Thấy gân xanh nổi rõ ở 4 nơi này trên cơ thể tốt nhất là mau đi khám
Với một số người, gân xanh nổi rõ ở một số bộ phận được xem là khỏe mạnh, hấp dẫn. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu bệnh tật.
Gân xanh mà chúng ta thường gọi thực chất chính là những đường tĩnh mạch nông nằm sát da. Chúng có chức năng vận chuyển máu từ các cơ quan quay trở về tim, lưu trữ máu, hỗ trợ điều hòa nhiệt độ trên cơ thể người.
Sở dĩ tĩnh mạch nông gọi là gân xanh bởi chúng thường có màu xanh nhạt. Do da người không chỉ hấp thụ ánh sáng mà vùng da gần các tĩnh mạch nông còn phản xạ ánh sáng. Ánh sáng đỏ có tính xuyên thấu cao, có thể xuyên qua các mạch máu và bị hemoglobin hấp thụ một phần, trong khi ánh sáng xanh bị phản xạ nhiều hơn nên người ta thấy các tĩnh mạch đó gần như có màu xanh nhạt, xanh lơ. Thông thường, chúng ẩn dưới lớp da hoặc chỉ hơi nhô lên một chút trong trạng thái thả lỏng.
Theo bác sĩ chuyên khoa Tim mạch Nguyễn Đình Công, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh: “Tình trạng gân xanh nổi rõ, thường gặp nhất ở tay/chân có thể là hiện tượng bình thường, nhưng cũng có thể là do bệnh lý”.
Bác sĩ Công cũng cho biết, dù không có bệnh lý nhưng gân xanh có thể rõ hơn ở một số người như: người gầy, người da mỏng, người già, vận động viên, người tập luyện thể chất nhiều, người làm công việc nặng nhọc về thể chất… Lý do là người cao tuổi có lớp mỡ dưới da bị teo lại, da trở nên mỏng hơn, đồng thời teo cơ làm giảm khả năng nâng đỡ và hạn chế của tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch xanh hiện rõ hơn. Điều này tương tự với người có làn da mỏng hoặc da quá trắng.
“Còn người vận động mạnh thường xuyên, vận động viên, lao động thể chất nặng nhọc thì khi gắng sức, cơ căng lên sẽ gây ra ứ trệ mạch máu tạm thời và gây nổi gân xanh (tĩnh mạch) rõ ràng hơn. Tuy nhiên, sau khi ở trạng thái nghỉ thì mạch máu sẽ trở lại bình thường.
Trong trường hợp bệnh lý, gân xanh sẽ nổi rõ, màu đậm hơn ngay cả ở trạng thái nghỉ ngơi và cần đi khám. Phổ biến nhất là bệnh suy tĩnh mạch, bệnh lý tắc nghẽn như huyết khối, bệnh lý ác tính, suy tim… Lúc này nên đi thăm khám, nhất là nếu đi kèm dấu hiệu tê bì, đau, mệt, khó thở” - Bác sĩ Công nhấn mạnh.
Bs Nguyễn Đình Công cảnh báo các trường hợp gân xanh nổi rõ nên đi thăm khám
Còn theo báo điện tử Family Doctor (Trung Quốc), có 4 vị trí nổi gân xanh rõ đang cảnh báo bệnh nguy hiểm, cần đi thăm khám gấp như sau:
1. Cẳng chân
Hiện tượng gân xanh nổi lên rõ ràng, màu sắc đậm hơn xuất hiện ở cẳng chân chủ yếu là do giãn tĩnh mạch ở chi dưới. Bệnh lý này đặc biệt phổ biến ở những người phải ngồi/đứng trong thời gian dài, có thể kèm theo đau và/hoặc khó chịu ở cẳng chân như tê bì, châm chích giống kiến cắn.
Ở giai đoạn đầu, bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới, ngoại trừ các tĩnh mạch phồng lên thấy rõ, về cơ bản không có cảm giác khó chịu nào khác. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển các triệu chứng như ngứa, sưng tấy, nổi cục, tê bì… ở chân sẽ nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Việc đi thăm khám để điều trị sớm vô cùng quan trọng, bởi bệnh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như viêm tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch rất nguy hiểm.
2. Vùng ngực hoặc vùng bụng
Những đường gân xanh xuất hiện rõ nét trên ngực có thể liên quan đến nồng độ estrogen trong cơ thể bất thường. Đặc biệt nên cảnh giác với tình trạng tăng sản vú. Lưu ý rằng tình trạng bệnh lý tăng sản vú có thể gặp ở cả nam giới, dù ít phổ biến hơn nữ giới.
Còn những đường gân xanh nổi lên ngay cả ở trạng thái nghỉ ngơi tại vùng bụng thì thường liên quan tới bệnh về gan. Thường gặp nhất là tổn thương mô gan hoặc có dấu hiệu xơ gan. Tuy nhiên, đây cũng là vị trí nổi gân xanh dễ bị xem nhẹ, bỏ qua nhất.
3. Khu vực đầu và trán
Sự thay đổi về kích thước, màu sắc, độ nổi lên bề mặt da của tĩnh mạch nông ở khu vực đầu và tránh cảnh báo rất nhiều bệnh nghiêm trọng. Tùy vào vị trí chính xác mà bất thường này có thể phản ánh vấn đề sức khỏe khác nhau, những vị trí phổ biến nhất là thái dương và trán.
Nếu gân xanh đột nhiên trở nên rõ nét ở hai bên thái dương, kèm theo chóng mặt, nhức đầu và các cảm giác khó chịu khác thì hãy nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám. Nó có thể liên quan đến chứng xơ cứng động mạch não và nhồi máu não. Đều là những biến chứng rất nguy hiểm và có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời trong “khoảng thời gian vàng”.
Còn nếu gân xanh ở vùng trán nổi rõ, màu đậm hơn thì rất có thể liên quan đến các bệnh chuyển hóa như cường giáp và tiểu đường. Tốt nhất là nên mau chóng tới bệnh viện để tìm ra nguyên nhân, không được chủ quan rồi hối hận cũng không kịp.
4. Bìu nam giới
Đối với nam giới, có một vị trí đặc biệt có thể xuất hiện tĩnh mạch nông nổi rõ bất thường, đó chính là bìu. Khi các tĩnh mạch dưới da bìu bị giãn sẽ xuất hiện các gân xanh lộ rõ, màu xanh đậm hơn bình thường, nhìn hình dạng ngoằn ngoèo như con giun đất.
Bệnh này được gọi trên lâm sàng là giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bên cạnh nổi gân xanh bất thường, thường đi kèm với các triệu chứng sưng tấy dương vật và đau nhức vùng thắt lưng. Vì giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng tinh trùng nam giới và gây vô sinh nên bạn nên đi khám kịp thời khi phát hiện ra vấn đề.