Thấy gì từ việc người dân đang đua bán, chen mua vàng?
Sau một ngày giá vàng lao dốc không phanh, sáng 8/11, giá vàng trong nước quay đầu tăng mức cao nhất gần 2 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng. Thay vì bán ra, nay người dân lại mua khiến nhiều cửa hàng vàng thông báo hết sớm.
Trái ngược với cảnh người dân đi bán vàng ồ ạt ngày 7/11, nhiều người ở Hà Nội kéo đến cửa hàng vàng lớn mua vào với kỳ vọng giá vàng tăng mạnh trở lại.
Tại cửa hàng hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông, khách hàng đã lấp đầy bên trong và xếp hàng kéo dài trên vỉa hè.
Chị Thu Minh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sáng nay thấy giá vàng tăng nên đến để mua 1 lượng vàng nhẫn tích lũy. Tuy nhiên, khi đến cửa hàng chị Minh đã thấy dòng người xếp hàng dài và chỉ sau 15 phút cửa hàng thông báo hết vàng. Chị là người may mắn có số thứ tự 61 được vào mua.
"Hôm qua, cửa hàng bán không giới hạn số lượng người mua nhưng sáng nay, mỗi người chỉ mua được 3 chỉ", chị Minh nói.
Theo nhân viên cửa hàng, lượng người mua bán vàng trong sáng nay đã ổn định, thậm chí người mua vàng nhiều hơn. Hiện, người dân có thể mua 1-3 chỉ vàng nhẫn, còn khách hàng có nhu cầu bán vàng thì cửa hàng vẫn mua như bình thường.
Tại cửa hàng vàng Phú Quý, bất ngờ người dân được mua vàng SJC trực tiếp sau nhiều tháng cửa hàng không có vàng. Tuy nhiên, để mua 1 lượng vàng miếng SJC, người dân cũng xếp hàng 2 tiếng trong buổi sáng. Đến 11h, cửa hàng cũng thông báo hết vàng.
Theo nhân viên cửa hàng này, sáng nay áp lực bán vàng đã hạ nhiệt và người dân đến chủ yếu mua vào.
Trao đổi với PV Tiền Phong , chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, từ cuối năm 2023, giá vàng trong nước tăng liên tục. Lúc đó, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới cao lên tới 18-20 triệu đồng/lượng. Thời điểm đó, Thủ tướng có công điện giao Ngân hàng Nhà nước làm sao đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới và yêu cầu dùng giải pháp về thị trường.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng nhưng không thành công vì trong 7 phiên có 3 phiên được tổ chức. Thế nhưng, sau đấu thầu, giá vàng lại tăng. Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp giao cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn bán trực tiếp cho dân. Việc này kéo chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới xuống còn 4-5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, bất cập là 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước chi phối bán vàng ra nhưng lại không mua vào.
Ông Long cho biết, trên thị trường thế giới những ngày này giá vàng lên xuống chao đảo lớn. Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại biến động dữ dội, phản ứng thái quá với thế giới. Rõ ràng thị trường vàng trong nước đang có vấn đề. Theo ông Long, các giải pháp về ổn định thị trường vàng đã được bàn rất nhiều.
"Vàng là kênh đầu tư nhưng cũng là kênh tích lũy. Đầu tư có lợi nhuận, rủi ro thấp, thanh khoản cao thì dân vẫn chọn trong khi các kênh đầu tư khác còn trầm lắng. Giá vàng có thể tăng dựng đứng nhưng tụt nhanh. Đám đông bán vàng nên giá lại càng giảm mạnh. Hôm nay giá lên, người dân lại mua trở lại. Tuy nhiên, hiện nay, khi thị trường biến động, người dân khó mua và bán", ông Long nói.
Ông Long cho hay, trước tình hình bất ổn của thị trường vàng tới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội.
"Bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải quản lý thị trường vàng. Hiện, Nghị định 24 vẫn chưa sửa dù đã tồn tại hơn 10 năm và bộc lộ nhiều bất cập. Ngân hàng Nhà nước phải sửa ngay những điểm trong nghị định không phù hợp với thông lệ của quốc tế và thị trường", ông Long nhấn mạnh.
Sáng 8/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng ở mức 82 - 86,5 triệu đồng/ lượng, tăng 1 triệu đồng cả hai chiều mua - bán so với đầu giờ sáng. Tuy nhiên, đến 15h cùng ngày, giá vàng miếng SJC lại quay đầu giảm nửa triệu đồng/lượng về mốc 86 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng nhẫn cũng tăng từ 1 đến 2 triệu đồng/lượng, tùy thương hiệu. Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji tăng 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua và 800.000 đồng/lượng chiều bán, lên 82,8-84,6 triệu đồng/lượng. Còn Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn trơn lên 83,38 - 85,18 triệu đồng/lượng.