Thành phố tội lỗi nhất trái đất
Port Royal, nơi từng là hang ổ của cướp biển, đã gặp phải định mệnh thảm khốc 325 năm trước.
Để mô tả về Port Royal, một hòn đảo ở Đông Nam Jamaica, giới khảo cổ thường nhắc tới biệt danh "thành phố tội lỗi nhất trái đất". Nơi đây từng ghi dấu nào là cướp biển, những tay săn kho báu đến các cuộc chinh phạt hải quân, cướp bóc… Thức ăn thừa mứa, rượu chè be bét, cờ bạc tệ nạn và gái gú được cho là những hình ảnh nhan nhản ở Port Royal vào thế kỷ XVII ấy.
Tuy nhiên, sự ngông cuồng, vô độ ở thành phố cảng giàu nhất quần đảo Tây Ấn (nằm giữa vùng Caribe và Đại Tây Dương) nhanh chóng chấm hết vào đúng 11 giờ 43 phút ngày 7-6-1692!
Port Royal ban đầu thuộc về người Taino, người da đỏ bản địa vùng Caribe. Không rõ người Taino có định cư trong khu vực hay không, chỉ biết họ tận dụng Port Royal trong các chuyến đánh cá khơi xa. Khi Tây Ban Nha đô hộ Jamaica, Port Royal cũng nằm dưới quyền kiểm soát của quốc gia châu Âu này. Tuy nhiên, cũng như người Taino, người Tây Ban Nha không để tâm lắm đến hòn đảo.
Năm 1654, hai chỉ huy người Anh là Robert Venables và William Penn thừa lệnh của Oliver Cromwell - nhà lãnh đạo chính trị và quân sự nổi tiếng của nước Anh – đến chiếm hòn đảo nay là Haiti trong tay quân Tây Ban Nha.
Bại trận và sợ bị Cromwell biết được, hai người này quyết định thẳng theo hướng Tây Nam đến một hòn đảo khác phòng bị kém hơn của Jamaica. Họ chiếm được hòn đảo và xây nên pháo đài Cromwell. Quanh pháo đài sau đó mọc lên khu định cư mang tên Point Cagway. Đến khi vua Charles II lấy lại được ngai vàng vào năm 1660 (trước đó ông bị Cromwell đánh bại), pháo đài được đổi tên thành pháo đài Charles và khu định cư trở thành Port Royal.
Nhờ có bến cảng lớn và được bảo vệ kỹ lưỡng, cộng với vùng nước sâu gần bờ, Port Royal nhanh chóng phát triển thành trung tâm buôn bán quan trọng ở vùng Caribe và thậm chí là thành phố cảng sầm uất và giàu có nhất quần đảo Tây Ấn.
Nhưng cũng vì vị trí chiến lược nằm trên tuyến đường thương mại giữa Tân thế giới và Tây Ban Nha mà Port Royal trở thành "thỏi nam châm" hút những tên cướp biển muốn "hợp pháp" hơn bằng cách trở thành người của tàu lùng (tức tàu của tư nhân được chính phủ giao nhiệm vụ đi bắt tàu buôn địch). Một trong những cướp biển nổi tiếng và thành công nhất với con đường này ở Port Royal là Henry Morgan, người sau đó trở thành phó thống đốc của Jamaica.
Những ngày huy hoàng của Port Royal sớm tàn. Một trận động đất rất mạnh kéo theo sóng thần ập xuống đây vào năm 1692. Trận động đất mạnh 7,5 độ theo thang đo Richter đã hóa lỏng nền đất bên dưới Port Royal, kéo 2/3 thành phố (hơn 13 ha) chìm sâu xuống biển chỉ trong vòng vài phút. Sóng thần và nhà sập sau đó khiến khoảng 1.600 người mất mạng và khoảng 3.000 người bị thương nặng. Thêm chừng 3.000 người nữa tử vong những ngày tiếp theo do bị thương và bệnh dịch.
Sau thảm họa, không khó hiểu khi người ta cho rằng cư dân Port Royal hứng chịu bi kịch là do bị trừng phạt vì những tội lỗi trước đó. Các thành viên của Hội đồng Jamaica tuyên bố: "Chúng ta thành ra thế này là do phán quyết nặng nề của Chúa toàn năng".
Động đất và sóng thần qua đi, Port Royal đối mặt thêm nhiều tai họa nữa, bao gồm hỏa hoạn và các cơn bão. Tất cả những điều này làm người dân quay lưng với cướp biển. Cái kết bi thảm của Port Royal cũng đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của hải tặc tại vùng Caribe.
Ngày nay, Port Royal trở thành một trong những kho báu cho nền khảo cổ học hiện đại, khơi gợi về những hình ảnh độc đáo của đời sống thế kỉ XVII.
Chỉ tồn tại 37 năm trước khi bị xóa sổ, thành phố bị chìm duy nhất ở bán cầu Tây này vẫn được bảo tồn trong môi trường nước biển ở độ sâu 12 m. Khi động đất ập đến, một số nơi của thành phố bị san bằng trong khi những khu vực cứ thế trượt xuống biển trong tình trạng gần như còn nguyên vẹn hoàn toàn.
Trang web của UNESCO từng mô tả một con đường ở tàn tích Port Royal như sau: "Nhiều thùng chứa rác của ngày hôm đó vẫn tồn tại, bên trong có cả phần râu và tóc sau khi tỉa tót của một người đàn ông. Nhiều món đồ gốm sứ hoặc còn nguyên hoặc bị vỡ khi rơi xuống. Được bảo tồn hoàn hảo".
Ngay cả thời khắc xảy ra động đất chính xác cũng được lưu dấu, thông qua chiếc đồng hồ bỏ túi được tìm thấy trong đống đổ nát vào năm 1960. Kim của nó dừng lại đúng khoảnh khắc thảm họa giáng xuống.