Thấp thỏm sợ "bà Hỏa" ở các chung cư cao tầng

Bài và ảnh: Tiểu Lâm - Khang Thái,
Chia sẻ

Trong vòng chưa đầy một tháng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy ở chung cư. Thế nhưng nhiều cư dân sống trong các chung cư cao tầng lại khá thờ ơ với việc phòng cháy, chữa cháy.

Nhiều chung cư liên tục phát hỏa

20h ngày 11/10, tại khu đô thị Xa La quận Hà Đông, Hà Nội đã xảy ra vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người dân. Nguyên nhân điều tra cho rằng chập điện ở khu vực tầng hầm của tòa nhà CT4. Tuy không có hậu quả về người, nhưng rất nhiều của cải đã bị thiêu hủy hoàn toàn.  

Chung cư CT4A cao 34 tầng, nằm trong quần thể Khu đô thị mới Xa La (Hà Đông, Hà Nội) do Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số I Lai Châu đầu tư. Chủ đầu tư khu Xa La đồng thời sở hữu một số toà chung cư cao tầng thuộc khu đô thị Linh Đàm, Đại Thanh (Hà Nội) và chuỗi khách sạn Mường Thanh trên cả nước. 

Được biết trước đó, cũng tại khu đô thị này cũng đã xảy ra ít nhất ba vụ cháy nổ, lần gần đây nhất là vào khoảng 20h30 ngày 20/9, vụ cháy xảy ra tại chung cư CT5 khu đô thị Xa La. Được biết, khói bốc ra từ tầng 9 của tòa nhà. Rất may, vụ cháy sau ít phút đã được dập tắt và không có thiệt hại về người. 

cháy nổ
Thời gian gần đây rất nhiều vụ cháy chung cư xảy ra trên địa bàn Hà Nội 

Theo ghi nhận, vụ đầu tiên xảy ra vào khoảng 5h sáng ngày 22/12/2012, chung cư 31 tầng CT5B Xa La đã bất ngờ phát hỏa. Đám cháy được cho là khởi phát từ phòng kỹ thuật điện tầng 11. Đám cháy nhanh chóng tạo ra nhiều khói độc, lan dần lên những tầng trên cao. Do cháy vào ngày nghỉ cuối tuần nên có đến hàng trăm người dân của cả hai tòa nhà CT5A- CT5B cùng hốt hoảng tháo chạy xuống sảnh tầng 1. 

Sau hai năm thì vào khoảng trung tuần tháng 8/2014, một trận hỏa hoạn khác đã gây náo loạn khu chung cư cao tầng CT6  Xa La, Hà Đông, Hà Nội. Theo một nhân chứng là nạn nhân của vụ cháy cách đây 1 năm cho biết: "Gia đình tôi sống tại tầng 24 nhà CT6 bên cạnh. Lúc đó, trạm biến áp nổ bắn như pháo hoa trong 2-3 phút, khói bay mù mịt. Người dân ở các tầng hô hào nhau chạy theo cầu thang thoát hiểm xuống dưới sân. Vụ cháy ở nhà CT4 cũng giống chúng tôi cách đây một năm vậy. Chúng tôi bỏ cả đống tiền vào đây mua nhà nhưng bù lại là nỗi lo sợ vì bị cháy liên tục như thế này”.

Nhiều người dân sống trong khu đô thị này lo lắng về sự an toàn của bản thân, gia đình và đặt dấu hỏi về công tác phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư.

Ngoài hai vụ cháy ở Khu đô thị Xa La, Hà Đông vào ngày 11/10 và 20/9, thì tại Hà Nội, trong tháng 9 vừa qua còn xảy ra 3 vụ họa hoạn nằm rải rác ở các khu chung cư khác.

Một vụ cháy nổ đã xảy ra tại một căn hộ thuộc tầng 9, tòa B khu chung cư Xuân Mai, Hà Nội. Vào thời điểm khoảng 18h tối 24/9, người dân phát hiện khói đen nghi ngút bốc ra từ căn hộ B911. Trong khi đó cửa nhà khóa chặt và chủ nhà đi vắng. Khói đen đặc quánh nhanh chóng lan ra hành lang tầng 9 và sang các tầng lân cận. 


cháy
Việc chữa cháy, cứu hộ tại những khu vực này cực kì phức tạp, rủi ro của những người dân sống tại đây cũng cao hơn. Công tác chữa cháy chủ yếu  dựa vào lực lượng và phương tiện thiết bị chữa cháy tại chỗ.  

Trước đó ngày 16/9, một vụ cháy khác bắt nguồn từ tầng 17 tòa nhà HH4a (35 tầng) khu chưng cư Linh Đàm, Hoàng Mai. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do sự cố từ hộp kỹ thuật tầng 17. Điều đáng nói tòa nhà HH4a khu chung cư Linh Đàm với Khu đô thị Xa La Hà Đông là cùng một chủ thầu xây dựng và quản lí.

Ngoài ra, cũng trong năm 2015, cũng đã xảy ra một vài điểm cháy ở các khu chung cư khác, tuy không có thiệt hại về người cũng như tài sản của người dân nhưng tâm lý chung của những hộ dân sống trong các khu chung cư đều nơm  nớp lo sợ mỗi nghi nghe thông tin về tình hình cháy nổ. Chị L.Q.Trang, một người dân sống tại khu chung cư B3 Nam Trung Yên cho rằng: “chỉ cần một nhà cháy là toàn bộ khu dân cư bị hoảng loạn. Ở đây hồi tháng 6 cũng đã xảy cháy rồi đấy”

Người dân TP.HCM thờ ơ với phòng cháy ở chung cư

Vụ cháy ở chung cư Xa La gây phần nào hoang mang cho những người dân nhất là ở những nơi cao tầng. Tại TP.HCM, rất nhiều căn hộ chung cư dù có thiết bị phòng cháy chữa cháy nhưng khi được hỏi thì nhiều người dân tỏ ra thờ ơ với vấn đề này.

chung cư
Tại các chung cư ở TP.HCM hầu hết đều trang bị thiết bị chữa cháy nhưng nhiều người dân tỏ ra thờ ơ và không biết cách sử dụng

chung cư
Nhà bà Loan (chung cư Miếu Nổi) phải mua thêm bình chữa cháy mini trong nhà cho chắc ăn

chung cư
Tại chung cư Mỹ Kim, các hệ thống chữa cháy cũng có nhưng ít người biết sử dụng

chung cư

chung cư
Một bình chữa cháy ở chung cư Miếu Nổi đã hết hạn sử dụng được 7 tháng

Tại chung cư Mỹ Kim (Q.Thủ Đức, TP.HCM), dưới sảnh của hai dãy nhà đều có ít nhất mỗi dãy 4 bình chữa cháy và hệ thống ống dẫn nước, vòi bơm. Các hành lang của các tầng thì cả hai bên cũng đều có hai bình cứu hỏa. 

Tuy nhiên, khi đươc hỏi thì người dân trong chung cư đều tỏ ra không quan tâm lắm tới hệ thống phòng cháy chữa cháy. Ông Lưu Văn Trung (50 tuổi, nhà B2 – 07) cho biết: “Một năm họ có tập huấn 2 lần nhưng tôi cũng không để ý lắm, chỉ tập trung xem thôi. Lần gần nhất tập huấn thì cả hai vợ chồng đi vắng nên đến giờ cũng không biết nếu có cháy thì sẽ làm sao. Nếu cháy thì cứ cắm đầu mà chạy vậy thôi”.

Tương tự, chị Kim Quyên (35 tuổi, nhà B3-05) cũng nói: “Có cháy rồi tính thôi. Tôi ở đây 5 năm rồi, cũng chưa thấy xảy ra sự cố gì”. Trong khi đó, anh Phạm Đức Thiện (nhà B13 -08) lại than thở: “Dân cư ở chung cư này nhiều khi thấy phiền phức vì còi báo cháy hay kêu inh ỏi. Chỉ cần nhà ai nấu gì có khói là còi kêu thé lên. Có ngày, kêu vài lần là bình thường. Riết rồi, nếu xảy ra cháy thật nếu còi kêu chắc cũng không ai để ý”.

Trả lời vấn đề trên, bà Thanh Thủy (đại diện BQL chung cư Mỹ Kim) thừa nhận, trước kia thường xảy ra tình trạng còi báo cháy hay kêu nhưng đã khắc phục được một năm trở lại đây. “Chung cư đều đặn tổ chức tập huấn một năm 2 lần cho người dân và có treo bảng thông báo. Ngoài ra, các hệ thống cứu hỏa cũng được bên phòng PCCC quận kiểm tra khoảng 6 tháng/lần”, bà Thủy cho hay.

Tại chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh), chung cư này được xây từ năm 2000, với 577 căn hộ. Suốt 15 năm tồn tại, nhiều dây, vòi nước, bình chữa cháy ở đây đã hoen rỉ, có bình đã hết hạn sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Trường (nhà B115) chia sẻ: “Các thiết bị ở đây lâu lâu cũng được cơ quan chức năng cho kiểm tra nhưng không đồng bộ. Chẳng hạn như có tầng thì vòi xịt nước đã bị thủng, nước xịt ra khắp nơi. Hay có bình cứu hỏa thì đã hoen rỉ, chỉ để trưng vậy nên người dân chẳng biết có còn khí trong đó không”.

Ở tầng 4 của chung cư Miếu Nổi, khi kiểm tra hạn sử dụng của bình cứu hỏa thì đã trễ hạn đến 7 tháng. Một số bình khác cũng tương tự như vậy. Nhiều hộ dân ở chung cư cũng tỏ ra thờ ơ với việc phòng chữa cháy với lý do là không có thời gian tập huấn vì bận đi làm, đi học.
Chỉ một số người dân có ý thức với việc này. Như bà Loan (khu B) đã mua hẳn bình chữa cháy mini để sẵn trong nhà mình cho chắc ăn, phòng trường hợp hệ thống cứu hỏa có vấn đề. Bà cho biết chung cư của mình có vai lần xảy ra cháy nhỏ và người dân đều hoảng loạn vì không có kỹ năng xử lý.

Bà Trần Ngọc Bạch (phó BQL Chung cư Miếu Nổi) cho biết: “Mỗi tầng đều có ít nhất 2 bình chữa cháy tập thể. Mỗi năm hộ dân được học kỹ năng 2 lần từ nhiều năm nay nên việc PCCC đã đi vào nề nếp. Vấn đề còn lại là ý thức của hộ dân. Về các thiết bị đã cũ kỹ thì bên chung cư đang có kế hoạch để thay mới những phần hư hỏng”.

Trả lời báo chí,  Đại tá Nguyễn Văn Lâm - Chánh thanh tra cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội đã nêu những khó khăn khi phòng cháy chữa cháy tại các khu chưng cư cao tầng như: Hiện nay ở Hà Nội thang dùng trong PCCC chủ yếu là loại thang 56 m. Thang này thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn phục vụ chữa cháy. Từ tầng 13 trở xuống thì việc dùng xe thang để tiếp cận đám cháy, giải cứu những nạn nhân đang mắc kẹt bên trong còn thuận tiện, nhưng khi lên trên cao hơn thì rất vất vả, hạn chế hơn. Mặt khác, các thiết bị phòng cháy và chữa cháy tại chỗ tại các khu chung cư cao tầng chưa đáp ứng được về tiêu chuẩn, còn rất hạn chế nên khi đám cháy xảy ra, công tác cứu hỏa tại hiện trường gặp nhiều khó khăn. 

Ngoài ra, tình trạng giao thông thường xuyên ùn tắc, đường hẹp, ngõ ngách, dây điện nhằng nhịt cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc triển khai các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ tại các khu chung cư cao tầng.

Đặc biệt, với các khu chung cư cao tầng nằm trong ngõ sâu, xe cứu hỏa không thể trực tiếp tiếp cận được đám cháy cho nên khó khăn, hạn chế trong việc chữa cháy là rất lớn. Việc chữa cháy, cứu hộ tại những khu vực này cực kì phức tạp, rủi ro của những người dân sống tại đây cũng cao hơn. Công tác chữa cháy chủ yếu  dựa vào lực lượng và phương tiện thiết bị chữa cháy tại chỗ.  

Nếu cơ sở làm tốt việc này thì khi có hỏa hoạn xảy ra, các lực lượng chuyên nghiệp đến sẽ dễ dàng thao tác chữa cháy và hiệu quả chữa cháy sẽ cao. Ngược lại, nếu phương tiện yếu kém thì hiệu quả chữa cháy sẽ  rất hạn chế.

Chia sẻ