Tháng nào dễ viêm bàng quang?

,
Chia sẻ

Tháng nào trong năm cũng có thể bị viêm bàng quang, nhất là ở phụ nữ (do ống dẫn tiểu ngắn hơn ở đàn ông) nhưng bệnh rõ ràng có khuynh hướng bội tăng vào các tháng nóng bức.

Lý do là vì khác biệt nhiệt độ thái quá, chẳng hạn vừa từ ngoài trời nóng gắt bước vào phòng có gắn máy lạnh hay ngược lại
Để ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm tấn công ngược lên trái thận, thầy thuốc tất nhiên phải dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào viêm bàng quang cũng đều do nhiễm khuẩn.
 
Chườm nóng vùng bụng dưới để bớt đau khi đi tiểu


Trái lại, không dưới 2/3 trường hợp không cần dùng thuốc kháng sinh. Hơn nữa, đó không hẳn lúc nào cũng là giải pháp vì ngay cả trong trường hợp nhiễm khuẩn và được điều trị đúng cách, bệnh vẫn tái phát dễ dàng với khuynh hướng càng lúc càng cứng đầu với thuốc kháng sinh.

Chính vì thế, thầy thuốc ở các nước có nền y tế tiên tiến từ lâu đã khuyên các đối tượng dễ bị viêm bàng quang, thay vì chỉ trông mong vào thuốc kháng sinh thì nên chủ động thực hiện một số biện pháp sinh học như dưới đây:

- Uống thật nhiều nước, được 3 lít trong ngày càng hay, ngay khi phát hiện các triệu chứng viêm bàng quang (ớn lạnh, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt...) để mượn dòng nước tiểu kéo bệnh nguyên ra ngoài. Đừng ngại đi tiểu trong ngày, tốt nhất là đi tiểu mỗi giờ nhưng đừng quên uống ngay ly nước lớn sau mỗi lần “xả xú bắp”.

- Chườm nóng vùng bụng dưới để bớt đau khi đi tiểu.

- Ngưng mọi hoạt động thể dục thể thao. Nằm nghỉ càng thường xuyên càng hay trong suốt thời gian viêm bàng quang.

- Uống nước ép trái dâu tây càng nhiều càng tốt vì hoạt chất trong trái này có tác dụng kháng sinh không thua thuốc đặc hiệu. Đã vậy, nước dâu tây vừa không gây lờn thuốc lại thêm ngon miệng.

- Tăng lượng nấm trong khẩu phần để tận dụng tác dụng giảm đau tương tự aspirin của hoạt chất trong nấm.

- Giữ lòng bàn chân cho ấm bằng cách mang vớ, ngâm chân nước ấm, hơ chân bằng máy sấy tóc, bằng đèn hồng ngoại...

Trong bối cảnh của môi trường ô nhiễm lại thêm khí hậu oi bức, viêm bàng quang hẳn không mời cũng đến. Nếu không có cách “tống cổ cho yên thân” thì tốt hơn hết là nên chuẩn bị để bệnh nếu có đến cũng đừng đến quá thường và đã đến thì đừng ở lại quá lâu, khi đi thì đừng bỏ lại vài di chứng nào đó. Điều đó hoàn toàn khả thi nếu nạn nhân đừng khoanh tay “há miệng chờ sung rụng” rồi trúng nhằm... thuốc kháng sinh.
 
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
 (Trung tâm Điều trị ô xy cao áp TPHCM)
NLD
Chia sẻ