Thấy con học hành căng thẳng, phụ huynh Hà Nội quan tâm thì nhận về một câu "sốc óc", bất lực không nói nên lời
Nhiều phụ huynh cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Giai đoạn ôn thi cho các kỳ thi quan trọng là thời điểm đầy căng thẳng đối với bất kể học sinh nào. Áp lực từ việc học tập, kỳ vọng của gia đình, và sự lo lắng về kết quả dễ khiến con trẻ trở nên nhạy cảm, dễ cáu gắt. Nhiều bậc phụ huynh, với mong muốn động viên và hỗ trợ con, thường cố gắng trò chuyện, hỏi han, nhưng không ít lần lại nhận về sự phản kháng hoặc thái độ tiêu cực.
Mới đây, trong một hội nhóm trên Facebook, một phụ huynh Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện tương tự mình vừa gặp phải. Theo đó, con vị này đang học lớp 12, khi thấy con ôn thi căng thẳng để chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới, người mẹ này không khỏi lo lắng. Muốn đồng hành cùng con trong giai đoạn này, người mẹ thường xuyên hỏi han, quan tâm con nhưng mỗi lần như thế, con lại nổi cáu vô cớ. Đỉnh điểm, có lần con còn nói: "Bố mẹ chỉ làm con áp lực thêm thôi!".
"Thực sự không biết làm sao luôn ạ, có bố mẹ nào đang có con học lớp 12 không, cho mình xin ít lời khuyên với", người mẹ nói.
Bên dưới phần bình luận, nhiều phụ huynh đồng cảm cho hay mình cũng từng rơi vào tình huống tương tự. Thấy con học hành vất vả, nhưng khi quan tâm con lại "phản kháng" khiến họ không tránh khỏi sự chạnh lòng.
- Con mình đang học lớp 9, chuẩn bị lên 10. Nhiều lúc mình hỏi han quan tâm thì con cũng tỏ rõ thái độ không thích. Tầm này của các con khi được bố mẹ quan tâm đến đều thế hay sao ấy, bố mẹ thì cứ lo lắng mãi thôi. Nhiều người bảo kệ nhưng mà kệ con sao được chứ.
- Con nhà mình cũng thế. Đang chuẩn bị thi đại học, nhiều lúc hỏi định hướng ngành nghề của con là gì thì con không nói, lo quá.
- Con đang căng thẳng, không chỉ áp lực từ bên ngoài như gia đình, bạn bè, xã hội mà có thể là chính con còn tự áp lực bản thân. Bố mẹ tốt nhất để con thoải mái, đặc biệt là trong chuyện học hành. Lời động viên, hỏi han nếu không nói đúng thì nó sẽ là lời kỳ vọng tạo áp lực, nên tốt nhất đừng dùng lời nói, chỉ quan tâm âm thầm bằng hành động thôi mẹ ạ.
- Tối qua mình hỏi con, hôm trước con có chuyện gì muốn nói với mẹ à, con bảo lúc nào, con không nhớ. Mình bảo hôm trước lúc đi đường ấy, (thật ra là chuyện bâng quơ thôi, mình vơ vào để lấy lý do). Mình hỏi lại "thế con có chuyện gì muốn nói với mẹ không", thì con bảo "chưa đến lúc". Rồi mình hỏi thêm một số câu nữa thì con cười bảo: "Mẹ định thao túng con à?". Mình đáp: "Không mẹ chỉ muốn biết có liên quan đến con không thôi. Lúc nào con sẵn sàng thì có thể chia sẻ với mẹ".
Nói chuyện với bọn trẻ mình cứ nhây nhây thì mẹ con lúc nào cũng vui vẻ. Hứng lên tâm sự đến 2, 3h sáng. Cái này là do sự kiên trì và cố gắng bước vào thế giới nội tâm của con 1 cách hài hước không phán xét mẹ à.
- Mẹ đừng hỏi han gì lúc con đang tập trung vào việc của con. Bởi như thế sẽ làm gián đoạn tư duy của con, vậy nên con mới cáu. Cứ theo dõi, hỗ trợ con bổ sung đủ dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe cho con.
Cũng nhân đây, nhiều phụ huynh tỏ ra thắc mắc về cách "gỡ rối" khi cha mẹ và con cái không tìm được tiếng nói chung. Đặc biệt là vào giai đoạn các con ôn thi căng thẳng, con thường nổi giận vô cơ với chính lời quan tâm, hỏi han, săn sóc của cha mẹ.
Phụ huynh cần làm gì trong thời điểm con học tập căng thẳng?
Trong giai đoạn ôn thi căng thẳng, học sinh thường có những biểu hiện khác lạ như cáu giận hoặc mất kiên nhẫn, đặc biệt trước sự quan tâm từ phía phụ huynh. Điều này có thể khiến cho không khí trong gia đình trở nên nặng nề và áp lực. Để xoa dịu tình hình và tạo môi trường học tập tích cực, dưới đây là một số điều mà phụ huynh có thể thực hiện.
Đầu tiên, phụ huynh cần thể hiện sự cảm thông và chia sẻ. Hãy thảo luận với con mình về cảm xúc của chúng, đồng thời giải thích rằng bạn hiểu áp lực mà chúng đang phải đối mặt. Khi con cáu giận, thay vì phản ứng lại hoặc la mắng, hãy lắng nghe một cách bình tĩnh và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng đó.
Thứ hai, hãy đặt ra các giới hạn rõ ràng nhưng cũng linh hoạt với con. Cần phân biệt giữa việc quan tâm và sự áp đặt. Đôi khi, việc giảm bớt số lần hỏi han và giúp con tự quản lý thời gian học tập của mình có thể là cách tốt hơn để thể hiện sự quan tâm.
Thứ ba, khuyến khích con tìm kiếm các phương pháp giảm căng thẳng. Điều này có thể là các hoạt động như thể thao, nghe nhạc, hoặc thậm chí là việc đơn giản như đi dạo. Hãy cùng tham gia hoặc tạo điều kiện để con có thể thư giãn và tái tạo năng lượng.
Cuối cùng, tạo dựng sự hợp tác và đồng lòng trong gia đình. Điều này có thể bắt đầu từ việc lập kế hoạch ôn tập cùng con và thiết lập mục tiêu học tập rõ ràng. Sự ủng hộ này không chỉ giúp con có động lực mà còn giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về quá trình học của con.
Bằng cách thực hiện những điều trên, phụ huynh không chỉ giúp con giảm bớt áp lực mà còn thúc đẩy mối quan hệ tích cực, giúp tìm ra tiếng nói chung trong gia đình. Điều quan trọng nhất là duy trì sự kiên nhẫn, luôn lắng nghe và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tổng hợp