Thầy Nguyễn Quốc Hùng ngạc nhiên vì tỷ lệ học sinh đạt mức điểm IELTS cao quá nhiều

Nguyễn Trang,
Chia sẻ

Thầy Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc Bộ GD-ĐT rà soát lại các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay là cần thiết. Bởi thực tế trong việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ có rất nhiều tiêu cực.

Sáng 10/11, hàng loạt đơn vị dừng thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế. Nhiều đơn vị tổ chức thi lý giải việc tạm dừng các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhằm hoàn thiện các thủ tục theo Thông tư 11 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 26/7 về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Theo Thông tư này, các tổ chức, cá nhân chỉ được tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến sáng 11/11, Bộ GD-ĐT chính thức cấp phép thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis do Hội đồng Anh tổ chức. Việc cấp phép chương trình IELTS tại Hội đồng Anh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nốt các thủ tục để Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Việc tạm dừng các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ đang khiến nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng. Thầy Nguyễn Quốc Hùng, M.A, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đã trao đổi với VOV.VN về nội dung này.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng ngạc nhiên vì tỷ lệ học sinh đạt mức điểm IELTS cao quá nhiều - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng,M.A, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. (Ảnh: KT)

PV: Thưa thầy, hiện các đơn vị tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS cũng như các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác đã tạm dừng việc tổ chức thi và cấp bằng để hoàn thiện các thủ tục về kiểm định theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, thầy có nhận định gì về vấn đề này?

Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Tôi ủng hộ việc Bộ GD-ĐT rà soát lại các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay. Bởi thực tế trong việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ có rất nhiều tiêu cực, chủ yếu là vấn đề mua bằng, điều này không chỉ có ở các chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài mà cả một số chứng chỉ ngoại ngữ do các đơn vị trong nước cấp và thậm chí tiêu cực cả ở những bằng cấp cao nhất như thạc sỹ và tiến sỹ. Việc Bộ GD-ĐT có chủ trương rà soát, quản lý chặt chẽ các loại chứng chỉ là hoàn toàn đúng.

Với IELTS, hiện nay việc học và cấp chứng chỉ này tại Việt Nam khá tràn lan, số  học sinh thi và đạt  mức điểm từ 8.0 trở lên – chuẩn cao của IELTS rất nhiều. Có thể hiểu đây là tín hiệu cho thấy trình độ tiếng Anh của chúng ta đang được nâng lên, song tỷ lệ học sinh đạt mức điểm cao quá nhiều, ở mức đáng ngạc nhiên, trong khi trình độ về tiếng Anh hiện nay lại không bộc lộ đúng chất lượng ấy.

Là người làm trong ngành, chúng tôi cảm thấy nghi ngờ chất lượng của các loại chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay, do đó việc Bộ GD-ĐT củng cố, rà soát lại việc dạy học và cấp bằng là phù hợp.

PV: Khi có thông báo tạm dừng thi và cấp các chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là IELTS, nhiều phụ huynh và học sinh đang rất lo lắng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch học tập, theo thầy, cần có những giải pháp nào để hạn chế sự ảnh hưởng đến người học.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Ngày 11/11, Bộ GD-ĐT đã có văn bản về việc chính thức cấp phép thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis do Hội đồng Anh tổ chức. Bộ GD-ĐT cũng đang đốc thúc phía Hội đồng Anh hoàn thiện nốt các thủ tục để cấp phép chương trình IELTS, và tôi tin rằng Bộ sẽ tiếp tục xem xét một cách nhanh nhất có thể.

Có thể thấy Bộ GD-ĐT đã có những động thái nhanh chóng để hạn chế ảnh hưởng đến người học. Để gỡ vướng với những chứng chỉ ngoại ngữ khác, Bộ GD-ĐT cần có chủ trương rõ ràng, đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ với các cơ sở tổ chức thi. Hiện nay tôi tin Bộ không thể cấp phép ồ ạt, mà chỉ cấp phép cho một số tổ chức đảm bảo yêu cầu, chất lượng được đào tạo, thi và cấp chứng chỉ trước, đáp ứng nhu cầu người học, sau đó tiếp tục xem xét các đơn vị khác.  Trong thời gian tới, hy vọng Bộ sẽ có những biện pháp cứng rắn nhưng cũng cần nhanh chóng, rõ ràng, chuẩn mực để xã hội có niềm tin vào những chứng chỉ ngoại ngữ này, đồng thời đảm bảo chất lượng thực tế, chứ không chỉ đi lên nhờ quảng cáo.

PV: Những năm gần đây, nhiều trường đại học trên cả nước, đặc biệt là những trường đại học “top” đầu thường sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ IELTS để xét tuyển đầu vào, những thí sinh có mức điểm IELTS cao gần như đã cầm chắc vé vào đại học, thầy nghĩ sao về điều này?

Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Chúng ta không nên quá đề cao tiếng Anh. Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh đại học những năm gần đây khá phù hợp với xu thế, nhưng dường như trong phương thức tuyển sinh của các trường đang hơi đặt nặng, nghiêng về chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Những thí sinh có mức điểm IELTS cao có những ưu tiên quá lớn khi xét tuyển đầu vào đại học.

Tôi cho rằng, tùy theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đặc thù từng ngành học, nên có mức điểm đầu vào chứng chỉ ngoại ngữ khác nhau. Với những ngành có yêu cầu cao về hội nhập quốc tế như ngoại ngữ, ngoại giao, thương mại, việc ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh là phù hợp, nhưng với những ngành học khác không yêu cầu đầu vào ngoại ngữ cao, mức điểm có thể chỉ cần từ 4,5-5 điểm IELTS.

Việc xét tuyển dựa vào các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là tốt, song điều đáng bàn là chứng chỉ đó có thực sự chất lượng hay không, có lẽ đây cũng là lý do khiến Bộ GD-ĐT phải rà soát lại việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu chúng ta thả nổi việc cấp chứng chỉ, thậm chí người học có thể dễ dàng mua được sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng; mà trên thực tế cũng đã "nghiêm trọng" trong nhiều năm nay rồi.

PV: Theo quan sát của thầy, còn những điểm vướng mắc nào trong việc tổ chức thi, cấp bằng cũng như quản lý cần khắc phục để chất lượng của các chứng chỉ ngoại ngữ thực chất?

Thầy Nguyễn Quốc Hùng: Nhìn vào quá trình cải cách và phát triển nền giáo dục của ta, đã không ít lần có những quyết định tương tự: xem xét cấp phép tổ chức thi chứng chỉ cho các trung tâm ngoại ngữ, nhưng sau đó việc quản lý cứ lỏng dần và tiêu cực lại có đất tốt để phát triển. Quyết định thì dễ nhưng biện pháp quản lý thành công lâu dài mới là điều chúng ta cần quan tâm.

PV: Xin cảm ơn thầy./.

Chia sẻ