Thầy giáo bật mí một phương pháp học Toán cực đơn giản: Thực hành nhuần nhuyễn, về sau trẻ học sẽ rất dễ dàng
Phương pháp thầy Vân chia sẻ em nhỏ nào cũng có thể học được, bố mẹ nào cũng có thể đồng hành cùng con dễ dàng.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, ai học giỏi Toán thì phải có năng khiếu bẩm sinh. Nhưng theo thầy Vũ Quốc Vân, giáo viên dạy Toán ở Đồng Nai, thật ra thì số ấy rất ít. Đa số người giỏi Toán chăm chỉ hơn nhiều người khác. Nếu không tiếp tục phát huy khả năng thiên phú thì họ sẽ bị giới hạn lại và thành quả gặt hái sẽ không như mong đợi. Quan trọng là họ được dạy cách tư duy tức là được huấn luyện có phương pháp để trở thành người giỏi.
Vậy thì dạy một đứa trẻ trở nên giỏi Toán bắt đầu từ đâu và như thế nào? Theo thầy Vân, sẽ có nhiều cách và phương pháp khác nhau. Trong đó, thầy gợi ý một cách đơn giản, dễ áp dụng. Đó là phương pháp đếm.
Đếm là một hành vi bình thường của trẻ nhỏ. Các bậc cha mẹ hãy để ý và quan sát trẻ nhỏ đếm các sự vật xung quanh môi trường sống. Chúng ta sẽ nhận thấy nhiều điều thú vị về khả năng của trẻ nhỏ.
Đếm số tăng dần
Ngay từ những năm đầu đời, khi trẻ đang ở độ tuổi 1 - 4, thầy Vân cho rằng, người lớn hãy dạy trẻ đếm. Trước hết, đếm số 1, 2, 3, 4, 5, sau nữa đếm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10.
Hãy dạy trẻ đếm số thành viên trong gia đình. Đếm giậm chân khi trẻ bước ra khỏi nhà tắm (cách này rất hữu ích và còn để tránh trẻ bị trượt chân ngã khi ra khỏi nhà tắm).
Sau khi đếm xuôi từ 1 đến 10 thì chúng ta cho trẻ đếm ngược từ 10 về 1. Chúng ta hãy nhớ cho trẻ tập luyện thường xuyên mỗi ngày, 5 đến 10 phút. Trong vòng 1 tháng, sẽ thu được kết quả khả quan.
Sau đó, chúng ta cho trẻ đếm tăng dần lên từ 1 đến 20, từ 1 đến 100. Khi trẻ đếm thành thục thì việc làm Toán lớp 1, lớp 2 thật dễ dàng và nhanh chóng.
Đếm theo phép nhân bảng cửu chương
Tiếp theo, thầy Vân gợi ý, chúng ta có thể cho trẻ đếm theo phép nhân bảng cửu chương:
Bảng nhân 2: 2 - 4 - 6 - 8 - 10 - 12 -14 - 16 - 18 - 20.
Bảng nhân 3: 3 - 6 - 9 - 12 - 15 - 18 - 21 - 24 - 27 - 30.
Bảng nhân 4: 4 - 8 - 12 - 16 - 20,...
Cứ như vậy cho đến bảng nhân 9: 9 - 18 - 27 - 36 - 45 - 54 - 63 - 72 - 81 - 90.
Thầy Vân lưu ý, phần này dành cho trẻ lớp 2, lớp 3, chỉ đếm những con số được liệt kê trên đây. Khi đếm được như thế này, trẻ 6 - 7 tuổi có thể làm phép cộng trừ, phép nhân "ào ào" và xem như trẻ đã hoàn thành Toán bậc Tiểu học.
Nâng cao dần lên nữa thì cho trẻ đếm ngược bảng cửu chương rồi cho trẻ đếm nhảy cóc.
Ví dụ: 1 - 4 - 7 - 10 - 13... nhảy cóc 3 đơn vị.
2 - 6 - 10 - 14... nhảy cóc 4 đơn vị.
5 - 10 - 15 - 20... nhảy cóc 5 đơn vị.
Việc này cũng như trò chơi năm, mười. Và cũng là nhảy cóc 5 đơn vị nhưng bắt đầu từ 1 - 6 - 11 - 16... ta thấy sẽ rất khác. Khi trẻ em học đếm được đến giai đoạn này, thì việc học Toán lớp 6, lớp 7 sẽ dễ dàng và có khả năng tự học, tự đọc sách khá cao. Việc đếm nhảy cóc rất hữu ích cho việc học Toán.
Thầy Vân cho biết, phương pháp đếm là nền móng cho việc học về Tập hợp theo chương trình lớp 6. Hơn nữa, đếm với hai quy tắc cộng và quy tắc nhân là khởi đầu cho việc học phần Đại số Tổ hợp ở lớp 10. Những dãy số ta đếm ra ở đây là những dãy số, cấp số cộng trong chương trình lớp 11 hiện hành.
Khi trẻ học đếm và làm phép cộng, chỉ nên sử dụng các ngón tay để đếm trong thời gian ngắn dài, tuỳ theo mỗi đứa trẻ khác nhau. Tốt nhất khi trẻ đã biết cộng thì nên bỏ luôn việc dùng các ngón tay. Hãy để trẻ nhỏ đếm bằng mắt, quan sát bằng mắt. Trẻ sẽ đếm nhanh hơn nhiều và làm Toán lớp 1, lớp 2 theo kiểu trực quan rất nhanh chóng.
"Việc học Toán là từ trực quan sinh động qua tư duy trừu tượng. Làm tính bằng ngón tay quá lâu, trẻ em lên lớp 6, lớp 7 vẫn còn thói quen sử dụng ngón tay thì học Toán sẽ vô cùng chậm chạp và hầu như giậm chân tại chỗ.
Sau khi qua các bài đếm cơ bản, trẻ 7, 8 tuổi đã có thể học phép trừ trên số nguyên. Nghĩa là, biết lấy số nhỏ trừ số lớn để ra kết quả là số âm", thầy Vân nói.