Thận trọng khi dùng thuốc cai nghiện rượu

,
Chia sẻ

Tất cả các thuốc điều trị nghiện rượu đều có tác dụng phụ với mức độ khác nhau, thậm chí nặng nề, chứ không có thuốc nào hoàn toàn vô hại.

Nghiện rượu làm người ta biến đổi nhân cách, chất lượng công việc giảm sút, đạo đức suy đồi, tệ nạn xã hội xuất hiện (cờ bạc, trộm cắp, hiếp dâm, đánh nhau...) và còn gây ra nhiều tai nạn giao thông. Rượu tàn phá cơ thể người, nghiện gây nhiều bệnh lý trầm trọng như xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm loét dạ dày - tá tràng, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh lý teo não do rượu và nhiều rối loạn chuyển hóa khác.


Để giúp người nghiện cai được rượu, trong y học có dùng một số thuốc

Naltrexon (các biệt dược: danapha, nalorex, trexan...). Bản chất naltrexon là thuốc giải độc, đối kháng với morphin. Người ta thường dùng thuốc này để hỗ trợ cai nghiện ma túy. Để cai nghiện rượu, một số nước có dùng natrexon cho người nghiện rượu uống hàng ngày. Thuốc được cho là có tác dụng sửa chữa rối loạn hệ thần kinh như làm tăng hoạt động của chất sinh học dẫn truyền thần kinh là GABA, làm giảm sự thèm rượu của người nghiện. Tuy nhiên, hiệu quả không cao vì người nghiện rất khó tuân thủ điều trị dài ngày.

Amitryptilin (các biệt dược: elavil, lavate, meravil...) là loại thuốc chống trầm cảm, an dịu mạnh. Người nghiện rượu dùng thuốc này sẽ không bị hội chứng cai, không bị trầm cảm, ăn ngủ tốt, hạn chế tìm đến rượu. Nhưng điều căn bản là người nghiện phải có quyết tâm từ bỏ rượu và dùng thuốc để hỗ trợ cai nghiện.

Disulfiram (các biệt dược: esperal, abstinyl, antabuse, anticol, refusal...). Đây là loại thuốc theo kiểu "lấy độc trị độc" (có bán trên thị trường) dùng để cai rượu nhưng tiềm ẩn nhiều mạo hiểm, nếu không có sự điều trị và theo dõi của thầy thuốc, thì không được tự ý sử dụng.


Cơ chế tác dụng của thuốc như sau: khi uống rượu vào cơ thể, nó được chuyển hóa qua nhiều giai đoạn, trong đó có chuyển thành chất acetaldehyd rồi sau đó chuyển thành carbonic (CO2) và nước (H2O) để được loại ra khỏi cơ thể.

Vì acetaldehyd rất độc sẽ làm cho người đã uống disulfiram mà lại uống rượu sẽ bị ngộ độc như: tim đập nhanh, buồn nôn, nôn mửa, mặt đỏ bừng, vã mồ hôi, nhức đầu chóng mặt, hạ huyết áp... Chính những tác động rất khó chịu này khiến cho người nghiện rượu thấy ghê sợ rượu mà không muốn uống nữa.

Nếu dùng disulfiram đúng liều, đúng cách, có sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ điều trị thì thuốc chỉ gây độc ở mức khó chịu có giới hạn làm cho người nghiện chán rượu.

Nhưng nếu tự ý dùng không đúng thì nó có thể gây ra tai biến trầm trọng, nguy hiểm tới tính mạng. Bởi vậy muốn cai rượu, người nghiện cần phải khám sức khỏe, nếu có một số bệnh tim mạch, xơ gan, suy thận, suy tuyến giáp, động kinh, đái tháo đường, phụ nữ có thai... thì không dùng được disulfiram.

Để trị được chứng nghiện rượu, thuốc phải dùng lâu dài để đạt tới phản xạ có điều kiện nhìn thấy rượu là sợ, nhưng điều tiên quyết là người nghiện rượu phải có ý chí, quyết tâm cai rượu, tránh tái nghiện.

Đặc biệt người trong gia đình (vợ chồng, cha mẹ, anh em...) không nên mua disulfiram trộn vào rượu, người nghiện không biết uống vào, thì các triệu chứng ngộ độc sẽ diễn ra ở mức rất nặng phải đi cấp cứu như nhiều trường hợp đã từng xảy ra trong những năm vừa qua.


Ngoài ra, còn có metronidazol (thuốc điều trị ký sinh trùng đơn bào và các vi khuẩn kỵ khí) với các biệt dược như klion, medazol, nidazol... cũng có thể dùng vào cai nghiện rượu. Metronidazol cũng có tác dụng ức chế chuyển hóa rượu gây ra các sản phẩm chuyển hóa dở dang giống disulfiram, làm cho người nghiện sợ uống rượu.

Acamprosal (các biệt dược: aotal, zulex, dẫn xuất muối Ca: campral). Đây là thuốc mới dùng để cai rượu. Cơ chế làm giảm sự uống rượu hiện nay vẫn chưa được giải thích một cách rõ ràng, nhưng thuốc được thừa nhận làm giảm sự thèm muốn uống rượu, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của bác sĩ.

Mấy năm trước đây, Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm FDA (Mỹ) đã chính thức cho phép lưu hành thuốc acamprosal vào việc chữa nghiện rượu. Khác với disulfiram, acamprosal không gây độc khi đang uống thuốc mà vẫn uống rượu.

Thuốc không bị chuyển hóa ở gan vì vậy không cần giảm liều đối với người bệnh suy gan. Tuy vậy, thuốc cũng có một số tác dụng phụ như: nhức đầu, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, mất ngủ, mẩn ngứa...

Người nghiện rượu rất dễ tái nghiện, nếu không dùng thuốc thì trong một thời gian ngắn đâu sẽ vào đấy, cần phải điều trị phòng tái phát lâu dài và đòi hỏi người nghiện phải có ý chí, quyết tâm cao từ bỏ rượu.


Tất cả các thuốc điều trị nghiện rượu đều có tác dụng phụ với mức độ khác nhau, thậm chí nặng nề, chứ không có thuốc nào hoàn toàn vô hại.

Bởi vậy, tốt nhất phải được bác sĩ khám để có các chỉ định dùng thuốc cai rượu một cách thích hợp. Và nếu được dùng thì phải theo đúng chỉ dẫn.

Theo SKNCT
Chia sẻ