Thang máy công sở: những pha vô duyên "khó đỡ"

Nguyễn Nguyệt - TTVN,
Chia sẻ

Để được chen chân vào thang máy, nhiều người không ngại ùn đẩy, thậm chí đánh bật cả người bên cạnh, sấn sổ tìm chỗ cho mình.

"Quyết chiến" để được vào thang máy

Bất kỳ ai đã từng đi thang máy ở các tòa nhà công sở, có lẽ đều rất quen thuộc với cảnh xô bồ vào đầu giờ làm hay giờ tan sở. Ngay cả ở những tòa nhà cao tầng hiện đại, người ta vẫn dễ dàng thấy một số người ăn mặc lịch lãm nhưng lại không ngại sấn sổ đánh bật người đứng gần để chen chân vào thang máy trước.

Chị Minh Tâm là nhân viên lễ tân làm việc ngay tầng một của một tòa nhà cao tầng ở khu Cầu Giấy. Bàn làm việc của chị trông thẳng ra khu vực thang máy nên ngày nào chị cũng được chứng kiến những màn “sống mái” để được vào thang máy sớm hơn… vài giây. Một lần, chị được chứng kiến một tai nạn hi hữu chỉ vì không ai chịu chậm chân hơn người khác.


Cửa thang máy vừa mở là phi vào, bất kể người ở trong đang khó chịu thế nào (Ảnh minh họa)

Khoảng 8 giờ sáng hôm ấy, nhân viên làm việc trong tòa nhà đứng đông nghẹt cả bốn cửa thang máy. Những người đến vào tầm giờ này đa phần đều đã bị muộn ít phút, nhìn mặt ai cũng có vẻ hấp tấp, vội vàng. Lúc một trong bốn chiếc thang máy có tín hiệu đến nơi, cả đám đông đổ dồn về phía cánh cửa đang mở. Không ngờ, mọi người vừa xô vào thì bỗng vang lên những tiếng hét thất thanh. Đám đông giãn hẳn ra, nhiều người lầm bầm bực dọc. Hóa ra, anh đầu bếp của nhà hàng ở tầng trên cũng đang đi xuống, tay xách nách mang theo theo một lô thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, định mang đi trả lại. Bị mọi người va vào, anh tuột tay rơi hết cả đống túi thực phẩm ấy, trong đó có cả… mắm tôm. Người nào may mắn thì tránh kịp, người nào đen đủi thì bị bắn đầy tương ớt, mắm tôm lên người. Chị Tâm kể, sau tai nạn lần ấy, tình trạng xô bồ, chen lấn vào thang máy chỗ chị đỡ hẳn.

Còn Ngọc, phiên dịch của một công ty xuất nhập khẩu (TP Hồ Chí Minh), thì một lần suýt bị đè bẹp trong thang máy. Chị kể: “Lần ấy, mình vào thang máy đầu tiên, một thanh niên bước vào sau đó. Anh này đeo một chiếc ba lô to tướng, đứng ngay trước mặt mình nhưng không bỏ ba lô xuống. Lúc đầu thang máy chỉ có 2 người, lên thêm 3 tầng nữa thang máy đã chật cứng không nhúc nhích nổi. Cái ba lô trước đó còn cách mình một sải tay thì nay ‘ịn” thẳng vào mặt mình, lại còn rất… nặng mùi. Lúc này thang máy đã đông đến mức mọi người đều bị kẹt cứng rồi, có bảo thì anh ấy cũng không cởi được ba lô ra. Hôm ấy bước ra khỏi thang máy mình suýt ngất.”

Thời buổi hiện đại, tòa nhà cao tầng nào gần như cũng trang bị thang máy. Nhưng cả tòa nhà có bao nhiêu con người thì cũng có chừng ấy kiểu văn hóa sử dụng chẳng ai giống ai.

Phương Nhung, nhân viên trực điện thoại (Thanh Xuân, Hà Nội), đã đúc kết ra bài học quý giá sau một lần bị “cho rơi”: “Hôm ấy mình cùng vài người đang đứng chờ thang máy. Lúc thang máy mở ra, một người đàn ông cao to nhanh chân bước vào trước rồi nhanh tay ấn luôn nút đóng lại. Một chị chạy kịp vào, còn mình với một em nữa chỉ kịp ‘ơ, ơ’ hai tiếng khi nhìn cửa thang máy đã khép kín. Từ lần đó, hễ thang máy mở cửa là mình phi vào, không nhanh chân thì chỉ thiệt thân.”


Văn hóa thang máy công sở vẫn còn lắm chuyện phải bàn!

Còn Mỹ Linh, tư vấn viên (TP Hồ Chí Minh) thì lại có một câu chuyện hài hước về chiếc thang máy chỗ chị làm. Công ty chị thuê văn phòng ở một khu chung cư cao cấp. Trong khu này, nhân viên của các công ty sử dụng chung thang máy với người dân sống trong các căn hộ. Bao chuyện cười ra nước mắt cũng từ đó mà ra. Chị kể: “Ở nơi khác người ta chỉ dùng thang máy để đi lên đi xuống, còn ở chỗ mình, thang máy còn được tận dụng để… dỗ con. Con khóc, bế vào thang máy dỗ cho nín. Con lười ăn, bế vào thang máy để cho ăn. Đứa trẻ cứ nhìn cửa thang máy mở là lại ré lên cười, bà mẹ đút được một thìa cơm, thế nên cứ vào thang máy là bà mẹ này ấn hết các nút từ tầng 1 đến tầng 18. Người trong thang máy thì sốt hết cả ruột, còn người đang đợi thang máy thì cứ dài cổ chờ.”

Ở những đất nước phát triển như Nhật Bản, người ta được học văn hóa sử dụng thang máy từ khi còn bé. Các em được dạy khi thang máy mở ra phải đứng sang hai bên cánh cửa cho mọi người bước ra, người trong bước ra hết thì mình mới bước vào. Rồi nếu vào thang máy trước, phải giữ nút mở để những người vào sau không bị kẹt. Những bài học đơn giản từ lúc còn nhỏ khiến người Nhật Bản sử dụng thang máy một cách trật tự, văn minh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thang máy xuất hiện chưa lâu nên người ta chỉ quen sử dụng nó để phục vụ cho bản thân mà chưa biết cách sử dụng để giúp người khác. Thang máy mở cửa thì ùa vào, đến nơi thì xô ra, mình lên tầng nào thì nhấn nút tầng ấy, ai không chạy vào kịp thì ráng… đợi lượt sau.


Trẻ em Nhật Bản được dạy văn hóa sử dụng thang máy từ khi còn bé.

Dùng thang máy để “đo” độ ga lăng

Các nút bấm trong thang máy chỉ có hai loại: nút mở ra đóng vào và nút lên các tầng. Thế mà xung quanh cái bảng điều khiển ấy cũng có bao chuyện đáng suy ngẫm. Nhiều chị em giờ đây còn khám phá ra cách “đo lường” độ ga lăng của đàn ông chỉ qua… thang máy.

Chị Vân Anh (Linh Đàm, Hà Nội), kể: “Có lần chị đi làm muộn, gửi xe xong phải ba chân bốn cẳng chạy thẳng đến thang máy. Đi trước chị là một người đàn ông trẻ tuổi, mặc áo sơ mi, quần tây thẳng thớm. Anh này bước vào thang máy trước. Chị vừa chạy phía sau vừa luôn miệng ‘chờ em tí, chờ em tí’, vậy mà anh ta cũng không ấn nút giữ cửa thang máy. Mình vẫn nhớ gương mặt thờ ơ của người đàn ông ấy khuất dần sau cánh cửa. Đúng là không thể trông mặt mà bắt hình dong.”

Hải Anh, nhân viên bán hàng của một công ty thiết kế web, cũng từng “đụng mặt” một quý anh lịch lãm mà thiếu tế nhị. Hôm đó, chị bước vào thang máy khi đã có khá đông người. Lên đến tầng 7 thì mọi người đã ra bớt khá nhiều, cả thang máy chỉ còn mình chị với hai cô gái và một người đàn ông ăn mặc lịch sự đứng cạnh ngay hệ thống điều khiển. Mỗi khi thang máy mở cửa mà không có người vào, cả 6 con mắt đổ về phía người đàn ông đứng im không nhúc nhích. Cuối cùng, chị phải chạy từ góc bên kia sang ấn nút đóng lại. Thang máy dừng ở vài tầng nữa nhưng người đàn ông không một lần rút tay ra khỏi túi quần. Đến tầng 16, khi anh chàng đẹp mã bước ra, mấy chị em nhìn nhau nhún vai: Đàn ông gì mà thiếu ga lăng đến thế là cùng.


Chỉ bằng một cái nhấn giữ cửa, bạn đã thể hiện mình là người “biết” đi thang máy.

Những màn “bi hài kịch” xung quanh chiếc thang máy chung quy lại cũng là từ ý thức của người sử dụng. Vì muốn nhanh hơn vài phút, nhiều người không ngại xô đẩy, chen lấn. Nhưng cũng có người sẵn sàng chờ đến chuyến sau để nhường chỗ cho phụ nữ, người già, bà bầu, hay trúng phải "tiếng sét ái tình" khi đi thang máy chẳng hạn. Đó là chuyện của Thu Hồng (Hai Bà Trưng – Hà Nội), và không phải ai cũng gặp may mắn như cô. Giờ kể lại, cô vẫn còn lâng lâng cảm xúc lần đầu gặp mặt bạn trai bây giờ: “Anh ấy làm việc ở tầng 17, mình làm việc ở tầng 18. Hôm ấy, anh vào thang máy trước, mình đi sau một đoạn khá xa, suýt bị lỡ nhưng anh ấy nhấn nút giữ chờ mình vào cùng. Mình gật nhẹ đầu cảm ơn rồi cũng không để ý gì nữa. Lúc sau, khi đến tầng cần đến, anh ấn nút đóng lại rồi nhanh chân bước ra để mình không phải đợi lâu. Lúc ấy, nhìn bóng dáng anh khuất dần sau hai cánh cửa thang máy, mình đã ‘cảm nắng’. Sau đó, mình với anh làm quen và thành đôi.”
Chia sẻ