Thay "áo mới" cho bếp theo các mức tiền

Theo SGTT,
Chia sẻ

Bạn muốn đem lại một diện mạo mới cho nhà bếp của mình nhưng lại băn khoăn về túi tiền? Gợi ý sau sẽ giúp bạn thực hiện những thay đổi đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm nhưng hiệu quả.

Nếu có khoảng 2 – 3 triệu đồng, bạn có thể:

Thay các tay nắm: việc này rất dễ dàng, bạn có thể tự mình thực hiện với một cây tuốcvít. Rất đa dạng về phong cách (đơn giản, hiện đại, tân cổ điển...), hình dạng (chữ nhật, vuông, tròn, dài, hình vỏ sò...) và vật liệu (inox, đồng, gỗ, sứ...), tay nắm mới sẽ đem lại nét mới lạ và cá tính cho nhà bếp. Điều duy nhất bạn cần quan tâm khi đi mua các sản phẩm này là phải đảm bảo kích thước của chúng phù hợp với đồ dùng trong nhà bạn.

Thay đổi hệ thống chiếu sáng: để có được một ánh sáng vừa hợp lý, vừa tiện nghi và vừa đóng vai trò là yếu tố trang trí trong nhà bếp, cần có sự phối hợp giữa nhiều nguồn sáng khác nhau: đèn chiếu điểm, đèn dưới các tủ kệ, đèn LED điều chỉnh được cường độ sáng để làm sinh động các không gian trong góc khuất, các đèn trên trần để tạo ánh sáng chung cho toàn không gian. Nếu muốn nhấn mạnh yếu tố trang trí, bạn có thể sử dụng các loại đèn thả trần có kiểu dáng đơn giản (hình nón, hình cầu, hình trụ...)

Thay các bản lề cửa và ray trượt ngăn kéo: những phụ kiện này sau một thời gian sử dụng sẽ bị xuống cấp. Thay chúng bằng những phụ kiện mới sẽ mang lại cho bạn cảm giác an tâm, chắc chắn, thoải mái với cùng những vật dụng cũ trước đây.


Tùy theo túi tiền, bạn có thể làm mới nhà bếp ở các mức độ khác nhau

Nếu có khoảng 6 – 7 triệu đồng, bạn có thể:

Thay các cánh cửa/mặt ngoài của tủ bếp: bạn có thể thay một phần hay thay toàn bộ mặt ngoài tủ bếp của bạn. Bố trí một vài cánh cửa bằng kính cho phần tủ phía trên sẽ đem lại vẻ nhẹ nhàng cho nhà bếp. Nhà bếp của bạn sẽ độc đáo hơn với mặt ngoài của các ngăn kéo bằng kính màu.

Thay mặt bếp: nhà bếp của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi nếu bạn sử dụng một màu mới hay thậm chí một vật liệu hoàn toàn mới cho mặt bếp. Có rất nhiều lựa chọn cho bạn: đá tự nhiên, đá nhân tạo, gỗ... và bạn cũng hoàn toàn có thể pha trộn các loại vật liệu này với nhau.

Thay vật liệu ốp tường: giữa tủ bếp dưới và trên của bạn thường có một khoảng tường được ốp các vật liệu có độ bền và tính chùi rửa cao. Việc thay vật liệu này không gây xáo trộn nhiều đến sinh hoạt của bạn mà lại góp phần tích cực trong việc đem lại một diện mạo mới cho nhà bếp. Tương tự như mặt bếp, có rất nhiều lựa chọn về vật liệu cho mảng tường này: gạch ceramic, mosaic, đá tự nhiên, đá nhân tạo, kính cường lực màu...

Thay bồn rửa và vòi nước mới: bồn rửa và vòi nước dùng lâu ngày sẽ bị xỉn màu và trông cũ kỹ, dù bạn có siêng năng lau chùi đến đâu chăng nữa. Việc thay thế các vật dụng này sẽ làm cho nhà bếp của bạn trông sáng sủa và sạch sẽ hơn.

Nếu có trên 15 triệu đồng...

Với số tiền này, bạn có thể tiến hành các thay đổi ở trên cùng với việc thay thế một số trang thiết bị trong nhà bếp như lò vi sóng, tủ lạnh, lò nấu... Trên thị trường hiện nay có những thiết bị nhỏ gọn, giá hợp lý và có màu sắc tươi tắn sẽ giúp mang lại một luồng sinh khí mới cho nhà bếp của bạn.

Nếu bạn đang sống trong một ngôi nhà mình yêu thích, hãy cùng Chia sẻ không gian sống của bạn bằng cách liên hệ theo email nhadep@afamily.vn hoặc điện thoại 04.3.9743410/281.

Chúng tôi cũng rất hoan nghênh sự hợp tác từ phía các công ty kiến trúc, xây dựng để giới thiệu đến độc giả những ngôi nhà đẹp do các bạn thiết kế hoặc theo hình thức làm bài tư vấn cho độc giả.

Nếu bạn muốn cộng tác bài vở với mục Nhà đẹp, đừng ngần ngại liên lạc với chúng tôi theo email nhadep@afamily.vn, hoặc điện thoại 04.3.9743410/281. Bài viết của bạn sẽ được trả nhuận xứng đáng.

Chia sẻ