Thấp tim - Thủ phạm chính của các bệnh van tim
tổn thương van tim do thấp là một trong những bệnh tim mạch thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến nguy cơ suy tim, thậm chí tử vong.
GS.TS. Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch ASEAN cho biết, tổn thương van tim do thấp là một trong những bệnh tim mạch thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến nguy cơ suy tim, thậm chí tử vong. Trong điều kiện hiện nay, cần thiết phải phát triển nhiều tiến bộ để điều trị bệnh lý này.
Nhiều người bị suy tim nặng mới đến bệnh viện chữa trị
Chị Nguyễn Thị Th., 36 tuổi (Hạ Hòa - Phú Thọ) đến Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, suy tim nặng.
Theo các bác sĩ, chị Th. bị tổn thương van tim rất nặng dẫn đến tim bị suy. Các biện pháp điều trị nội khoa không còn đáp ứng được, để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật thay van tim.
Nhiều người bị suy tim nặng mới đến bệnh viện chữa trị
Chị Nguyễn Thị Th., 36 tuổi (Hạ Hòa - Phú Thọ) đến Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E trong tình trạng khó thở, mệt mỏi, suy tim nặng.
Theo các bác sĩ, chị Th. bị tổn thương van tim rất nặng dẫn đến tim bị suy. Các biện pháp điều trị nội khoa không còn đáp ứng được, để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật thay van tim.
Chị Th. cho biết, chị phát hiện ra hở van tim từ khi mang thai đầu tiên cách đây 7 năm, nhờ có các bác sĩ, chị đã may mắn vượt cạn an toàn và cũng không dám sinh tiếp nữa.
Mặc dù được khuyến cáo phải theo dõi điều trị bệnh thường xuyên nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, lại ở xa những bệnh viện lớn nên chị ít quan tâm đến bệnh.
Thời gian gần đây, sức khỏe suy sụp nhiều, đến nỗi chỉ đi bộ một quãng đường ngắn cũng khiến chị không thở được chị mới quyết định xuống Hà Nội kiểm tra sức khỏe và thật buồn là bệnh của chị đã biến chứng rất nặng.
PGS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E cho biết, nhiều người bị bệnh van tim (hẹp/hở van hai lá, van động mạch chủ) đến viện trong tình trạng đã có nhiều biến chứng nặng đe dọa đến tính mạng họ mới tìm đến bệnh viện, lúc này quá trình điều trị phức tạp và tốn kém hơn nhiều. Trong nhiều trường hợp phải có chỉ định phẫu thuật sửa van hoặc thay van mới có thể cứu sống được.
Thấp tim là thủ phạm chính của các bệnh van tim
TS. Phạm Mạnh Hùng - Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, đến nay chưa có một điều tra cụ thể nào về tình trạng hẹp van tim trong cộng đồng nhưng số người mắc bệnh này đến bệnh viện điều trị vẫn khá phổ biến. Hẹp van hai lá chủ yếu do hậu quả của thấp tim gây nên.
Thủ phạm dẫn đến thấp tim là nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Người ta ước tính có tới 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị nhiễm liên cầu khuẩn beta, trong đó biến chứng sang thấp tim là 3 -5%. Van hai lá và van động mạch chủ là dễ bị tổn thương nhất bởi thấp tim.
Trong đó chủ yếu là hẹp/hở van hai lá dẫn đến những rối loạn về huyết động. Người bệnh có thể sẽ chịu nhiều biến chứng như phù phổi cấp, suy tim nặng, tắc mạch, rối loạn nhịp, suy tim mạn... Nếu hẹp hai lá xảy ra từ trẻ nhỏ thì đó là tình trạng còi cọc, chậm phát triển.
Đối với những sản phụ, các bệnh van tim đe doạ đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai và đặc biệt khi sinh nở nếu không được điều trị và kiểm soát bệnh tốt.
Việt Nam là nước có nhiều thành công về điều trị bệnh van tim
Theo các chuyên gia tim mạch, điều trị cho những bệnh nhân tim mạch liên quan đến nhiễm khuẩn này vẫn còn là gánh nặng trong khi các bệnh lý tim mạch do rối loạn chuyển hóa cũng đang ngày một gia tăng.
Tại những trung tâm tim mạch lớn như Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E), Khoa phẫu thuật tim mạch - lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức), các kỹ thuật phẫu thuật sửa van, thay van được tiến hành hoàn hảo cùng sự hỗ trợ của các thiết bị phẫu thuật lồng ngực hiện đại.
Cùng với sự phát triển về nội khoa và phẫu thuật, tim mạch can thiệp cũng khẳng định những ưu thế vượt trội trong điều trị các bệnh lý tim mạch, trong đó nổi bật là về động mạch vành và bệnh van tim.
Với kỹ thuật dùng bóng nong Inoue, chỉ với một vết chích nhỏ (vài milimet) ở tĩnh mạch đùi, bóng nong được đưa vào qua vị trí van bị hẹp, bơm căng bóng làm hai mép van tim bị dính do thấp tim được tách ra và lỗ van được tách rộng ra, giải quyết hiệu quả những rối loạn tuần hoàn mà hẹp van tim gây ra.
Quá trình làm thủ thuật diễn ra trong khoảng 30 phút, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, không phải gây mê, có thể ra viện vào ngày hôm sau.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là điều trị cho bệnh nhân bị hẹp hai lá mà bị suy tim nặng (không thể phẫu thuật được); phụ nữ có thai; trẻ em bị hẹp hai lá; bệnh nhân bị hẹp van tim có kèm theo các biến dạng lồng ngực, gù vẹo cột sống...
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng C4 - Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, kỹ thuật này đã trở thành thường quy tại Viện Tim mạch Việt Nam với số người bệnh được điều trị thành công trên 5.000 người, đưa nơi đây thành một trong những trung tâm điều trị hẹp van tim bằng bóng Inoue lớn nhất thế giới và là nơi trao đổi kinh nghiệm cho nhiều quốc gia khác.
Chi phí điều trị tại Việt Nam cũng chỉ bằng 1/6 - 1/10 ở các nước khác. Biện pháp nong van bằng bằng bóng qua da còn được ứng dụng điều trị các bệnh hẹp van tim khác do bẩm sinh hoặc mắc phải như hẹp van động mạch phổi, hẹp van động chủ, hẹp van ba lá...
Thời gian gần đây, trên thế giới đã bắt đầu dùng các biện pháp can thiệp qua đường ống thông để thay van tim nhân tạo cho những trường hợp van động mạch chủ bị thoái hoá, kỹ thuật sửa van hai lá qua da cũng đang được tiến hành. Viện Tim mạch Việt Nam đã sẵn sàng phục vụ người bệnh bằng những kỹ thuật này.
GS. TS Phạm Gia Khải- Chủ tịch Hội tim mạch ASEAN, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam: "Phòng chống thấp tim là một biện pháp quan trọng ngăn ngừa các biến chứng tim mạch".
Trước đây, bệnh nhân suy tim có liên quan đến thấp tim là 70%, với những cải thiện trong điều kiện sống và các biện pháp điều trị nên hiện nay còn khoảng 30% người suy tim, tổn thương van tim có liên quan đến thấp tim.
Tại các nước Mỹ latinh, tình trạng này cũng khá phổ biến nhưng quá trình dự phòng thấp cấp I, II của họ rất tốt nên đến nay bệnh đã giảm đáng kể.
Ở nước ta, phòng chống thấp tim bắt đầu phát triển từ năm 2001. Đây là biện pháp cơ bản ngăn ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm. Biện pháp này được chia làm 2 cấp.
Cấp I là ngăn chặn các yếu tố nguy cơ (di truyền, gia đình, kiểm soát và điều trị tốt tình trạng nhiễm khuẩn như viêm họng...);
Cấp II là làm cho các yếu tố nguy cơ không phát triển thêm, đó là điều trị cho bệnh không dẫn đến biến chứng hoặc có biến chứng thì cần điều trị nội khoa, can thiệp hoặc phẫu thuật.
Thời gian từ khi nhiễm liên cầu khuẩn beta nhóm A gây thấp tim đến tổn thương van tim có thời gian vài năm đến 10 năm.
Biện pháp tiêm phòng thấp bằng peniciline chậm cần được tiến hành đến tuổi 40 - 45 mà không cần phải suốt đời. Tiêm phòng thấp cần được tiến hành ở những đơn vị phòng thấp có điều kiện cấp cứu bởi quá trình tiêm peniciline chậm có thể xảy ra những trường hợp bị phản ứng nặng.
Theo SKĐS