốn có nguy cơ gây tổn thương lần nữa tới vết thương tâm lý cũ.
Douglas Nemecek, MD, Giám đốc y tế về sức khỏe hành vi của Cigna từng cảnh báo: "Cô đơn có tác động tương tự đến tỷ lệ tử vong như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả béo phì".
Người chọn lối sống một mình trong thời gian dài rất dễ có cảm giác cô đơn, khả năng giao tiếp xã hội giảm xuống. Theo nghiên cứu của các chuyên gia Đại học California, việc ở một mình trong phần lớn thời gian có thể làm suy giảm khả năng thực hiện các công việc hàng ngày ví dụ như leo cầu thang hoặc đi bộ khó khăn hơn.