Thành phố Venice lại "thất thủ" trước triều cường vì... dự báo sai
Thành phố kênh đào Venice lại chìm trong biển nước khi triều cường dâng cao 1,4m. Điều đáng nói là hệ thống đập chắn lũ MOSE không phát huy tác dụng do dự báo sai.
Một trong những địa điểm nổi tiếng hứng chịu tình trạng lụt lội nhiều nhất là Vương cung thánh đường St. Mark. Khi nước tràn vào đây, người dân Venice nhận thấy hệ thống đập nhân tạo lưu động MOSE một lần nữa không phát huy tác dụng.
Địa danh nổi tiếng là Vương cung thánh đường St. Mark ngập trong nước lụt. (Ảnh: Xinhua)
Ông Carlo Alberto Tesserin, đại diện của Vương cung thánh đường St Mark, nói: "Tình hình thật tồi tệ, nhà thờ ngập đến đáng kinh ngạc". Ông cũng cho biết tiền sảnh trong nhà thờ 1.000 năm tuổi bị ngập hoàn toàn. Nếu triều cường dâng cao hơn nữa thì các nhà nguyện bên trong cũng bị ngập.
Quảng trường St. Mark nổi tiếng giờ mênh mông trong bể nước sau triều cường. (Ảnh: AP)
Mặc dù người dân Venice đã không còn xa lạ với các đợt triều cường. Họ đã kỳ vọng hệ thống MOSE có thể giải quyết cảnh ngập lụt mỗi khi triều cường dâng cao. Nhưng lần này thì không. Đó là bởi các bản tin thời tiết dự đoán triều cường dâng cao 1,2m - thấp hơn mức 1,3m để kích hoạt hệ thống đê chắn lũ MOSE. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dự báo này đã sai khi triều cường cao tới 1,45m và nhanh chóng tràn vào, biến Venice thành biển nước.
Người dân và khách du lịch phải "xắn quần" lội nước khi mực nước ngập đến gần đầu gối. (Ảnh: AP)
"Để kích hoạt MOSE, cần một dự báo mực nước ở mức cao hơn", Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro nói với hãng thông tấn Italy Agi. "Chúng tôi sẽ phải xem xét lại các nguyên tắc hoạt động của hệ thống điều khiển."
Người dân Venice “vượt lũ” bằng ủng cao su và ô để che gió. (Ảnh: AP)
Những chiếc cầu đi bộ tạm được dựng lên để giúp việc đi lại dễ dàng hơn. (Ảnh: AP)
Các đợt nước dâng cao ở Venice thường xuất hiện vào thời điểm từ tháng 10 tới tháng 3 hàng năm, chủ yếu ảnh hưởng tới hai khu vực thấp nhất thành phố là San Marco và Rialto. Hiện tượng này do nhiều yếu tố kết hợp gây ra, bao gồm triều cường cao bất thường, áp suất khí quyển thấp và gió lớn.
Khu vực xung quanh cây cầu nổi tiếng Rialto cũng ngập trong nước. (Ảnh: AP)
Người dân Venice đã không còn xa lạ gì với cảnh ngập lụt mỗi lần triều cường. (Ảnh: AP)
Khoảnh khắc lãng mạn hiếm hoi khi một cặp đôi cõng nhau qua nước ngập. (Ảnh: AP)
Các cửa hàng, quán cà phê và địa điểm ăn uống đều phải đóng cửa do tình hình nước ngập, nhưng chưa rõ mức độ thiệt hại.
Các cửa hàng, quán cà phê và địa điểm ăn uống đều phải đóng cửa do tình hình nước ngập, nhưng chưa rõ mức độ thiệt hại. (Ảnh: AP)
Một số cửa hàng cố gắng tìm cách ngăn tạm dòng nước bằng các miếng gỗ chặn tạm bợ trước cửa. (Ảnh: AP)
Những con thuyền gondola đặc trưng của Venice trông như "mắc cạn" khi triều cường lên. (Ảnh: AP)
Tình trạng này khiến người dân Venice vừa "ngán ngẩm", vừa thất vọng khi cho rằng hệ thống chắn nước tỷ đô đã không hoạt động như mong muốn.
Đại công trình chắn nước MOSE bao gồm 78 cửa chắn lũ lắp ở đáy biển tại ba lối vào chính của phá nước. Nó được thiết kế để nâng lên trong vòng 30 phút, tạo ra bức tường thành khổng lồ có khả năng ngăn nước biển Adriatic dâng cao tới 3 mét tràn vào phá nước gây ngập lụt cho thành phố.
Đại công trình chắn nước MOSE bao gồm 78 cửa chắn lũ được kỳ vọng sẽ chắn nước tràn vào thành phố. (Ảnh: EPA)
Thành công này đánh dấu lần đầu tiên sau 1.200 năm thành phố kênh đào được giữ khô ráo bất chấp thủy triều dâng cao. Dự án MOSE đã tiêu tốn khoảng 7 tỷ euro (8 tỷ USD) so với ước tính ban đầu là 2 tỷ euro. Nó được khởi công năm 2003 và dự kiến được hoàn thành vào năm 2011. Tuy nhiên phải đến tháng 10/2020, tức là trễ hẹn gần 9 năm thì hệ thống mới có thể đưa vào sử dụng.
Hệ thống MOSE từng bảo vệ Venice khỏi ngập lụt lần đầu tiên sau 1.200 năm vào tháng 10 năm nay. (Ảnh: CNN)
Trên thực tế, MOSE - hệ thống chống lũ lụt ở Venice - mới được đưa vào thử nghiệm lần đầu tiên từ tháng 7 và đã từng được kích hoạt 5 lần để giúp Venice "thoát" ngập thành công. Vào đầu tháng 10, những tấm chắn sóng khổng lồ của hệ thống đã nâng cao để bảo vệ thành phố kênh đào trước triều cường.
Cách đây hơn 1 năm, Venice từng trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng nhất 50 năm. (Ảnh: NYT)
Trong những năm gần đây, tần suất và mức độ thiệt hại do nước cao gây ra ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Cách đây hơn 1 năm, thành phố bị tàn phá bởi đợt nước dâng cao lịch sử 1,87 mét, khiến gần 90% diện tích Venice chịu ngập lụt. Đây cũng là trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong gần 50 năm và khiến thành phố thiệt hại tới 1 tỷ USD. Hàng chục nhà thờ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới đã bị hư hại.