Thầy giáo Đinh Đức Hiền: ĐH Kinh tế Quốc dân bỏ xét tuyển "thuần" điểm tốt nghiệp nhưng cần chú ý các phương thức khác kẻo bỏ sót thí sinh tốt

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

ĐH Kinh tế Quốc dân là trường công lập thì cần có trách nhiệm xã hội, nên đảm bảo một tỉ lệ thích hợp để tạo điều kiện cho các thí sinh ở vùng nông thôn, khó khăn vào trường.

Ngày 16/6, Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức công bố Đề án tuyển sinh đại học 2022. Đáng chú ý, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến từ năm 2023, trường không tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác, chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế.

Theo kế hoạch, 70% chỉ tiêu đầu vào năm 2023 dành cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy hoặc xét hai tiêu chí này cùng nhau. 30% còn lại dành cho những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và các điểm học thuật khác.

Đại diện trường lý giải đây là xu thế chung, bởi các đại học đang giảm dần chỉ tiêu từ thi tốt nghiệp THPT. So với 2021, đề án của trường năm 2022 cũng giảm từ 50-70% của các năm trước xuống còn 35% cho chỉ tiêu từ điểm tốt nghiệp.

Theo Đại học Kinh tế Quốc dân, kỳ thi tốt nghiệp THPT được thiết kế để phục vụ xét tốt nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, trường cần có những căn cứ khác nhằm tuyển chọn chính xác, khách quan.

Ngay khi thông tin này được đăng tải, trên các diễn đàn, không ít thí sinh băn khoăn về việc ĐH Kinh tế Quốc dân không xét tuyển theo phương thức truyền thống - dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT mà trường vẫn sử dụng nhiều năm nay.

Thầy giáo Đinh Đức Hiền: ĐH Kinh tế Quốc dân bỏ xét tuyển "thuần" điểm tốt nghiệp nhưng cần chú ý các phương thức khác kẻo bỏ sót thí sinh tốt - Ảnh 1.

Thầy giáo Đinh Đức Hiền.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Infonet, thầy giáo Đinh Đức Hiền (người đầu tiên phát hiện đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Sinh có vấn đề) cho rằng hiện nay các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh, tự quyết định các phương thức xét tuyển, do đó việc trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến không dành chỉ tiêu cho năm 2023 với phương thức xét điểm tốt nghiệp là đúng với quy định.

“Trước tiên chúng ta phải nhìn bức tranh chung của tuyển sinh đại học, chúng ta cần hiểu rõ tuyển sinh đại học không phải là phổ cập giáo dục, do đó tiêu chí đầu tiên của các trường ĐH là tuyển được các thí sinh phù hợp với yêu cầu của nhà trường, của ngành nghề trong xã hội. Hiện nay để vào một ngôi trường đại học không phải quá khó, nhưng các trường top đầu như Đại học Kinh tế Quốc dân thì cạnh tranh sẽ rất cao.

Hiện nay đề thi THPT theo định hướng tốt nghiệp vẫn phù hợp với đa số các trường làm cơ sở tuyển sinh, tuy nhiên với các trường top đầu hiện nay thì sẽ dần không còn phù hợp do mức độ phân hóa không còn đủ đáp ứng.

Xã hội ngày nay phát triển, biến động liên tục, đòi hỏi sinh viên phải trang bị cho mình không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cần Ngoại ngữ, các kĩ năng khác nhau. Việc tuyển sinh vào đại học nếu chỉ dựa vào 3 môn truyền thống như trước kia bắt đầu tỏ ra không còn phù hợp. Hơn nữa nó cũng không còn phù hợp với định hướng chương trình GDPT mới là đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện.

Việc trường ĐH Kinh tế Quốc dân thay đổi phương thức đều có lộ trình dần qua từng năm, điều này tôi nghĩ đã được tính toán kĩ dựa vào lượng thí sinh trúng tuyển và kết quả học tập sinh viên khi vào trường. Có điều, các trường bên cạnh việc tuyển được những thí sinh tốt nhất vào trường mình thì một ngôi trường công lập cần có trách nhiệm xã hội, đó là đảm bảo một tỉ lệ thích hợp để tạo điều kiện cho các thí sinh ở vùng nông thôn, khó khăn được tiếp cận, có cơ hội vào trường”, thầy Hiền nói.

Cũng theo thầy Hiền thì nhà trường cần cân đối tỉ lệ giữa các phương thức, giữa đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét tuyển các chứng chỉ quốc tế… Ví dụ, các thí sinh ở nông thôn có thể thiếu lợi thế tiếng Anh thì có thể xét tuyển bằng các kì thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để vào trường.

“Thực tế học sinh mà có thể có kết quả tốt ở tất cả các phương thức là rất ít, lợi thế ở phương thức này sẽ bất lợi ở phương thức khác. Tiếng Anh là ngôn ngữ hoàn toàn có thể bổ sung, trau dồi khi vào đại học. Do đó nếu như tỉ lệ xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quá nhiều sẽ phần nào đó gây thiếu cân bằng trong tuyển sinh, và trường hoàn toàn có thể bỏ sót những thí sinh tốt”, thầy Hiền khẳng định.

Chia sẻ