"Thánh địa của nữ giới": Ghé thăm quốc gia Bắc Âu giàu có hạnh phúc, nơi 6 người quyền lực nhất cả nước đều là phụ nữ ở độ tuổi 30

P.H,
Chia sẻ

Bạn có đoán được đó là quốc gia nào không? Đáp án chắc hẳn sẽ khiến bạn bất ngờ!

Đó chính là Phần Lan, quốc gia giàu có thuộc khu vực Bắc Âu với dân số là 5,5 triệu dân. Đất nước này được cai trị bởi bà Sanna Marin, Nữ thủ tướng mới chỉ 36 tuổi. Chưa dừng lại tại đó, hệ thống chính trị Phần Lan gồm có 5 đảng phái, và tất cả đều do phụ nữ nắm quyền. 5 vị nữ tướng này cũng đều ở độ tuổi 30 mà thôi. Phải nói, Phần Lan thật sự là "thánh địa" của phụ nữ. 

Đây là thành quả to lớn sau rất nhiều năm đất nước thúc đẩy công tác đấu tranh và kêu gọi bình đẳng giới. Năm 1906, Phần Lan, khi đó còn là một công quốc của Nga, đã trở thành quốc gia đầu tiên trao quyền bầu cử và tranh cử cho phụ nữ. Một năm sau đó, 19 người phụ nữ được bầu vào quốc hội Phần Lan, và họ nghiễm nhiên trở thành những nữ nghị sĩ đầu tiên trên thế giới, có tiếng nói và vị thế chính trị. 

Thánh địa của nữ giới: Ghé thăm quốc gia Bắc Âu giàu có hạnh phúc, nơi 6 người quyền lực nhất cả nước đều là phụ nữ ở độ tuổi 30 - Ảnh 1.

Phần Lan được thống trị bởi những người phụ nữ tài ba

Ngày nay, khoảng một nửa số viên chức lập pháp và bộ trưởng của quốc gia là do phụ nữ nắm giữ. Thật vậy, Phần Lan có nhiều điều để tự hào, để kể cứ mỗi dịp Quốc tế Phụ nữ về. Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức vào năm ngoái, Phần Lan đứng thứ hai trong bảng xếp hạng rút ngắn "khoảng cách về giới", chỉ đứng sau quốc gia Bắc Âu Iceland. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản lần lượt giữ vị trí thứ 30 và 120 trong tổng số 156 quốc gia.

Sự tiến bộ và văn minh vượt bậc của Phần Lan được thế giới công nhận và ngưỡng mộ. Giáo sư người Mỹ William, từng có thời gian nghiên cứu về hệ thống giáo dục của Phần Lan cho biết: "Ở Phần Lan, chúng tôi nhận thấy một xã hội bình đẳng và khiêm tốn đến không tưởng, hoàn toàn trái ngược với những gì chúng tôi có tại Mỹ. Học sinh được học thông qua các hoạt động vui chơi và khám phá thú vị, dành nhiều thời gian giải lao ngoài trời mỗi ngày. Giáo viên được kính trọng và trường học thì được đầu tư hết sức đồng đều. Chế độ nghỉ phép của cha mẹ rất hào phóng, bệnh viện công lúc nào cũng là chất lượng nhất. Và dễ thấy nhất chính là dấu ấn của phụ nữ trong mọi vai trò và ngành nghề, từ lãnh đạo chính trị đến các công việc khác nhau trong xã hội".

Vì sao Phần Lan có được sự tiến bộ đó?

Bà Tarja Halonen, cựu Tổng thống 77 tuổi chơi bóng rổ và rất yêu mèo đã được bình chọn là người phụ nữ truyền cảm hứng của quốc gia năm 2021. "Phần Lan là một quốc gia nhỏ bé," cựu Tổng thống Halonen giải thích với phóng viên CNN tại nhà của mình ở quận Helsinki - nơi tầng lớp lao động như bà hay cha mẹ bà sinh ra và lớn lên. 

"Trong 700 năm, chúng tôi là một phần của nước láng giềng phía Tây (Thụy Điển). Sau đó, nhà vua Thụy Điển bắt đầu cuộc chiến chống lại Nga và mất quyền cai trị Phần Lan. Trong 100 năm kể từ đó, chúng tôi là một phần của Nga - thật may mắn, vẫn là một phần tự trị. Tính đến hiện tại, đất nước chúng tôi đã độc lập được hơn 100 năm. Trong thời gian đó, Phần Lan đã trải qua một cuộc nội chiến, hai cuộc chiến tranh với vô vàn khó khăn."

"Chúng tôi đã học được cách sống sót độc lập, bướng bỉnh và chăm chỉ. Có lẽ bằng cách nào đó, chúng tôi đã nhận ra rằng, xã hội cần cả nam và nữ để vận hành hiệu quả 100%. Ở đây, ở phía Bắc (của toàn cầu), chúng tôi có những người phụ nữ mạnh mẽ trong xã hội, như một lẽ tất nhiên. Phụ nữ phải mạnh mẽ để tồn tại và để giúp đỡ gia đình, đồng bào của họ."

Thánh địa của nữ giới: Ghé thăm quốc gia Bắc Âu giàu có hạnh phúc, nơi 6 người quyền lực nhất cả nước đều là phụ nữ ở độ tuổi 30 - Ảnh 2.

Giám đốc điều hành doanh nghiệp Phần Lan cho biết, "đặc tính bình đẳng" được "gắn vào văn hóa" tại quốc gia này. Bà giải thích: "Bình đẳng giới diễn ra hằng ngày, trong các dịch vụ xã hội cơ bản nhất như chăm sóc sức khỏe và giáo dục chất lượng cao, được cung cấp cho mọi công dân như một nền tảng thiết yếu, không thể xê dịch".

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Phần Lan "sạch bóng" các vấn nạn xã hội. Có nghiện rượu, quấy rối tình dục và có tồn tại bạo lực gia đình ở Phần Lan. Cụ thể, 23% phụ nữ từ 15 - 49 tuổi phải chịu bạo hành trong đời, theo số liệu của Liên hợp quốc. Trong khi đó, tại Mỹ con số này là 26%, 24% ở Vương quốc Anh, 22% ở Pháp, 21% ở Thụy Điển, 16% ở Ý và 15% ở Tây Ban Nha. Ngoài ra, Phần Lan cũng "đau đầu" với  nạn phân biệt chủng tộc. Một báo cáo năm 2020 của Chính phủ Phần Lan cho thấy, 4/5 người gốc Phi từng bị phân biệt đối xử vì màu da của họ. 

"Phân biệt chủng tộc diễn ra sâu sắc ở Phần Lan. Cách suy nghĩ và phương thức hành động của chúng tôi bị chi phối mạnh mẽ, ngay cả khi chúng tôi không nhận ra điều đó hoặc không muốn thừa nhận điều đó". Nhưng đồng thời, Phần Lan hiện là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong việc phấn đấu đạt được đời sống tốt đẹp hơn cho mọi công dân trên lãnh thổ của mình. Các dịch vụ công và trường học tại đây luôn nằm trong top những cơ sở hạ tầng dịch vụ tốt nhất trên toàn cầu. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc năm 2021, Phần Lan gần như đã đạt được các mục tiêu của Liên hợp quốc về cải thiện sức khỏe, giáo dục, nước, năng lượng và hòa bình, xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng.

Thánh địa của nữ giới: Ghé thăm quốc gia Bắc Âu giàu có hạnh phúc, nơi 6 người quyền lực nhất cả nước đều là phụ nữ ở độ tuổi 30 - Ảnh 3.

Sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ trong xã hội đã giúp Phần Lan phát triển khả thi", Thủ tướng Marin nói trong bài phát biểu tại Diễn đàn Bình đẳng Thế hệ năm ngoái. "Một trăm năm trước, Phần Lan là một xã hội nghèo đói và xung đột. Chúng tôi không thể bỏ qua tiềm năng của một nửa dân số".

Càng nói chuyện với người Phần Lan, bạn sẽ càng bị ấn tượng bởi sự tiến bộ và văn minh của họ khi nhấn mạnh ý niệm về quan hệ đối tác giữa phụ nữ và nam giới, thay vì coi bình đẳng giới là một cuộc cạnh tranh của đôi bên xem ai mạnh hơn. 

Phần Lan không cần phải biến mình "tốt hơn" để đi so sánh, ganh đua với nhiều quốc gia khác. Phần Lan đơn giản đóng vai trò như một tấm gương soi và cảm hứng về tương lai tốt đẹp khi một xã hội cố gắng, nỗ lực hết mình để tiếng nói của mỗi một cá nhân đều được lắng nghe, trao cho họ quyền sống và cống hiến, không ngừng nỗ lực quan tâm tới mọi công dân của mình bằng sự công bằng và nhân ái, sau cùng hướng đến sự phát triển toàn diện của xã hội. Người dân Phần Lan là những người đầu tiên thừa nhận rằng đây vẫn là một công trình đang được tiến hành - nhưng phải công nhận rằng, họ đang cho thế giới thấy lý do tại sao công trình đó đáng được phấn đấu để xây dựng nên. 

Nguồn: CNN

https://kenh14.vn/thanh-dia-cua-nu-gioi-ghe-tham-quoc-gia-bac-au-giau-co-hanh-phuc-noi-6-nguoi-quyen-luc-nhat-ca-nuoc-deu-la-phu-nu-o-do-tuoi-30-20220309003120123.chn
Chia sẻ