Thanh niên 20 tuổi sốt cao, đi khám phát hiện phổi trắng xóa: Tác nhân gây bệnh quen thuộc đến bất ngờ
Một nam thanh niên họ Lý (20 tuổi), ở Trung Quốc được đồng nghiệp đưa đến viện khám sau 2 ngày sốt cao liên tiếp và bất ngờ phát hiện phổi đã trắng xóa.
Theo tờ Hàng Châu Nhật báo, Trung Quốc, vào mùa đông khi thời tiết chuyển lạnh, tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có xu hướng tăng cao. Đầu tháng 1 vừa qua, một nam thanh niên họ Lý (20 tuổi) ở Hàng Châu, Trung Quốc đã phải nhập viện cấp cứu sau 2 ngày sốt cao.
Anh Lý cho biết: “Nửa tháng trước tôi có triệu chứng mệt mỏi, ban đầu tôi cứ tưởng bản thân mắc cảm lạnh. Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi tỉnh dậy tôi phát hiện mình bị sốt cao”.
Anh Lý cho rằng bản thân chỉ mắc cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường nên đã chỉ uống thuốc hạ sốt rồi đi làm. Ngày tiếp theo, bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm, ngoài sốt cao, cơ thể anh Lý còn xuất hiện thêm triệu chứng tức ngực, khó thở, hụt hơi.
Sau khi thấy tình trạng của anh Lý, các đồng nghiệp ở công ty đã nhanh chóng đưa anh đến khoa cấp cứu của Bệnh viện Y học cổ truyền Hàng Châu Trung Quốc để điều trị.
Anh Lý nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, chỉ số SpO2 (mức độ bão hòa oxy trong máu) thấp hơn nhiều so với giá trị bình thường, mất ý thức. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản, chụp CT phổi và cho bệnh nhân thở máy. Bác sĩ điều trị cho biết tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, kết quả chụp CT cho thấy một vùng lớn trong phổi của bệnh nhân đã chuyển sang màu trắng xóa.
Bác sĩ bước đầu chẩn đoán bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch do nhiễm virus kèm nhiễm vi khuẩn thứ phát. Bác sĩ tiến hành nội soi rửa phế nang và phát hiện bệnh nhân dương tính với với virus cúm B kèm bội nhiễm tụ cầu vàng trong phổi. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã thoát khỏi cơn nguy kịch và được cai thở máy.
Cúm B gây ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào?
Cúm B là 1 trong 4 loại cúm mùa (gồm có cúm A, B, C, D). Cúm B là bệnh thường gặp vào mùa đông, có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp. Cúm B có thể lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa virus cúm) trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh cũng có thể lây lan khi chúng ta chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm bởi các giọt bắn có virus rồi chạm vào mắt, mũi, miệng.
Cúm B có thể gây ra các triệu chứng như: ho; tức ngực; nghẹt mũi; đau họng, hắt hơi; sốt; nhức mỏi cơ; đau đầu,...
Hầu hết các triệu chứng sẽ hết sau vài ngày hoặc sau tối đa 2 tuần. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng viêm phổi, viêm phế quản.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần hoặc cơ thể xuất hiện tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, sốt cao kéo dài 3-4 ngày, mọi người cần đi khám sớm để điều trị bệnh kịp thời, từ đó giúp phòng ngừa biến chứng nặng.
Nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng chỉ ra rằng cúm B có thể gây bệnh nặng tương tự như cúm A, đặc biệt là ở những người có yếu tố nguy cơ cao như:
- Trẻ dưới 5 tuổi: Do khả năng miễn dịch của trẻ còn thấp, trẻ dưới 2 tuổi mắc cúm B có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng;
- Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên: Do hệ miễn dịch suy giảm khi tuổi tác tăng cao;
- Người béo phì;
- Người mắc bệnh lý nền như bệnh hô hấp mạn tính, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gan, bệnh về máu, hội chứng chuyển hóa,....
Để phòng ngừa cúm B, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Ngoài ra, để tránh lây nhiễm bệnh mọi người cần thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người...