Thầy đồng tuổi teen và học trò “cuồng“ bói toán
Thế hệ 9X bây giờ còn thạo việc coi bói, cúng vái hơn cả lớp ông bà, cha mẹ. Khi đi lễ chùa chiền hay đến các tụ điểm bói toán, không khó để bắt gặp các cô cậu còn ngồi trên ghế nhà trường, khuôn mặt "non choẹt" nhưng “khoản” lễ lạt đã rất sùng bái, bài bản.
Chuẩn bị đi thi cũng nhờ “thầy… hóa giải”
Tiếp xúc với một nhóm bạn trẻ đang học lớp 11 trường Phan Đình Phùng giờ tan học, phóng viên không khỏi “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy các cô cậu đang bàn luận sôi nổi về các vấn đề tuổi tác tương sinh, tương khắc theo ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tuổi nào thì hợp tình duyên, tuổi nào thì hợp làm ăn, học hành…
Một nhóm bạn trẻ rủ nhau sắm lễ đến phủ cầu may trước ngày thi.
Một cậu trắng như con gái, mặt còn lấm tấm mụn trứng cá đang thao thao bất tuyệt về cách sắp xếp phong thủy hợp với cung mệnh một cách rành rẽ, “kiến thức chuyên môn” thành thạo đến mức nhiều người lớn cũng “chào thua”.
Đã qua rồi cái thời những người trẻ cắp sách đến trường chỉ còn biết đến sách vở, bằng lòng với những trò bói cánh hoa, bói chén, xem chỉ tay đơn thuần để giải trí. Giới trẻ bây giờ sành sỏi hơn thế hệ anh chị đi trước về khoản “chịu đầu tư” tìm thầy xem bói, cũng như thông thuộc các địa điểm từ bói bài, bói tướng, xem tử vi, xem sao giải hạn...
Ngọc Khanh, một học sinh lớp 12 trường THPT Kim Liên cho biết: “Mấy năm trước em chủ yếu xem về các cung hoàng đạo, nhóm máu cho vui, sau đấy thì chuyển sang xem tử vi, tướng số, vận hạn trên các trang web, song bị hội bạn chê là “đồ trẻ con”.
Bạn em đứa nào cũng có vài ba địa chỉ xem bói “ruột”, cứ chuẩn bị làm việc gì như thi cử, đi đâu, buồn chuyện gia đình hay trên lớp… là chúng nó lại đến nhờ “thầy” xem giúp”.
Lúc đầu Khanh chỉ đi cùng bạn bè cho biết, nhưng sau thấy thầy “phán đâu trúng đó” nên cô bé giờ cũng giống các bạn, hễ có chuyện gì lại tìm đến “thầy” xin ý kiến.
Các “teen” nữ mê xem bói đã đành, ngay cả “teen” nam cũng “đắm đuối” với khoản này. Hoàng Long, học sinh lớp 10 trường Phan Đình Phùng cho biết, đợt thi chuyển cấp vào lớp 10 vừa rồi, để chắc ăn và yên tâm, các bạn trong tổ của cậu bàn nhau góp tiền đi xem bói để nếu có vận hạn còn biết đường “hóa giải”, cầu cúng trước khi thi, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Cả nhóm lặn lội tìm đến nhà một thầy bói nổi tiếng ở tận Sơn Tây, theo lời “thầy” muốn thi đậu thì nhóm của Long chẳng cần đi đâu xa, cứ đến kêu cầu xin đỗ đạt tại chính cái “nôi của đạo học” là Quốc Tử Giám thì sẽ thuận lợi, vào được trường như mong muốn.
Nhóm bạn chung nhau sắm lễ vật, thuê thầy đến tận Quốc Tử Giám làm lễ đúng ban thờ Khổng Tử để mong ngài phù hộ cho cuộc “vượt vũ môn”.
Lễ xong, “thầy” phán mọi việc rất suôn sẻ thành công, cứ yên tâm mà thi. Nhưng không biết do “lễ ít” không linh nghiệm như lời “thầy” đảm bảo, hay chủ quan không học hành kỹ lưỡng mà nhóm có sáu người thì chỉ có 3 người đỗ vào trường đã đăng ký.
Những “ông, bà thầy” mặt "non choẹt"
Không những cuồng bói toán, nhiều bạn trẻ ngày nay còn kiêm luôn cả “hành nghề” xem bói. Khách hàng thường là bạn bè cùng lớp hay người thân trong gia đình. Dễ bắt gặp trong lớp học hay dưới sân trường giờ ra chơi, các cô cậu túm năm tụm ba quanh một “thầy bói” đồng trang lứa. Đó chỉ là bạn bè xem cho nhau, vui là chính, nhưng không ít cô cậu cũng bị ảnh hưởng tâm lý vì những lời “thầy” phán.
Một “thầy đồng” tuổi teen đang “làm việc”.
Đáng nói là trường hợp các “thầy bói” “chuyên nghiệp” chỉ đang độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường. Lần theo chỉ dẫn của một cô bé lớp 9 “sành” bói toán, phóng viên tìm đến nhà một “thầy” khá nổi tiếng tại khu vực Đông Anh (Hà Nội).
Bước vào căn nhà nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi ngạc nhiên khi “thầy” là một cậu nhóc trạc 14, 15 tuổi, trắng trẻo, mặt non choẹt,giọng nói còn đang vỡ tiếng nhưng đã có cử chỉ “đạo mạo” không hề kém cạnh các “thầy” lớn tuổi.
Theo lời hàng xóm, trước đây “cậu” Hùng, tên “thầy” bói, cũng giống như những đứa trẻ bình thường khác, chỉ mỗi cái ít nói. Cách đây không lâu, bỗng nhiên Hùng thay đổi, thích nghiên cứu các loại sách về phong thủy, tướng số, đặc biệt là cúng vái, hành lễ rất “dẻo”.
Trong thời gian đấy, gặp ai cậu cũng tự nguyện xem hộ, ban đầu gia đình còn cho là lạ, sau thấy cậu “phán gì cũng đúng”, người xung quanh bắt đầu kéo đến xem. Người hàng xóm này cho biết thêm, người nhà “cậu” Hùng cũng nhiều lần đi tìm “thầy” khác để xem, nghe đâu cậu được “ăn lộc” đồng cô, đồng cậu nào đấy.
Hỏi thêm về việc học hành thì người này chép miệng: “Ăn lộc “các ngài” mà, tôi thấy “cậu làm việc” cả ngày”.
Đây không phải là trường hợp cá biệt, hiện nay độ tuổi của “các thầy” đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Một học sinh lớp 9 trường trung học cơ sở tại khu vực Thanh Xuân dẫn chứng thêm về người bạn gái cùng lớp, trước đây cũng là “fan cuồng” của các thể loại bói toán.
Gần đây, cô bé tự nhiên tuyên bố mình có “căn” hầu đồng, có thể xem được chuyện quá khứ tương lai và cúng vái thông thạo trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, gia đình. Tuy nhiên, trường hợp các “thầy đồng” tuổi teen vẫn theo học được như “cậu” Hùng khá hiếm, phần lớn sau khi “phát căn” đều nghỉ học ở nhà để làm việc “hầu thánh”.
Chưa có lời giải thích cho hiện tượng “căn quả” của các “ông, bà thầy” tuổi teen, tuy nhiên với hiện tượng cuồng tín của giới trẻ đã có nhiều luồng ý kiến.
Theo thạc sỹ Đỗ Thị Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội: “Có 3 lý do chính dẫn đến hiện tượng trên: Thứ nhất, do các bạn trẻ đang phải chịu áp lực quá lớn trước kỳ vọng của cha mẹ trong khi năng lực của các em có hạn, không thể hoặc không đủ tự tin để đáp ứng kỳ vọng đó nên các em sẽ cầu cứu đến việc bói toán cúng lễ. Thứ hai là do tâm lý tò mò, muốn biết trước tương lai. Cuối cùng là do a dua, bắt chước lẫn nhau”.
Ngoài ra, một yếu tố khiến không nhỏ khiến giới trẻ “cuồng mê tín” xuất phát từ chính gia đình các em. Cuộc sống ngày càng bận rộn, bố mẹ nhiều khi mải mê chạy theo công việc, không quan tâm đầy đủ đến con cái, tìm mọi cách để “cầu lợi, cầu danh”, kể cả việc cậy nhờ đến “thần thánh”.Sống trong môi trường như thế, ngay từ nhỏ các bạn trẻ đã dần “ngấm” và bị ảnh hưởng, dẫn đến hậu quả dồn hết niềm tin, thậm chí dựa dẫm quá nhiều vào “thần thánh”, coi đó là “kim chỉ nam”, là phao cứu sinh trong mọi việc của cuộc sống.